Báo Đồng Nai điện tử
En

Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Nỗ lực, trách nhiệm cao

09:03, 10/03/2013

Chỉ trong một thời gian ngắn, công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn tỉnh về Dự thảo sửa đổi (DTSĐ) Hiến pháp năm 1992 đã cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra.

Chỉ trong một thời gian ngắn, công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn tỉnh về Dự thảo sửa đổi (DTSĐ) Hiến pháp năm 1992 đã cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra.

Trong đó, nhân dân trong tỉnh đã đóng góp được hơn 71 ngàn lượt ý kiến về DTSĐ Hiến pháp năm 1992. Hầu hết các ý kiến đều tán thành với DTSĐ Hiến pháp, có ý thức xây dựng đất nước.

* Đẩy mạnh công tác chỉ đạo

Để đạt được kết quả trên, công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai lấy ý kiến nhân dân đã được chuẩn bị chặt chẽ, nghiêm túc. Theo đó, ngay sau khi có chỉ thị, kế hoạch của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân về DTSĐ Hiến pháp năm 1992 gồm 17 đồng chí, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban chỉ đạo. Đồng thời, tỉnh còn thành lập Tổ giúp việc nhằm giúp Ban chỉ đạo, Thường trực HĐND, UBND tỉnh về tổ chức lấy ý kiến nhân dân.

Đại diện bà con dân tộc Chơro góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức. Ảnh: Hùng Cường
Đại diện bà con dân tộc Chơro góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức. Ảnh: Hùng Cường

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 211 để đấu tranh phản bác tư tưởng, luận điểm sai trái, lệch lạc, xuyên tạc đối với việc lấy ý kiến về DTSĐ Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, tỉnh đã kịp thời tổ chức các hội nghị tập huấn kỹ năng, công tác tổ chức, tổng hợp ý kiến và xây dựng báo cáo kết quả đóng góp ý kiến cho cán bộ, công chức các sở, ngành, địa phương. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện lấy ý kiến, Thường trực Tổ giúp việc đã cử báo cáo viên pháp luật đến trực tiếp hỗ trợ các đơn vị phổ biến nội dung và gợi ý thảo luận, góp ý về dự thảo, cách thức tổng hợp các ý kiến.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo phát hành 20 ngàn tài liệu tuyên truyền, hỏi - đáp một số vấn đề cơ bản và toàn bộ DTSĐ Hiến pháp năm 1992, cùng 500 đĩa ghi âm nội dung tài liệu hỏi - đáp đến các xã, phường, thị trấn. Các sở, ngành, địa phương thông qua hội nghị triển khai ở đơn vị mình cũng phát hơn 150 ngàn bản DTSĐ Hiến pháp năm 1992 và báo cáo thuyết minh đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Riêng các cơ quan báo chí của tỉnh, như Đài PT-TH Đồng Nai, Báo Đồng Nai, Báo Lao động Đồng Nai, ngoài việc đăng tải, phát toàn bộ các tài liệu liên quan còn  mở chuyên mục để nhân dân góp ý về DTSĐ Hiến pháp.

* Chú trọng chiều sâu

Với các hình thức, biện pháp tổ chức triển khai như trên, tính đến ngày 8-3, đã có hơn 71 ngàn lượt ý kiến của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đóng góp vào DTSĐ Hiến pháp năm 1992. Trong số các ý kiến góp ý này, có hơn 7.600 ý kiến của các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị xã hội và cán bộ công chức, viên chức; 192 ý kiến của người dân tộc thiểu số; 77 ý kiến của trí thức; 85 ý kiến của chức sắc tôn giáo; gần 55 ngàn ý kiến của người lao động; hơn 5.700 ý kiến của sinh viên và các đối tượng khác.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân về DTSĐ Hiến pháp, đồng chí Trần Đình Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy  nêu rõ, việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào DTSĐ Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục được thực hiện có hiệu quả. Các cơ quan thông tin, truyền thông tăng cường đăng tải các nội dung, ý kiến đóng góp vào DTSĐ Hiến pháp; các đơn vị, địa phương tiếp tục tuyên truyền, tổ chức các hình thức để lấy ý kiến nhân dân.

Đồng chí Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng, ở Đồng Nai đại đa số ý kiến góp ý vào DTSĐ Hiến pháp năm 1992 là sửa đổi, bổ sung các khoản, điều của dự thảo. Đặc biệt, không có ý kiến đề nghị thay đổi thể chế chính trị của đất nước ta. “Qua việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp về DTSĐ Hiến pháp năm 1992 cho thấy, nhân dân đã nhận thức được trách nhiệm, có ý thức về đóng góp xây dựng Hiến pháp cho đất nước” - TS. Huỳnh Văn Tới khẳng định.

Đồng chí Trần Văn Tư, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, kết quả bước đầu mà tỉnh đạt được trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về DTSĐ Hiến pháp thể hiện rằng, Đồng Nai đã có sự chuẩn bị tốt, cách làm bài bản. “Nhiệm vụ trọng tâm của Đồng Nai trong thời gian tới là làm sao để đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa rộng lớn này có chất lượng, có chiều sâu” - đồng chí Trần Văn Tư nhấn mạnh.

Phương Hằng

 

Tin xem nhiều