Thiếu úy Trần Bá Ngọc làm cảnh sát khu vực (CSKV) KP2, phường Xuân Trung, TX.Long Khánh được hơn 4 năm. Quê tỉnh Nghệ An, không có bà con với gia đình ông Nguyễn Thanh Ngãi (ở tổ 8B, gốc người Quảng Ngãi), nhưng mấy năm gần đây, tết nào anh Ngọc cũng là “khách mời đặc biệt” của hộ… này.
Thiếu úy Trần Bá Ngọc làm cảnh sát khu vực (CSKV) KP2, phường Xuân Trung, TX.Long Khánh được hơn 4 năm. Quê tỉnh Nghệ An, không có bà con với gia đình ông Nguyễn Thanh Ngãi (ở tổ 8B, gốc người Quảng Ngãi), nhưng mấy năm gần đây, tết nào anh Ngọc cũng là “khách mời đặc biệt” của hộ… này.
* Chuyện mờI cảnh sát khu vực… ăn tết!
Nhiều năm trước đây, đến ngày tết, trong nhà ông Ngãi không có được bó nhang đốt cúng ông bà. Gia đình khó khăn này cũng không được hưởng chính sách xã hội dành cho hộ nghèo, do họ không có giấy tờ lận lưng (gia đình ông di cư từ đảo Lý Sơn vào đây). Khi ông Ngãi lên phường xin giải quyết hồ sơ sang nhượng đất, Thiếu úy Ngọc biết được toàn bộ giấy tờ, trong đó có sổ hộ khẩu của gia đình ông đã bị nước cuốn trôi trong một trận lũ lụt lớn ở đảo Lý Sơn. Mấy năm nay, ông nhiều lần về quê xin lại giấy tờ, nhưng không được.
Thiếu úy Trần Bá Ngọc đang làm việc với dân. |
Thấu hiểu tình cảnh khó khăn của ông Ngãi, Thiếu úy Ngọc đã hỏi thêm các thông tin cần thiết, sau đó làm văn bản gửi ra ngoài quê của đương sự nhờ xác minh. Qua đó, anh từng bước hướng dẫn cho ông Ngãi làm lại các loại giấy tờ cần thiết, đồng thời làm hồ sơ đề xuất cấp sổ hộ nghèo cho gia đình ông Ngãi. Từ đó, gia đình ông Ngãi có đủ giấy tờ, được hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước, các con ông được cắp sách đến trường.
Cuối năm 2009, lần đầu tiên căn nhà lụp xụp của ông Ngãi được đoàn cán bộ phường đến thăm và tặng quà tết. Chiều 29 tết năm ấy, Thiếu úy Ngọc bất ngờ khi thấy ông Ngãi tìm đến “biếu chú con gà đem về ăn tết”, nhưng anh kiên quyết từ chối và đề nghị ông bán con gà lấy tiền mua gạo.
Nay thì nhà ông Ngãi xây mới, 2 con ông vào đại học, 1 con đang học hệ cao đẳng tại Trường đại học Đồng Nai và 2 người con lớn làm thợ hồ với công việc ổn định… Mỗi lần về quê, ông Ngãi không quên mua tặng cho CSKV Ngọc một bó tỏi. Món quà dân dã, đơn sơ, nhưng anh cảm thấy rất vui...
Một buổi chiều tối năm 2010, được tin ở tổ 6 đang xảy ra cuộc tranh chấp hàng ranh, có nguy cơ dẫn đến xô xát bằng hung khí giữa 2 gia đình sống cạnh nhau, Thiếu úy Ngọc tức tốc chạy đến hiện trường. Nghe có CSKV đến, đám thanh niên đang hùng hổ “biến mất”, chỉ còn ông chủ nhà say xỉn bước ra chửi bới. Thấy không ổn, Thiếu úy Ngọc chạy đi mời trưởng khu phố đến cùng giải quyết. Vợ ông chủ nhà, cũng là cán bộ đoàn thể ở địa phương, đồng tình với giải pháp đưa chồng mình về phường tạm giữ, vì lúc này ông rất hung hăng, xách cây đòi đánh bất cứ ai đến can thiệp.
