Tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức vừa qua, đã có gần 20 lượt ý kiến đóng góp liên quan đến nhiều nội dung quan trọng. Phóng viên Báo Đồng Nai đã ghi lại một số ý kiến tiêu biểu đã phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức vừa qua, đã có gần 20 lượt ý kiến đóng góp liên quan đến nhiều nội dung quan trọng. Phóng viên Báo Đồng Nai đã ghi lại một số ý kiến tiêu biểu đã phát biểu tại hội nghị.
Cán bộ UBND phường Hố Nai (TP. Biên Hòa) nghiên cứu Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ảnh: V. Chính |
Luật sư Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh: Ưu tiên hàng đầu cho quân đội và công an
Luật sư Nguyễn Đức nhất trí cao với việc sắp xếp Chương II - Quyền con người và nghĩa vụ cơ bản của công dân là rất hợp lý, nó thể hiện sự dân chủ của nhân dân. Tại Điều 24, ông cho rằng, hiện nay nước ta đã gia nhập và tham gia các điều ước quốc tế, vì vậy ngoài việc tuân thủ pháp luật Việt Nam, công dân Việt Nam cũng phải tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết. Chính vì thế, ông đề nghị thêm cụm từ “trong nước và quốc tế” và sửa thành “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài, và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật trong nước và quốc tế”.
Ở Điều 50 Chương II, ông đề nghị phải quy định rõ những người kinh doanh, có thu nhập sinh lời phải nộp thuế chứ không sử dụng từ “mọi người” một cách chung chung như dự thảo bởi nếu dùng từ “mọi người” thì kể cả trẻ em, người già, người chưa đến tuổi lao động cũng phải nộp thuế. Như vậy là không hợp lý.
Trong Chương IV - Bảo vệ Tổ quốc, ông đề nghị bỏ cụm từ “từng bước hiện đại” trong Điều 71 và 72 vì ông cho rằng, tình hình thế giới ngày càng biến chuyển phức tạp theo chiều hướng xấu, vấn đề xâm phạm chủ quyền biển đảo thường xuyên diễn ra, các thế lực thù địch không ngừng tìm mọi cách chống phá nước ta, vì vậy quân đội và công an phải được ưu tiên hàng đầu về mọi mặt và đi thẳng lên chính quy, tinh nhuệ và hiện đại để đủ sức bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Trong Chương V về Quốc hội, ông cho rằng cần quy định cụ thể đại biểu chuyên trách là bao nhiêu phần trăm đại biểu trong Quốc hội chứ không nên để đại biểu kiêm nhiệm quá nhiều như hiện nay, điều đó ảnh hưởng đến chất lượng của đại biểu Quốc hội.
Tại khoản 1, Điều 107 Chương VIII về tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, theo luật sư Nguyễn Đức cần sửa đổi thành “… Hệ thống tòa án nhân dân gồm tòa án nhân dân tối cao và các tòa án phúc thẩm và sơ thẩm khác do luật định”.
Ở Chương IX - Chính quyền địa phương, luật sư Nguyễn Đức đề nghị bỏ cụm từ “được mời” thay bằng “có quyền” trong khoản 1 Điều 119, vì MTTQ là cơ quan đại diện cho nhân dân giám sát các hoạt động của HĐND và UBND. Chủ tịch MTTQ là người đại diện cao nhất cho MTTQ nên có quyền tham dự bất kỳ cuộc họp nào của HĐND và UBND.
Ông Lê Đình Thảo, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Cần có thái độ mạnh mẽ đối với tham nhũng
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lê Đình Thảo không đồng tình với việc bỏ Điều 66 trong Hiến pháp hiện hành. “Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực… đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc. Cần phải giữ lại hoặc sửa đổi bổ sung sao cho phù hợp với vị trí, vai trò và những cống hiến của thanh niên trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đồng thời phải nêu lên được trách nhiệm của xã hội đối với việc bồi dưỡng, giáo dục thanh niên” - ông Thảo nói.
Ông Thảo đề nghị tách vấn đề tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm thành một điều riêng, không nên gộp chung như trong dự thảo sửa đổi ở Điều 8 Chương I. Mục 2 Điều 8 dự thảo nêu: “Cán bộ công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Nếu chỉ đề cập có 3 từ “chống tham nhũng” như trong dự thảo thì chưa phản ánh được thực trạng, tính chất, sự ảnh hưởng tiêu cực và sự cần thiết phải chống quốc nạn này. Mặt khác nếu ghi như vậy thì ai chống ai? Liệu người có hành vi tham nhũng có chống được chính bản thân mình không? Ông đề nghị bổ sung cụm từ “không được có thái độ” trước từ quan liêu, hách dịch và bổ sung từ “khi tiếp xúc với nhân dân” sau từ “cửa quyền”. Việc tham nhũng, lãng phí ở một bộ phận cán bộ, đảng viên đang làm mất dần niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước, tác động trực tiếp đến sự an nguy, tồn vong của chế độ chính trị. Do vậy cần có thái độ mạnh mẽ và chế tài đủ mạnh để ngăn chặn hành vi tham nhũng.
H. Cường - H. Dung (ghi)