(ĐN) – Như tin đã đưa, sáng 12-3, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, Trưởng đoàn công tác trung ương đã về Đồng Nai kiểm tra việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
(ĐN) – Như tin đã đưa, sáng 12-3, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, Trưởng đoàn công tác trung ương đã về Đồng Nai kiểm tra việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tiếp và làm việc với đoàn, về phía tỉnh Đồng Nai có các đồng chí: Trần Đình Thành, Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Đinh Quốc Thái, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Văn Tư, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh và Vy Văn Vũ, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đồng chí lãnh đạo tỉnh trong giờ giải lao |
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Đồng Nai đã có nhiều mô hình sáng tạo, phong phú và hiệu quả trong công tác tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đồng chí nhận định, cho đến nay Đồng Nai là địa phương duy nhất đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền và triển khai rộng rãi việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Việc thực hiện có sự phối hợp đồng bộ, khoa học, phát huy được sức mạnh cả hệ thống chính trị và đại đoàn kết toàn dân, có bài bản và có chiều sâu; phát huy được dân chủ, trí tuệ của người dân, đảm bảo được sự lãnh đạo của Đảng, không để các thế lực xấu xuyên tạc, gây chia rẽ, mất đoàn kết. Phó thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, địa phương cần tiếp tục triển khai nghiêm túc việc thực hiện lấy ý kiến đóng góp của nhân dân một cách sâu sắc và toàn diện hơn, chú trọng các ý kiến phản biện trung thực, tranh thủ thêm ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý có kinh nghiệm, chức sắc tôn giáo và đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay toàn tỉnh đã có 70.760 lượt ý kiến đóng góp, trong đó 97,8% tán thành toàn bộ nội dung dự thảo, 2,8% ý kiến tán thành, nhưng đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số chương, điều của dự thảo. Việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 không chỉ tạo ra được đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, có ý nghĩa, mà còn góp phần nâng cao nhận thức chính trị của người dân trên địa bàn tỉnh.
T. Thúy