Sau hơn 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước đã đạt nhiều thành tựu. Đó cũng là thời gian mà Việt Nam phải vượt qua bao thử thách: Liên Xô sụp đổ, phe xã hội chủ nghĩa, sự giúp đỡ về mặt kinh tế không còn nữa; việc cấm vận do lực lượng thù địch đặt ra 17 năm trước gây cho đất nước ngàn vạn khó khăn, Việt Nam không những đứng vững mà còn có bước phát triển vượt bậc.
Sau hơn 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước đã đạt nhiều thành tựu. Đó cũng là thời gian mà Việt Nam phải vượt qua bao thử thách: Liên Xô sụp đổ, phe xã hội chủ nghĩa, sự giúp đỡ về mặt kinh tế không còn nữa; việc cấm vận do lực lượng thù địch đặt ra 17 năm trước gây cho đất nước ngàn vạn khó khăn, Việt Nam không những đứng vững mà còn có bước phát triển vượt bậc.
Đến nay, tình hình thế giới đã có nhiều thay đổi, đất nước chuyển sang giai đoạn đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Những điều quy định của Hiến pháp năm 1992 không còn phù hợp nữa, đất nước cần có một bản Hiến pháp mới.
* Phải thể hiện được nguyện vọng của người dân
Sửa đổi Hiến pháp là việc làm bình thường của mỗi quốc gia. Vấn đề là làm sao để Hiến pháp phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, phát huy mọi nguồn lực, tạo sự đồng thuận của toàn dân, tạo nên sức mạnh để phát triển. Vì vậy, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là việc hệ trọng, cần tạo cơ chế dân chủ rộng rãi để nhiều người tham gia ý kiến. Đó là ý kiến của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tôn giáo, các tổ chức cộng đồng dân cư. Ý kiến của giới trí thức học cao, hiểu rộng, am tường về luật pháp, những người làm công tác lãnh đạo, quản lý, những người trực tiếp lao động trên các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, kinh doanh, những người dân bình thường nhất và cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài…
Ông Nguyễn Kim Động, Phó chủ tịch Hội Nông dân phường Hố Nai (TP. Biên Hòa) theo dõi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được đăng tải trên Báo Đồng Nai. Ảnh: Văn Chính |
67 năm qua, Quốc hội đã thông qua 4 bản Hiến pháp vào các năm: 1946, 1959, 1980, 1992. Thời gian tồn tại của các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 là tương đồng: trên dưới 20 năm. Mỗi bản Hiến pháp đều ghi dấu ấn một thời kỳ, là bước ngoặt của sự phát triển đất nước. Hiến pháp sửa đổi lần này đánh dấu sự đổi mới toàn diện, đưa đất nước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây cũng sẽ là bản Hiến pháp kế thừa những nội dung, những giá trị tích cực của các bản Hiến pháp trước đây, đồng thời là sự phát huy cao nhất giá trị truyền thống của dân tộc, tập trung trí tuệ của cả dân tộc Việt Nam thời kỳ đổi mới, tiếp thu, chọn lọc những tư tưởng tiến bộ của thế giới về mặt luật pháp.
* Đề cao quyền con người
Từ ngày 2-1-2013, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cảm nhận đầu tiên về bản dự thảo này là cấu trúc hợp lý hơn, giảm 1 chương so với Hiến pháp 1992, nội dung trong từng điều (các khoản) được đánh số nên dễ nhớ, dễ theo dõi hơn. Đặc biệt, nội dung quyền con người được đặt ở Chương 2, ngay sau Chương 1: Chế độ chính trị. Về quyền con người, không phải là vấn đề mới so với các bản Hiến pháp trước đây, chỉ khác là trước đây nội dung quyền con người đặt rải ở các chương, nay gom về 1 chương và có những điểm diễn đạt rõ hơn.
Ngay khi nhà nước ta mới giành được chính quyền, chưa có Hiến pháp, trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến quyền con người: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Trong những quyền ấy có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tên của Chương 2 “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, đó là tính chất 2 mặt: Quyền đi đôi với nghĩa vụ, đây cũng là mục đích nhằm phát huy tối đa nhân tố con người, nguồn lực quan trọng nhất cho sự phát triển của các quốc gia ngày nay. Dự thảo nhấn mạnh các hình thức nhân dân thực hiện quyền lực của mình, thông qua dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, không chỉ qua cơ quan dân cử mà còn qua các cơ quan nhà nước khác. Đó là một nội dung mới, rất quan trọng thể hiện xuyên suốt trong dự thảo.
Dự thảo cũng kế thừa những nội dung tích cực của các bản Hiến pháp trước đây, nhất là bản Hiến pháp 1946 với tinh thần Hiến pháp được xây dựng trên những nguyên tắc: Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; đảm bảo các quyền tự do dân chủ; thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Điều dễ cảm nhận là 2 vấn đề mới của bản dự thảo là: Vai trò giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc (điểm 2, điều 9, dự thảo) được Hiến pháp qui định, đề cao vai trò con người, nói rõ hẳn quyền con người, quyền công dân (Chương 2, dự thảo).
Tuy nhiên, với bản dự thảo lần này vẫn còn cảm giác là văn phong nhiều chỗ còn mang nặng tính văn học có vẻ trau chuốt, bóng bẩy, mà lẽ ra phải là văn phong pháp luật, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện. Một số điều, dự thảo diễn đạt chưa rõ, chưa hết ý: “Mọi người có quyền sống” (điều 21, Chương 2, dự thảo). Hoặc lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, dự thảo khẳng định lại vai trò quốc sách hàng đầu, nhưng nội dung thì chưa được qui định cụ thể...
P.S.A