Là người lính, kinh qua gian khổ trong rừng, thế nhưng cựu chiến binh Nguyễn Tiến Dũng không kiêng sợ rừng, mà lại quyết tâm làm giàu từ nghề trồng rừng. Từ rừng, ông đã “vắt ra vàng” để vượt khó, vươn lên làm giàu.
Là người lính, kinh qua gian khổ trong rừng, thế nhưng cựu chiến binh Nguyễn Tiến Dũng không kiêng sợ rừng, mà lại quyết tâm làm giàu từ nghề trồng rừng. Từ rừng, ông đã “vắt ra vàng” để vượt khó, vươn lên làm giàu.
* Từ bán cháo lòng thành tỷ phú
Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Tiến Dũng nguyên là cán bộ của Trường Sĩ quan lục quân II (nay là Trường đại học Nguyễn Huệ). Năm 1989, ông ra quân với vốn liếng chỉ có một mảnh đất nhỏ trên đường liên huyện, gần đơn vị và tham gia Hội CCB xã An Phước, huyện Long Thành. Thời gian đầu, kinh tế khó khăn, ông và vợ dựng chòi bán cháo lòng ở trước nhà. Nhờ đồng đội ủng hộ, cũng như chất lượng món ăn được vợ chồng chăm chút nên quán cháo của ông ngày càng đông khách.
Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Dũng trong khu rừng nguyên liệu giấy của mình. |
Khi đã tạo được nguồn thu nhập ổn định từ việc bán cháo lòng, ông chuyển việc buôn bán cho vợ, còn mình kinh doanh, mua bán cây gỗ nguyên liệu giấy. Đây là “nghề” ông học được khi làm nhiệm vụ hậu cần trong quân đội. Sau nhiều tháng ngày đi khắp nơi để gom hàng, CCB Dũng suy tính đến chuyện trồng rừng để chủ động nguồn hàng. Với kinh nghiệm và thông tin có được từ những vùng rừng nguyên liệu giấy đã mua, CCB Dũng thuê đất để đầu tư trồng rừng.
CCB Dũng tâm sự, từng là sĩ quan quân đội, được đào tạo để chỉ huy, huấn luyện, nhưng khi được điều động làm công tác hậu cần, ông cũng chấp hành. Lúc đó, tuy có hơi buồn, nhưng ông vẫn chuyên tâm vào nhiệm vụ mới. Chính nhờ nhiệm vụ này mà ông có thêm kinh nghiệm giao dịch, mua bán, tổ chức sản xuất. Những kinh nghiệm đó giúp ông rất nhiều trong việc tổ chức trồng rừng và phát triển công việc mua bán cây nguyên liệu giấy.
Nhờ vận dụng “lấy ngắn nuôi dài”, lấy nghề mua bán cây rừng trồng nuôi nghề trồng rừng nên việc kinh doanh - sản xuất của CCB Dũng ngày càng phát triển. Số rừng trồng từ vài hécta ban đầu, sau mỗi chu kỳ bán rừng đã được ông đầu tư mở rộng lên từ tiền bán rừng. Giờ đây, rừng trồng của ông đã được mở rộng đến cả trăm hécta.
Khi việc sản xuất rừng đã ổn định, có thu nhập hàng tỷ đồng/năm, người CCB sống chết với rừng này mới nghĩ đến việc xây dựng cơ ngơi. Trên mảnh đất mở quán bán cháo lòng ngày nào giờ đã mọc lên một cây xăng và ngôi biệt thự hoành tráng. Vợ ông, bà chủ quán cháo lòng ngày nào nay trở thành chủ cây xăng, sở hữu ngôi nhà đẹp nhất nhì khu vực. Đây là chốn yên bình của CCB Dũng sau những ngày lặn lội đi thăm nom, chăm sóc hàng trăm hécta rừng ở khắp các tỉnh miền Đông.
* Bí quyết thành công
Tính đến nay, CCB Nguyễn Tiến Dũng đã có trong tay hơn 200 hécta đất trồng rừng cao su, điều, tràm bông vàng, bạch đàn ở khắp các tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận. Ngoài ra, người cựu sĩ quan hậu cần này còn hợp tác với các đơn vị quân đội trồng khoảng 300 hécta cây cao su, tràm.
Theo CCB Dũng, bí quyết thành công của nghề trồng rừng là phải giữ được rừng. Nếu để rừng bị bọn trộm rừng hoành hành thì mọi công sức của người trồng rừng coi như “dâng” cho bọn trộm. Với kinh nghiệm của người lính Bộ đội Cụ Hồ, ông Nguyễn Tiến Dũng đã vận dụng công tác dân vận học được trong quân đội để tạo mối quan hệ tốt với các hộ dân ở khu vực ông trồng rừng. Những dịp lễ, tết, ông không lo vui chơi cho riêng mình và gia đình, mà còn đến thăm hỏi, tặng quà cho các hộ dân ở gần rừng trồng của mình. Nhờ vậy, người dân ở gần các cánh rừng của CCB Dũng sẵn sàng thông tin cho ông về những diễn biến trong khu vực để ông có phương cách canh giữ rừng.
Như dịp cuối năm 2012, gần khu rừng của ông Dũng (ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) xảy ra cháy rừng. Lúc này, những hộ dân ở khu vực xảy ra hỏa hoạn đã chủ động làm đường băng ngăn lửa cháy lan và phòng chống tích cực, không cho lửa lan qua rừng của CCB Dũng. Được tin báo, CCB Dũng đến nơi xem xét thực tế và chi hỗ trợ công sức, chi phí phòng cháy rừng cho bà con. Nhờ vậy mà các cánh rừng nguyên liệu giấy, rừng cây công nghiệp của CCB Dũng dù trồng rất xa nơi ông cư trú vẫn được giữ nguyên vẹn đến kỳ khai thác. Với các đơn vị bộ đội hợp tác trồng rừng với mình, CCB Dũng cũng luôn hợp tác tốt và hỗ trợ các yêu cầu của đơn vị, nên việc giữ rừng luôn được bảo đảm.
CCB Dũng tâm sự, ông thành công được là nhờ đã trải qua môi trường quân đội, được rèn luyện tính kỷ luật và tổ chức tốt, nên khi áp dụng vào kinh doanh - sản xuất dễ thành công. Hai năm gần đây, tình hình kinh tế ổn định nên ông sẵn sàng đóng góp cho địa phương và Hội CCB khi được yêu cầu.
Thanh Toàn