Trong các ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang xuất hiện một số ý kiến cho rằng: “...Làm sao thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bởi lẽ chủ nghĩa Mác-Lênin tự thân là chủ nghĩa vô thần?”.
Trong các ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang xuất hiện một số ý kiến cho rằng: “...Làm sao thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bởi lẽ chủ nghĩa Mác-Lênin tự thân là chủ nghĩa vô thần?”.
Phải chăng ý kiến đó hàm ý rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam - một Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng - lãnh đạo đất nước nên ở Việt Nam không có tự do tín ngưỡng, tôn giáo?
* Chủ nghĩa Mác-Lênin không phủ nhận tôn giáo
Chỉ cần chút ít kiến thức triết học nhập môn thôi, ai cũng hiểu chủ nghĩa vô thần hay thuyết vô thần là một khái niệm triết học, dựa trên quan điểm duy vật để giải thích nguồn gốc thế giới, không thừa nhận thế giới này do một thế lực siêu nhiên hoặc một đấng thần linh nào đó tạo ra. Tất nhiên, chủ nghĩa vô thần đối lập về mặt thế giới quan với những hệ tư tưởng giải thích nguồn gốc thế giới dựa trên các quan điểm duy tâm hoặc thần bí, kể cả hệ tư tưởng của một số tôn giáo. Nhưng chủ nghĩa vô thần tuyệt nhiên không đối lập với tôn giáo hoặc phê phán tôn giáo như là một thực thể xã hội bao gồm các yếu tố đức tin, giáo lý, giáo luật, lễ nghi, cơ sở thờ tự, tín đồ…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí trao đổi với một nữ tu tại Đại hội Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh lần thứ VI (tháng 12-2012). Ảnh: Phương Hằng |
Xét cho cùng, chủ nghĩa vô thần chỉ là một thế giới quan triết học, chứ không phải là một chủ thuyết chính trị hoặc đường lối, chính sách chính trị.
Mặt khác, cũng nên nhận thức cho đầy đủ rằng chủ nghĩa Mác-Lênin là một hệ thống các quan điểm triết học, kinh tế và xã hội - chính trị, không chỉ nhằm giải thích thế giới mà còn hướng đến lý tưởng cao cả hơn, đó là cải tạo thế giới, giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bất công để từng con người được phát triển tự do và toàn diện. Về mặt triết học, chủ nghĩa Mác-Lênin phê phán các quan điểm giải thích thế giới dựa trên các tiêu đề duy tâm hoặc thần bí, nhưng tựu trung không nhằm mục đích đả kích, báng bổ hoặc phủ nhận tôn giáo. Cũng cần nhớ rằng thuyết vô thần đã xuất hiện từ thời cổ đại, chứ nó không phải là sản phẩm tự thân của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Vậy nên, đồng nhất chủ nghĩa Mác-Lênin với chủ nghĩa vô thần, cho rằng chủ nghĩa Mác-Lênin tự thân là chủ nghĩa vô thần, cũng lại là “đánh tráo khái niệm”!
* Phải tôn trọng thực tế!
Cách đặt vấn đề của ý kiến nói trên phải chăng còn hàm ý: Chỉ có những hệ tư tưởng phi vô thần và những người phi vô thần mới bảo đảm thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo - điều mà chủ nghĩa Mác-Lênin và những người cộng sản không thể nào làm được?
Ở Việt Nam, mọi người đều rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có thế giới quan vô thần, nhưng cũng chính Người đã chân thành tự nhận mình là học trò nhỏ của Phật Thích ca, của Chúa Giê-su. Suốt đời, cả trong tư tưởng và bằng hành động thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tôn trọng các tôn giáo, luôn cùng với Đảng và Chính phủ nhất quán thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Có thể dẫn ra rất nhiều tư liệu, tài liệu để chứng minh sự thật này. Ở đây chỉ xin nêu một vài việc cụ thể:
Ngay sau Ngày Độc lập (2-9-1945), với cương vị Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Người đã đề nghị Chính phủ tuyên bố: Tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết (3-9-1945).
Vào đầu những năm 50 của thế kỷ XX, giữa lúc những người đứng đầu một tổ chức tôn giáo công khai cấm giáo dân của mình tham gia kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng, Chính phủ Việt Nam vẫn kiên trì đường lối đại đoàn kết dân tộc, tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, động viên đồng bào có đạo tích cực kháng chiến, kiến quốc. Kết quả là đông đảo tín đồ các tôn giáo vừa phát huy lòng yêu nước, vừa giữ vững đức tin, hăng hái chiến đấu, hy sinh, góp phần rất xứng đáng, rất vẻ vang vào sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo. Nếu Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người cộng sản Việt Nam không thực tâm tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân thì làm sao có được hiện thực hào hùng đó?
Trong thư gửi các cháu nhi đồng Công giáo khu Thượng Mỹ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông ngày 10-5-1947, một lá thư rất ngắn gọn, Bác Hồ đã khuyên các cháu một lời khuyên rất chân tình: yêu Chúa, yêu nước. Như thế đó, việc nhỏ thôi, nhưng ngẫm cho kỹ mới thấy ý nghĩa lớn lao biết dường nào.
Những thực tế đó đã nói lên rất rõ ràng rằng: Có thực thi được quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hay không, hoàn toàn không phải do Chủ nghĩa Mác-Lênin hoặc chủ nghĩa vô thần. Vậy thì ai đó đã có dụng ý gì khi phủ nhận thực tế để quy chụp rằng với chủ nghĩa Mác-Lênin thì “làm sao có thể thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”?
Nhân Ngôn