Báo Đồng Nai điện tử
En

Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Nhất quán chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng

09:04, 08/04/2013

Với ý thức trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, tôi hoàn toàn nhất trí với bản Dự thảo  sửa đổi Hiến pháp năm 1992 giữ nguyên Điều 4 thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - một Đảng duy nhất lãnh đạo nhân dân hơn 80 năm qua, đem lại độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.

Với ý thức trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, tôi hoàn toàn nhất trí với bản Dự thảo  sửa đổi Hiến pháp năm 1992 giữ nguyên Điều 4 thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - một Đảng duy nhất lãnh đạo nhân dân hơn 80 năm qua, đem lại độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Trong đó, mọi người có quyền bình đẳng, không phân biệt tôn giáo, được tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bùi Ngọc Thanh thăm, tặng quà bà Cao Thị Miên - người Công giáo, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom), có con là liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: P. Hằng
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bùi Ngọc Thanh thăm, tặng quà bà Cao Thị Miên - người Công giáo, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom), có con là liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: P. Hằng

Chủ nghĩa Mác-Lênin, với tư cách là một học thuyết khoa học về xã hội và nhân văn, đương nhiên cũng không bỏ qua nghiên cứu vấn đề tôn giáo mà trái lại đã chỉ ra một cách đúng đắn nhất về nguồn gốc, bản chất và ảnh hưởng của tôn giáo đối với xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã dành những lời ca ngợi sự từ bi của Đức Phật, lòng bác ái của Chúa Giê-su và Người tự nhận “làm người học trò nhỏ của các vị ấy”.

* Không đấu tranh loại trừ tôn giáo

Hồ Chí Minh luôn luôn tin tưởng vào đồng bào có đạo, Người nói: “Phần lớn đồng bào tôn giáo, nhất là các tầng lớp lao động đều yêu nước, kháng chiến như Công giáo ở nhiều nơi...”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chiếm được lòng tin của đồng bào Công giáo vì Người hiểu về đạo, hiểu đồng bào có đạo, nói với các tín đồ bằng ngôn ngữ tôn giáo của họ. Đối với tín đồ Phật giáo, Người nói: “Lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha”; còn đối với tín đồ Công giáo, Người nói: “Tôi kính cẩn cầu Đức Chúa phù hộ dân tộc Việt Nam và giúp cho Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không đấu tranh loại trừ tôn giáo, mà chỉ đấu tranh với những kẻ lợi dụng tôn giáo chống lại dân tộc. Thậm chí Người còn chăm lo đến nguyện vọng của người có đạo. Người cho rằng, người có đạo là “phần xác ấm no, phần hồn thong dong”. Người vận động đồng bào các tôn giáo tham gia kháng chiến, kiến quốc, nhưng cũng tạo điều kiện cho các tôn giáo được sinh hoạt tự do theo pháp luật; thể hiện qua việc Người ký nhiều sắc lệnh liên quan đến tôn giáo. Trong thư gửi đồng bào Công giáo nhân lễ Giáng sinh năm 1948, Người viết: “Hôm nay, đồng bào lễ Chúa trong một bầu không khí chiến tranh, vì giặc Pháp còn giày xéo trên đất nước, song rồi đây thắng lợi sẽ cho chúng ta lễ Chúa long trọng hơn trong một bầu không khí vui vẻ và tươi sáng của một nước hoàn toàn thống nhất, độc lập”. Như vậy khi nước nhà thống nhất, độc lập thì tôn giáo không mất đi mà hoạt động tự do hơn.

* Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định tư tưởng nhất quán, lâu dài của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng hay không tín ngưỡng của nhân dân. Bác Hồ luôn giáo dục mọi người cần tôn trọng tự do tín ngưỡng, song Người cũng nghiêm khắc phê phán những phần tử lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo, những kẻ hành nghề mê tín dị đoan, phê phán những việc làm sai với chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Chính phủ. Theo Hồ Chí Minh thì đối với người có tín ngưỡng, đức tin tôn giáo và lòng yêu nước không mâu thuẫn nhau mà mỗi người vừa là người dân yêu nước, vừa là một tín đồ chân chính. Đồng bào Công giáo tốt phải là người công dân tốt. “Kính Chúa yêu nước” là nhiệm vụ không thể tách rời, có hết lòng phục vụ Tổ quốc mới làm sáng danh Chúa.

 Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt đến công tác dân vận, nhất là trong vùng có đông đồng bào Công giáo. Bởi đây là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng một Mặt trận thống nhất toàn dân để cùng tham gia kháng chiến kiến quốc. Người thường lấy tư tưởng hành động của các bậc vĩ nhân cũng như các vị sáng lập ra các tôn giáo, những yếu tố cần thiết phục vụ cho xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Điều đó sẽ không lạ khi từ đáy lòng Người ca ngợi những vị tiền bối ấy: “Chúa Giê-su dạy: đạo đức là bác ái; Phật Thích ca dạy: đạo đức là từ bi; Khổng Tử dạy: đạo đức là nhân nghĩa”.

Theo Người, đã là công dân của nước Việt Nam thì dù: “... Công giáo hay không Công giáo, Phật giáo hay không Phật giáo đều phải nỗ lực đấu tranh cho nền độc lập nước nhà... Đức Chúa đã hy sinh vì nhân loại, Người đã vì loài người mà hy sinh, phấn đấu, còn chúng ta hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc”. Hồ Chí Minh còn cho rằng nếu Chúa Giê-su sinh vào thời đại chúng ta và phải đặt mình vào nỗi đau khổ của đương thời chắc Ngài cũng sẽ là một người xã hội chủ nghĩa đi tìm đường cứu thế cho con người.

Tuy nhiên, Người khẳng định những lý tưởng cao đẹp của tôn giáo hoàn toàn không có nghĩa Người đánh đồng thế giới quan duy vật với thế giới quan duy tâm. Người đã từng nói: “Chủ nghĩa duy linh và chủ nghĩa duy vật là ngược nhau, rõ ràng là thế”. Nhưng không phải vì thế mà có sự bài xích hay phân biệt đối xử với nhau giữa các tôn giáo. Thực tế cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chí Minh đã khẳng định sự nhất quán chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng của nhân dân là bình đẳng giữa các tôn giáo, không ai có thể gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phạm Đình Lý (huyện Trảng Bom)

 

Tin xem nhiều