Hiến pháp của quốc gia nào cũng vậy, trước hết khẳng định chính thể của mình qua chế độ chính trị được lựa chọn.
Hiến pháp của quốc gia nào cũng vậy, trước hết khẳng định chính thể của mình qua chế độ chính trị được lựa chọn. Hơn 190 quốc gia trên thế giới hiện nay đang tồn tại với nhiều thể chế chính trị khác nhau. Mỗi quốc gia đều có lý lẽ riêng trong việc chọn lựa và có cách bảo vệ quyền chọn lựa của mình. Quyền chọn lựa hệ tư tưởng nào, chủ nghĩa nào, chế độ chính trị nào, một đảng cầm quyền hay đa đảng... đều do dân tộc của quốc gia đó chọn lựa. Không ai có quyền can thiệp, áp đặt.
Chế độ chính trị của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ra đời từ cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, đánh đuổi giặc ngoại xâm, thiết lập nhà nước độc lập, tự do, thống nhất. Toàn dân Việt Nam đã thống nhất ý chí và hành động trong việc lựa chọn thể chế chính trị của mình từ rất sớm, khởi đầu bằng Hiến pháp năm 1946 (các Điều: 1, 2 và 3). Các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 có sửa đổi, bổ sung cho hoàn chỉnh, phù hợp với yêu cầu, tình hình, nhiệm vụ của đất nước qua từng giai đoạn, nhưng căn bản vẫn giữ định hướng theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân đã chọn: Xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, hướng đến mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Trên cơ sở nội dung ổn định của Hiến pháp 1992, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này có sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung cho phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước, tiếp tục khẳng định thể chế chính trị của quốc gia đã được toàn dân lựa chọn.
* Thống nhất về thể chế chính trị
Về tên nước: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tên gọi này đã được chính danh từ Hiến pháp năm 1980, hơn 30 năm thấm sâu vào tiềm thức của người Việt Nam, vừa thể hiện thuộc tính “cộng hòa” vừa thể hiện định hướng “xã hội chủ nghĩa”. Cũng có ý kiến đề nghị đặt lại tên nước theo Hiến pháp 1946 để đề cao tính dân chủ. Thuộc tính dân chủ đã được bổ sung, đề cao ngay trong Điều 1 “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền...”.
Đồng chí Huỳnh Văn Tới (đại biểu HĐND tỉnh) đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh ngày 7-3-2013. Ảnh: H.Lam |
Về Nhà nước: Từ Hiến pháp 1992, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được khẳng định là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, quyền lực thống nhất, thuộc về nhân dân, nền tảng là liên minh giai cấp công nhân - giai cấp nông dân - đội ngũ trí thức. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nêu rõ: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Bổ sung từ “kiểm soát” là hợp lý.
Có ý kiến đề nghị thực hiện tam quyền phân lập theo kiểu một số nước phương Tây. Các nhà nghiên cứu khoa học xã hội đã chứng minh: Học thuyết “tam quyền phân lập” do nhà tư tưởng người Pháp Montesquieu (thế kỷ XVIII) phát triển từ lý thuyết phân quyền có từ thời La Mã cổ đại, được các nhà nước tư sản áp dụng để chống lại thể chế quân chủ chuyên chế. Việc áp dụng học thuyết tam quyền phân lập ở các nhà nước tư sản hiện nay không giống nhau (Hoa Kỳ khác Pháp, khác Anh), không phải lúc nào cũng mang lại kết quả tốt đẹp, bởi vì trong nó còn bộc lộ nhiều khuyết tật: Thiếu kiểm soát nhà nước từ phía nhân dân, không giải quyết được nạn tranh giành quyền lực giữa các đảng phái, phe phái; dễ gây bất ổn chính trị trong điều kiện hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, đạo đức chính trị chưa cao. Đây không phải là khuôn vàng thước ngọc cho mọi thể chế, không phù hợp với bản chất nhà nước ta hiện nay: Quyền lực thống nhất, mọi quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực của nhà nước. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chọn lựa và vận dụng lý thuyết về tam quyền: Các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp được thực hiện độc lập, có sự phân công, phối hợp minh bạch và sự kiểm soát lẫn nhau của các cơ quan nhà nước.
* Quyền lực thuộc về nhân dân
Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nêu tại Điều 4 với nội dung sửa đổi, có điểm mới so với Hiến pháp 1992: Đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và cả dân tộc Việt Nam; Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân; đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Qua 15 ngàn lượt ý kiến góp ý từ 43 đơn vị được ghi nhận tại thời điểm 6-3-2013, tuyệt đại đa số ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân đều thống nhất, tán thành chế độ chính trị nêu tại Chương I của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Theo đó, các ý kiến đều biểu thị sự nhất trí cao về: tên nước (Điều 1), nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước (Điều 2), vai trò lãnh đạo của Đảng (Điều 4), quyền sở hữu toàn dân về đất đai và quyền sử dụng đất (Điều 57, 58), chức năng, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang (Điều 69, 70, 71). Trong số 1 ngàn lượt ý kiến có góp ý sửa đổi, bổ sung cho văn bản dự thảo, có nhiều ý kiến đóng góp về kỹ thuật văn bản, sửa bổ sung từ, cụm từ nhằm làm rõ hơn nội dung cần diễn đạt về chế độ chính trị. Không có ý kiến nào đề nghị chọn lựa chế độ chính trị khác. |
Có nhiều thế lực đang mong đợi nhân dân kiến nghị xóa bỏ điều này. Nhưng người Việt Nam chân chính luôn tỉnh táo với sự chọn lựa của mình. Đa đảng hay một đảng lãnh đạo là do quyền chọn lựa của nhân dân. Thực tế, đã có nhiều quốc gia do một đảng lãnh đạo cũng phát triển, văn minh, tiến bộ. Vấn đề là đảng nào đem lại lợi ích cho nhân dân nhất, tạo kết quả tốt nhất, được nhân dân tín nhiệm nhất. Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong, có uy tín và năng lực lãnh đạo toàn dân giành độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho mọi người, không có lợi ích riêng. Trong 37 năm lãnh đạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng đổi mới, sửa mình, vượt khó, đưa đất nước và nhân dân phát triển, hội nhập cùng thế giới. Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay là lực lượng chính trị trung thành với lợi ích của nhân dân, kết tinh trí tuệ của nhân dân, tiếp cận với văn minh, tiến bộ của nhân loại, xứng đáng được nhân dân chọn lựa và giao quyền lãnh đạo nhà nước và toàn xã hội. Để thực thi Hiến pháp và nội dung ghi tại Điều 4, pháp luật cần quy định rõ hơn về phương thức lãnh đạo, về các mối quan hệ giữa Đảng với các thành tố khác trong khuôn khổ Hiến định.
TS. Huỳnh Văn Tới
(Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Trảng Bom)