Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang được đưa ra lấy ý kiến đông đảo các tầng lớp nhân dân và nhận được sự ủng hộ, tham gia khá nhiệt tình. Đây thực sự là diễn đàn để nhân dân cùng tham gia góp ý, bày tỏ quan điểm để xây dựng đất nước phát triển. Dưới đây là một số ý kiến đóng góp mà phóng viên báo Đồng Nai ghi nhận được.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang được đưa ra lấy ý kiến đông đảo các tầng lớp nhân dân và nhận được sự ủng hộ, tham gia khá nhiệt tình. Đây thực sự là diễn đàn để nhân dân cùng tham gia góp ý, bày tỏ quan điểm để xây dựng đất nước phát triển. Dưới đây là một số ý kiến đóng góp mà phóng viên báo Đồng Nai ghi nhận được.
Đoàn viên thanh niên nghiên cứu Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ảnh: V. Chính |
Ths.Vũ Thị Ngọc Liên, Phó trưởng Khoa Nhà nước pháp luật, Trường Chính trị Đồng Nai: Quyền lực nhà nước do nhân dân trao cho
Trong các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tôi quan tâm đến Chương I về Chế độ chính trị. Điểm mới mà tôi tâm đắc nhất trong chương này đó là dự thảo đã bổ sung vấn đề kiểm soát quyền lực. Xuất phát từ bản chất nguồn gốc của quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, quyền lực nhà nước không phải là quyền lực vốn có của nhà nước mà do nhân dân trao cho, nhân dân ủy quyền. Vì thế, nảy sinh đòi hỏi tất yếu và chính đáng là nhân dân phải kiểm soát quyền lực của nhà nước để đảm bảo quyền lực của nhà nước thực sự là quyền lực của nhân dân.
Cũng trong chương này, ngoài việc khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, còn bổ sung đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội... Về vấn đề này, tôi hoàn toàn nhất trí và tán thành cao với việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Điều này phù hợp với tình hình cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ... Bởi, hơn 80 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam đã giành những thắng lợi to lớn, mang ý nghĩa thời đại.
Đại tá Phan Trung Hồng, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4: Tăng thẩm quyền của Chủ tịch nước
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định: “Chủ tịch nước có quyền triệu tập Chính phủ và chủ trì họp bàn về các vấn đề thuộc thẩm quyền”, “Yêu cầu Quốc hội thảo luận lại hoặc xem xét lại một dự luật”… tôi rất đồng tình và tán thành.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tăng thẩm quyền của Chủ tịch nước ở nhiều khía cạnh như bày tỏ ý kiến đối với các văn bản của Chính phủ ban hành trái Hiến pháp. Đây là một điểm rất mới, độc đáo. Khi cần thiết, Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề thuộc nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch nước. Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta nên quy định rõ quyền lực của Chủ tịch nước theo Hiến pháp năm 1946: Chủ tịch nước là người đứng đầu Chính phủ. Vì Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ quản lý kinh tế nhà nước nên Chính phủ cũng trực thuộc nhà nước do đó Chủ tịch nước phải là người đứng đầu Chính phủ. Chủ tịch nước có quyền tạm đình chỉ công tác cấp dưới của mình trong thời gian chờ quyết nghị của Quốc hội khi những người này không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cũng như có những việc làm gây tổn hại đến quyền lợi của nhân dân, của Đảng và Nhà nước.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tân, Trưởng phòng Sau đại học và nghiên cứu khoa học (Trường đại học Lạc Hồng): Cần bám sát thực tiễn khoa học - công nghệ
Hiến pháp mới cần bám sát thực tiễn khoa học - công nghệ (KHCN) để KHCN phát huy được vai trò to lớn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cần giữ nguyên những quan điểm cơ bản của Hiến pháp năm 1992 là tiếp tục coi việc phát triển KHCN là quốc sách hàng đầu. KHCN phải luôn được xem là công cụ, đồng thời là động lực hiệu quả nhất cho phát triển kinh tế xã hội.
Cần xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng nghiên cứu KHCN, đặc biệt coi trọng thực thi có hiệu quả pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy thường xuyên việc đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt. Coi trọng sở hữu tư nhân, khẳng định vai trò cá nhân là chủ thể trong hoạt động sáng tạo và bảo hộ các quyền tự do cá nhân.
Điều 67 (Chương III) của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần bổ sung như sau: Nhà nước đầu tư và thúc đẩy xã hội hóa đầu tư cho KHCN bằng cách tạo điều kiện khuyến khích nhà khoa học, các viện, trường, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu đổi mới KHCN bằng nhiều cách khác nhau. Nhà nước đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của công dân đối với các tác phẩm và phát minh. Nhà nước ưu tiên đầu tư KHCN mũi nhọn. Nhà nước chăm lo đào tạo, tạo điều kiện cho đội ngũ nhà khoa học là những người có trình độ cao và là nghệ nhân cống hiến cho đất nước. Gắn nghiên cứu khoa học với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học với giáo dục - đào tạo và sản xuất kinh doanh.
P.Hằng - H.Cường - C.Nghĩa (ghi)