Thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cán bộ, chiến sĩ thuộc Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã có nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung.
Thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cán bộ, chiến sĩ thuộc Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã có nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung.
Theo Đại tá Chu Văn Liên, Phó giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, có ý kiến của cán bộ, chiến sĩ thuộc Sở đề nghị bổ sung vào phần cuối của Lời nói đầu trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nội dung: “Hiến pháp này quy định chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; cơ cấu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước, mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý”. Việc thêm nội dung này nhằm khẳng định phạm vi điều chỉnh của Hiến pháp.
* Xâm phạm lợi ích của tổ quốc sẽ bị nghiêm trị
Đối với Chương I - Chế độ chính trị, Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001) có Điều 11 quy định: “Công dân thực hiện quyền làm chủ của mình ở cơ sở bằng cách tham gia công việc của Nhà nước và xã hội, có trách nhiệm bảo vệ của công, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, tổ chức đời sống công cộng”. Tuy nhiên, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 không đề cập nội dung này. Do đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung vì đây là quyền làm chủ và trách nhiệm của công dân đối với Nhà nước và xã hội.
Cán bộ, chiến sĩ Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ảnh: Văn Chính |
Ở khoản 2, Điều 11 của dự thảo, có ý kiến của cán bộ, chiến sĩ Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đề nghị bổ sung cụm từ “xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và nhân dân” để cho đầy đủ hơn. Cụ thể: “Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và nhân dân, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị theo pháp luật”. Đồng thời, Hiến pháp nên khẳng định thêm hành vi xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và nhân dân sẽ bị nghiêm trị.
Có ý kiến của cán bộ, chiến sĩ Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy còn đề nghị sửa đổi, bổ sung vào Điều 48 của dự thảo nội dung: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải làm nghĩa vụ trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; việc thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự do luật định”. Hiện nay, ngành công an đang thực hiện việc tuyển chọn công dân để phục vụ có thời hạn (đây là hình thức nghĩa vụ trong Công an nhân dân) nhằm tăng cường, bổ sung lực lượng cho các đơn vị trực tiếp chiến đấu.
* Tuyệt đối trung thành với Đảng
Điều 72 dự thảo nói về Công an nhân dân. Đại tá Chu Văn Liên đề nghị bổ sung cụm từ “tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân”; đồng thời thay cụm từ “bảo đảm” bằng cụm từ “giữ gìn”. Cụ thể: “Công an nhân dân Việt Nam cách mạng được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm”. Vì công an là lực lượng vũ trang nên phải khẳng định việc trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân là tuyệt đối.
Đối với Điều 73, đề nghị bổ sung các cụm từ “an ninh”, “công an”; thay thế cụm từ “của cán bộ và chiến sĩ, công nhân, nhân viên quốc phòng” bằng cụm từ “cho lực lượng vũ trang nhân dân”. Cụ thể: “Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân; thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, an ninh, chính sách hậu phương quân đội, công an; xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang, kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho lực lượng vũ trang nhân dân; xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ đất nước”.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung vào khoản 3, Điều 93 của dự thảo cụm từ “ân xá” và bổ sung vào cuối nội dung của khoản này “có quyền bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Thẩm phán nhân dân tối cao ban hành trái với lệnh, quyết định của Chủ tịch nước”. Đưa thêm nội dung này vào dự thảo nhằm tăng quyền hạn của Chủ tịch nước, đồng thời hạn chế việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các chủ thể trên trái với lệnh, quyết định do Chủ tịch nước ban hành.
Phương Hằng (ghi)