Báo Đồng Nai điện tử
En

Để đất nước phát triển vững chắc và toàn diện

10:02, 17/02/2013

So với Hiến pháp 1992, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung giảm 1 chương, 23 điều, giữ nguyên 14 điều, sửa đổi, bổ sung 99 điều và bổ sung 11 điều mới. Trong các điều sửa đổi, bổ sung, tôi quan tâm tới nội dung điều 4,...

Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung có 11 chương, 124 điều, so với Hiến pháp 1992 là giảm 1 chương, 23 điều, giữ nguyên 14 điều, sửa đổi, bổ sung 99 điều và bổ sung 11 điều mới. Trong các điều sửa đổi, bổ sung, cá nhân tôi quan tâm tới nội dung điều 4 của dự thảo, bởi lẽ diễn đạt như vậy là rõ ràng, tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn, đầy đủ hơn bản chất, vị trí, vai trò và trách nhiệm của Đảng đối với Nhà nước, đối với xã hội và nhân dân.

Cụ thể, so với Hiến pháp 1992, bản dự thảo có những nội dung sửa đổi, bổ sung như sau:

Thứ nhất, ngoài việc khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân còn bổ sung “đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam”. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta đã khẳng định: bản chất của Đảng là bản chất của giai cấp công nhân. “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp”; đồng thời cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam còn là Đảng của nhân dân lao động và là Đảng của dân tộc. Đó là vì lợi ích của Đảng thống nhất với lợi ích của dân tộc. Do đó bổ sung như vậy mới phù hợp với bản chất của Đảng, đồng thời mới thể hiện rõ tính logic là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc.

Lễ kết nạp đảng viên ở Trường đại học Đồng Nai. Ảnh: Vũ Cường
Lễ kết nạp đảng viên ở Trường đại học Đồng Nai. Ảnh: Vũ Cường

Thứ hai, điểm bổ sung hoàn toàn mới và cực kỳ quan trọng đó là: Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Như vậy, với tư cách là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng khẳng định rõ mục tiêu của mình là phục vụ nhân dân:  “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan, phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Mọi công tác của Đảng luôn luôn đứng về quần chúng”.

Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (sửa đổi, phát triển năm 2011), Đảng ta rút ra bài học sâu sắc: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chân chính của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”.

Mặt khác, Đảng cũng thẳng thắn chịu trách nhiệm trước nhân dân. Nhưng theo tôi, những nội dung này cần phải được cụ thể hóa hơn nữa, có nghĩa là giám sát ra sao và chế tài chịu trách nhiệm trước nhân dân sẽ thực thi như thế nào? Để nâng cao hơn nữa năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, điều quan trọng là tăng cường giám sát của nhân dân. Mới đây, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” có đặt ra yêu cầu xây dựng: “Cơ chế góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân” và “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Nhân dân giám sát đối với hoạt động của bộ máy Nhà nước nói chung và với cán bộ, đảng viên nói riêng, điều này lâu nay đã được đề cập trong các văn kiện của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để thực hiện việc giám sát một cách sát thực và có hiệu quả nhất. Thiết nghĩ phải nhanh chóng cụ thể hóa việc tăng cường giám sát của nhân dân; sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về trình tự, thủ tục và đặc biệt là có quy định chặt chẽ về việc xem xét, đánh giá, sử dụng kết quả sau giám sát của nhân dân. Cần có những quy định kèm theo nhằm thực hiện trên thực tế nội hàm gắn bó mật thiết với nhân dân, điều này đòi hỏi mọi chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhất thiết phải được đúc kết từ tâm tư nguyện vọng của nhân dân, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhân dân phải được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia bàn bạc, thảo luận và quyết định; quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân.

Chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng với bản chất cách mạng của Đảng, với quyết tâm chính trị cao, nhất là Đảng luôn gắn bó mật thiết và dựa vào dân để xây dựng Đảng, chắc chắn rằng các nội dung của dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, làm cho Đảng ngày càng vững mạnh, tất cả vì mục tiêu phục vụ nhân dân, vì sự nghiệp phát triển vững chắc và toàn diện của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thứ ba, lần này dự thảo Hiến pháp đề ra rất rõ các tổ chức của Đảng (khác với Hiến pháp 1992 là mọi tổ chức của Đảng) và bổ sung “và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Quy định như vậy để nhấn mạnh tính tối thượng của Hiến pháp, có nghĩa rằng các tổ chức Đảng và đảng viên, dù bất kỳ người đó là ai, chẳng những không được đứng trên mà còn phải chấp hành nghiêm Hiến pháp và pháp luật. Điều này thể hiện sâu sắc tính dân chủ, tính pháp quyền của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, mọi người đều phải bình đẳng trước pháp luật, tức là không có “vùng cấm” riêng với cá nhân, tổ chức nào. Tuy nhiên điểm này theo tôi sử dụng từ “mọi tổ chức của Đảng và đảng viên” (như Hiến pháp 1992) thì mạnh mẽ hơn từ “các” của dự thảo Hiến pháp, đồng thời phù hợp và thống nhất hơn với các điều khác của dự thảo Hiến pháp, như: Điều 16 (mới), “Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác”. Điều 17: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” (sửa đổi, bổ sung Điều 52).

 

 

 

Tin xem nhiều