Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài học từ phương pháp đấu tranh của một đảng viên

09:04, 14/04/2013

Tại kỳ họp lần thứ 12 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh vừa qua, lần đầu tiên một trường hợp đảng viên khiếu nại kỷ luật Đảng được đưa ra lấy ý kiến về hình thức kỷ luật. Khuyết điểm của đảng viên này liên quan đến phương pháp đấu tranh không đúng đắn, vi phạm điều lệ Đảng.

Tại kỳ họp lần thứ 12 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh vừa qua, lần đầu tiên một trường hợp đảng viên khiếu nại kỷ luật Đảng được đưa ra lấy ý kiến về hình thức kỷ luật. Khuyết điểm của đảng viên này liên quan đến phương pháp đấu tranh không đúng đắn, vi phạm điều lệ Đảng.

Năm 2010, vụ tham nhũng tại Bảo hiểm xã hội (BHXH) TX.Long Khánh được phát hiện. Cũng từ vụ tham nhũng này,  nhiều tin nhắn ở một số điện thoại di động dùng sim khuyến mãi được gửi đến nhiều đồng chí lãnh đạo đứng đầu của tỉnh. Tin nhắn có nội dung vừa tố cáo, vừa xúc phạm vì cho rằng các đồng chí lãnh đạo có sự bao che, dung túng sai phạm.

* Sai quy định

Bằng nghiệp vụ, Công an tỉnh đã xác định số điện thoại trên có thể là người trong gia đình của một đảng viên hoặc của chính đảng viên đang là cán bộ lãnh đạo của một sở, ngành cấp tỉnh sử dụng. Từ nhận định này, Ban giám đốc Công an tỉnh đề nghị Thường trực Tỉnh ủy cho Công an tỉnh phối hợp với các ban Đảng tỉnh mời đảng viên nghi vấn đến để làm rõ sự việc.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiến hành bỏ phiếu biểu quyết hình thức kỷ luật đối với đảng viên. Ảnh: Huy Anh
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiến hành bỏ phiếu biểu quyết hình thức kỷ luật đối với đảng viên. Ảnh: Huy Anh

Buổi làm việc được tiến hành vào cuối tháng 7-2010, biên bản được thư ký ghi rõ và kết thúc đọc lại cho mọi người cùng nghe, thống nhất không ai có ý kiến gì khác và các trang đều được đảng viên ký tên. Tuy nhiên 3 ngày sau, đảng viên gửi bản tường trình theo yêu cầu của chủ trì buổi làm việc trước đó, chỉ đề cập đến việc sai phạm ở BHXH TX.Long Khánh nên phải viết lại. Đến bản tường trình thứ 2, thứ 3, đảng viên này khẳng định lấy danh dự của người đảng viên, đạo đức của người lãnh đạo, tâm đức của người làm công tác chính sách... chỉ sử dụng một số điện thoại đã hơn 15 năm qua, ngoài ra không sử dụng bất kỳ số điện thoại nào để gọi, nhắn tin gây rối làm giảm lòng tin và ảnh hưởng uy tín Đảng. Việc đảng viên đã ký biên bản nhận có sử dụng số điện thoại...xx là do bị ép buộc.

 Sau khi làm việc, xác định được người sử dụng số điện thoại...xx, các cơ quan chức năng đã có báo cáo kết quả làm việc gửi Thường trực Tỉnh ủy với nội dung: Đảng viên là cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý, chưa thể hiện được vai trò người lãnh đạo trong đấu tranh xây dựng nội bộ. Tuy nội dung tin nhắn không có tính chất khủng bố, đe dọa, chỉ là thông tin phản ánh đến lãnh đạo tỉnh nhưng việc phản ánh này lại có thái độ không tốt, việc làm này sai quy định về kỷ luật phát ngôn trong Đảng (khoản 1-b, Điều 5, Quy định 94-QĐ/TW ngày 15-10-2007), chưa đến mức phải xử lý trách nhiệm hình sự, song lập trường và thái độ không trung thực, đã ký biên bản thừa nhận sử dụng số điện thoại... xx, sau đó lại phủ nhận nên cần phải chấn chỉnh, kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với đảng viên này.

* Thiếu thành khẩn và sự gương mẫu

Để làm rõ sự việc, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối Dân chính Đảng đã tiến hành làm việc với đảng viên theo quy trình, phân tích rõ sự việc sai phạm, những bất nhất trong việc giải trình của  đảng viên. Quan điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy khối là kiểm điểm giúp đảng viên tự giác nhận thấy khuyết điểm, sai phạm về phương pháp, cách thức đấu tranh qua tin nhắn để rút kinh nghiệm; trường hợp kiểm điểm không thành khẩn, không tự giác mới xử lý. Thế nhưng đảng viên vẫn không nhận thấy thiếu sót của mình, quanh co, né tránh, đổ lỗi cho người khác. Xét thấy trải qua nhiều tổ chức Đảng đã xem xét nhưng ý thức tự giác của đảng viên vẫn không thành khẩn; sai phạm của đảng viên là nghiêm trọng, cần phải xem xét xử lý kỷ luật, Ban Thường vụ Đảng ủy khối Dân chính Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Đồng chí Lê Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy khối Dân chính Đảng cho biết, quan điểm của Đảng ủy khối không nặng về kỷ luật, chủ yếu là giáo dục, thuyết phục để đảng viên thấy việc làm sai của mình để rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm điểm, đảng viên này không thành khẩn, lời nói luôn bất nhất, tự mâu thuẫn với chính mình, làm mất nhiều thời gian của tổ chức Đảng các cấp.

Đồng chí Lê Hồng Phương, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết, đây là trường hợp đầu tiên đảng viên khiếu nại kỷ luật Đảng mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giải quyết theo Quyết định 46-QĐ/TW ngày 1-1-2011 của Ban Chấp hành Trung ương. Trường hợp giải quyết khiếu nại này là một cán bộ nữ, gia đình chính sách, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kiên trì xem xét có lý, có tình, thấu đáo về tính chất và mức độ vi phạm. Xét thấy mức độ vi phạm không lớn nhưng trong quá trình kiểm điểm, nhận thức của đảng viên này không chuyển biến nên phải áp dụng hình thức kỷ luật.

Sau khi Ban Thường vụ Đảng ủy khối Dân chính Đảng có hình thức kỷ luật, đảng viên đã khiếu nại lần lượt đến Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Thực hiện theo thẩm quyền quy định của Điều lệ Đảng, các tổ chức Đảng đã thành lập các đoàn thẩm tra, xác minh song không có tình tiết mới để xóa hình thức kỷ luật cho đảng viên vì đảng viên vẫn cố chấp, bảo thủ, quanh co, đổ lỗi cho người khác, không nhận việc làm sai để tự rút ra bài học. Do vậy, kết quả giải quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ngày 10-4-2013 vừa qua vẫn giữ nguyên hình thức kỷ luật khiển trách theo quyết định thi hành kỷ luật ban đầu của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Dân chính Đảng đối với đảng viên này.

Đồng chí Hoàng Thị Lài, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng đoàn giải quyết khiếu nại kỷ luật của Tỉnh ủy cho biết,  việc thi hành kỷ luật đối với đảng viên này là do ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm, tính Đảng và sự gương mẫu của đảng viên, một cán bộ lãnh đạo kém.

Phương Hằng

 

 

 

 

Tin xem nhiều