Tỉnh đoàn Đồng Nai vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trên 250 cán bộ Đoàn đến từ 26 cơ sở Đoàn cấp huyện và tương đương đã tham dự hội nghị, đóng góp nhiều lượt ý kiến Dự thảo sửa đổi bản Hiến pháp năm 1992.
Tỉnh đoàn Đồng Nai vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trên 250 cán bộ Đoàn đến từ 26 cơ sở Đoàn cấp huyện và tương đương đã tham dự hội nghị, đóng góp nhiều lượt ý kiến Dự thảo sửa đổi bản Hiến pháp năm 1992.
Đoàn viên thanh niên đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ảnh: Công Nghĩa |
Anh Trần Thanh Tùng, Bí thư Đoàn thanh niên Công an tỉnh cho rằng, các nội dung được đề cập trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang được cả nước quan tâm đóng góp ý kiến đã khá đầy đủ, có nhiều điểm mới sửa đổi được đánh giá cao. Ví dụ, Chương V của Hiến pháp năm 1992 quy định về quyền của con người và quyền cơ bản của công dân nay được đưa về Chương II, chỉ đứng sau Chương I quy định về chế độ chính trị. Điều này cho thấy, Hiến pháp sửa đổi đã đặc biệt quan tâm tới vấn đề con người và quyền công dân. Anh Tùng cũng tâm đắc với Điều 9 (Chương I) quy định về tính phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Ngoài ra, Hiến pháp mới còn quy định việc Quốc hội được lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, điều này sẽ giúp cho bộ máy hoạt động của Chính phủ thêm mạnh hơn.
Anh Bùi Xuân Thống, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, Tỉnh đoàn đã tiếp thu nhiều ý kiến của đoàn viên thanh niên góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm1992. Các ý kiến đã thể hiện được việc đoàn viên thanh niên có sự nghiên cứu, so sánh nghiêm túc giữa Hiến pháp năm 1992 với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Đoàn lấy ý kiến rộng rãi trong đoàn viên thanh niên đối với bản dự thảo, đồng thời đoàn viên thanh niên cũng có thể tiếp tục gửi ý kiến đóng góp về Tỉnh đoàn cho đến 31-3-2013. |
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Huyện đến từ Chi đoàn Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho rằng, lâu nay vai trò của Viện Kiểm sát mới chỉ nổi bật trong các vụ án hình sự. Cơ quan, tổ chức, cá nhân thường phải tự nộp đơn khiếu nại và tự chứng minh được quyền và lợi ích chính đáng của mình để cơ quan tố tụng giải quyết, do đó cần phải giao cho Viện Kiểm sát được quyền khởi tố các vụ án dân sự, hành chính nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân. Anh Huyện cũng góp ý thêm cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Hàng năm các cơ quan quản lý Nhà nước thường ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, không phải văn bản nào cũng đảm bảo tính hợp hiến, có những văn bản ban hành để điều chỉnh cùng một vấn đề nhưng lại mâu thuẫn với nhau, thậm chí trái với Hiến pháp. Do đó cần lập ra một cơ quan chuyên kiểm soát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nằm trong quy định của Hiến pháp sửa đổi.
Anh Huỳnh Văn Tấn Đông, Bí thư Chi đoàn Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh) thì góp ý, nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Điều 1, khoản 32 quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm nhưng lại không bị hạn chế đối với người vi phạm pháp luật, do đó nên giữ nguyên Điều 71 đó là mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm. Không có ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân trong trường hợp bị bắt quả tang vi phạm pháp luật. Anh Đông góp ý thêm, khoản 2, Điều 8 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân nhưng lại chưa thấy quy định sự có mặt của lực lượng vũ trang, do đó phải bổ sung khoản 2, Điều 8 là: Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan lực lượng vũ trang phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân.
Công Nghĩa
[links()]