Báo Đồng Nai điện tử
En

Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Không thể thay thế vị trí của Đảng trong dân

08:03, 24/03/2013

Một trong những nội dung được các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đặc biệt chú ý trong đợt góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là Điều 4 quy định về vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Một trong những nội dung được các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đặc biệt chú ý trong đợt góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là Điều 4 quy định về vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thời gian vừa qua, đã có khá nhiều ý kiến đóng góp cho Điều 4 Hiến pháp. Tính đến ngày 16-3, trong số 70.760 lượt ý kiến đóng góp, chưa có ý kiến nào đề nghị xóa bỏ Điều 4, chỉ có 746 ý kiến đề nghị sửa chữa, bổ sung cho hoàn chỉnh, làm rõ thêm ý nghĩa và lý luận được chặt chẽ hơn. Trong đó, phần lớn là ý kiến của cán bộ, đảng viên, thể hiện tình cảm, chính kiến đối với Đảng. Đó là tiếng nói của lý trí, của ý thức về chính trị. Còn vị trí của Đảng trong lòng các tầng lớp nhân dân, những người chưa phải là đảng viên như thế nào? Tình cảm của quần chúng lao động đối với Đảng ra sao?

* Không được bỏ Đảng

Trong buổi tiếp xúc với công nhân lao động tại khu nhà trọ thuộc xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) và giới tiểu thương ở chợ Hóa An (TP. Biên Hòa) của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vừa qua, nhiều người đã bộc bạch tình cảm của bản thân, gia đình và những người xung quanh về Đảng, cũng như đóng góp chân tình cho Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Bà Bùi Thị Tám (chợ Hóa An, TP.Biên Hòa) bày tỏ ý kiến của mình tại buổi tiếp xúc.
Bà Bùi Thị Tám (chợ Hóa An, TP.Biên Hòa) bày tỏ ý kiến của mình tại buổi tiếp xúc.

Đó là khẳng định của cô công nhân Cao Thị Tình,  hiện đang làm việc ở Công ty TNHH giày Việt Vinh (huyện Trảng Bom). Quê ở huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An), Cao Thị Tình theo bạn bè vào làm việc tại Đồng Nai đã 5 năm. Nói về lý do không đồng ý với những ý kiến đòi bỏ Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chị Cao Thị Tình cho biết: “Gia đình tôi từ ông bà cho đến cha mẹ đều là nông dân. Tôi cũng như mọi người trong làng, cả đời chẳng được đi đâu xa cho đến lúc vào Đồng Nai làm việc. Ở công ty, chúng tôi suốt ngày trong xưởng sản xuất, ít được đọc sách báo, xem ti-vi hay nghe đài, thỉnh thoảng chỉ vào mạng đọc báo điện tử, xem các thông tin về xã hội, sức khỏe, hôn nhân gia đình... Tôi ít quan tâm đến chính trị, vì thế hiểu biết của tôi về mục tiêu, cương lĩnh của Đảng, nói thật là không sâu nhưng  tôi biết đại để Đảng là của dân, do dân, vì dân”.

Chị Cao Thị Tình cho biết thêm: “Từ nhỏ, tôi đã nghe ông bà và những cụ cao tuổi trong làng kể chuyện thời trước Cách mạng tháng Tám. Thời ấy rất khổ, nhất là trận đói năm Ất Dậu 1945, trong làng, ngoài huyện rất nhiều người chết đói. Ông bà bảo, nếu không có Đảng làm cuộc cách mạng đánh Pháp, đuổi Nhật, phá kho thóc phát cho mọi người thì chắc người trong làng lúc ấy đã chết đói cả, chẳng còn ai. Lúc đói khổ thì nhờ Đảng, bây giờ đã được sung sướng hơn thì lại đòi bỏ Đảng, đó không phải là đạo lý của người Việt Nam. Tôi không hiểu biết gì nhiều về chính trị, chỉ biết trong tình cảm của mình, làm thế là không đúng, không được. Tôi không đồng ý với những ai muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp”.

* Luận điểm của kẻ ích kỷ

Cũng giống như chị Cao Thị Tình, bà Bùi Thị Tám, tiểu thương chợ Hóa An (TP.Biên Hòa) khi được hỏi đã cực lực phản đối ý kiến đòi xóa bỏ Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Bà Tám kể, bà quê gốc ở huyện Kinh Môn (tỉnh Hải Dương), vì mưu sinh nên vào Đồng Nai. 16 năm qua với sạp hàng buôn bán trái cây, vợ chồng bà đã cần cù lao động, nuôi các con trưởng thành, hai người con lớn đã đi làm, còn người con út đang học tại Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh.

Bà Tám bày tỏ: “Tôi không phải là người am hiểu về chính trị, nhưng tôi biết rằng Bác Hồ sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam với mục đích xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, ai cũng được quyền hưởng hạnh phúc. Bác Hồ còn dạy cán bộ phải “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, dạy mọi người phải sống nhân ái, quan tâm đến nhau, nhất là những người khó khăn, bất hạnh. Là người dân, chúng tôi cũng chỉ mong muốn có thế, vậy thì đòi hỏi có thêm những đảng phái khác để làm gì, nhiều phe nhiều phái lại nảy sinh chuyện tranh giành quyền lực chỉ làm khổ dân mà thôi”.

Đồng chí  Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhận xét: “Những ý kiến trên chính là tiếng nói hồn nhiên, tự nhiên, chân thành của những người ngoài Đảng, nhưng đọng lại trong đó sự yêu quý, tin tưởng, đồng thời kỳ vọng rất lớn vào tổ chức Đảng. Điều này cho thấy được giá trị và sự cần thiết của Đảng trong cuộc sống, trong quần chúng nhân lao động. Đảng không chỉ là của đảng viên, mà là Đảng của dân, và nhân dân đang cần Đảng…”

“Những năm qua, Đảng đã mang lại cuộc sống ấm no, ổn định cho người dân. Tôi cũng nhờ có được sự ổn định ấy mà yên tâm làm lụng, nuôi dạy con cái, thật không còn mong mỏi gì hơn. Tôi cho rằng, đông đảo người dân cũng ý thức được điều đó. Chỉ có những kẻ vì cái gì đó không được thỏa mãn mới đòi xóa bỏ vai trò, vị trí của Đảng, những kẻ ấy chỉ vì lợi ích cá nhân, không nhìn thấy lợi ích chung của toàn dân tộc, thật là ích kỷ” - bà Tám nói.

Bà Tám cũng cho rằng, những tiêu cực, sai trái trong một số cán bộ, đảng viên là có. Nhưng số đảng viên tốt vẫn nhiều hơn. “Tôi thấy có nhiều cán bộ, đảng viên luôn đi đầu trong công tác từ thiện xã hội, quan tâm đến mọi người, sống gương mẫu, rất tốt. “Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi”, xã hội nào, Nhà nước nào chẳng xảy ra chuyện tiêu cực. Vấn đề là có sai thì có sửa. Trong tập thể cần dùng tình cảm động viên lẫn nhau để người ta nhìn ra cái sai rồi sửa chữa. Gần đây, Đảng ta cũng rất kiên quyết sửa sai, tôi tin rằng tiêu cực cũng sẽ bớt đi. Tôi không đồng ý xóa bỏ Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tôi chỉ đồng ý có một Đảng do Bác Hồ sáng lập mà thôi!” - bà Tám nhấn mạnh.

Thanh Thúy

 

Tin xem nhiều