Sáng hôm sau, khi đã tỉnh rượu, ông này đã đứng ra xin lỗi… “chú CSKV”. Nhưng băn khoăn lớn nhất của anh là làm sao giải quyết rốt ráo sự vụ này, vì việc tranh chấp hàng ranh đã kéo dài hơn 4 năm và hai bên đã nhiều phen đánh nhau, phải xử lý hình sự. Qua nghiên cứu, Thiếu úy Ngọc đã báo cáo với Ban chỉ huy Công an phường việc đề xuất với UBND phường cho cán bộ địa chính trích lục hồ sơ gốc, rồi đối chiếu thực địa. Cả 4 ngày mới giải quyết xong công việc, hồ sơ, tài liệu rõ ràng, cả hai nhà đều vui và hết lời cảm ơn anh: “Nếu không có chú Ngọc đứng ra giải quyết thấu lý đạt tình, thì không biết hai nhà chúng tôi còn tranh chấp đến bao giờ !”.
* Có đến nhà, mới hiểu được dân
Thiếu úy Ngọc còn có những “mối” mời đến nhà ăn tết, hoặc mời đi… uống cà phê rất “độc”. Vài năm trước đây, khi bị Thiếu úy Ngọc bắt về hành vi mua bán ma túy, anh Y. (SN 1980, nhà ở tổ 2A) đã chống cự quyết liệt và thề: “Ra tù sẽ cho thằng Ngọc biết tay”. Thế nhưng, ở tù 2 năm về, Y. lại gọi điện mời… anh Ngọc đi uống cà phê. Y. tâm sự, mấy tháng đầu ngồi tù, anh rất căm “thằng CSKV đã bắt mình”, nhưng sau đó cai được thì thấy mình phải mang ơn. Vì nếu không bị bắt, Y. đã không cai được ma túy. Nhất là khi trở về, biết được đám bạn cùng chơi ma túy đều đã chết, Y. càng nhận ra CSKV Ngọc còn là người cứu sống mình, nên quyết dứt khoát với ma túy để làm lại cuộc đời. Nay Y. làm công nhân và vừa mới lập gia đình.
Đó chỉ là mấy chuyện thuộc loại không tên mà Thiếu úy Ngọc còn nhớ qua 4 năm làm CSKV ở phường Xuân Trung, còn những chuyện, như: tham gia bắt tội phạm; ngăn chặn, giải tán kịp thời việc thanh thiếu niên chuẩn bị “xử nhau” bằng mã tấu, gậy gộc… thì anh không nhớ hết ở một địa bàn chỉ với 367 hộ dân, mà có đến 35 nhà nghỉ, nhà trọ, 14 quán cà phê vườn, cà phê chòi…
Thiếu úy Ngọc cho biết thêm, được giao phụ trách an ninh trật tự ở một địa bàn khá phức tạp, nhưng đến giờ, những đối tượng bất hảo vừa nhen nhóm hoạt động đã bị phát hiện. KP2 còn có phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc mạnh, trong đó cả 12 tổ nhân dân hoạt động đều tay, nhiều tổ trưởng, như: Nguyễn Xuân Hồng (tổ 8B), Nguyễn Tấn Thành (tổ 8A)…, hoặc Tổ phó Tổ 5 Đoàn Văn Khởi còn nắm chắc địa bàn, kịp thời phát hiện đối tượng và sát cánh cùng lực lượng công an dũng cảm truy bắt tội phạm.
Thiếu úy Ngọc còn xác định việc gần gũi, đến nhà thăm hỏi từng hộ dân, nhất là những hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ đối tượng thuộc diện quản lý ở địa phương… là hết sức quan trọng. Vì có đến nhà, mới hiểu được dân, mới có thể… “vì nhân dân mà phục vụ”.
Tết Quý Tỵ 2013 vừa qua, ngoài việc theo đoàn cán bộ phường đến nhà chúc tết, tặng quà cho gia đình nghèo, gia đình chính sách…, Thiếu úy Trần Bá Ngọc cũng lại làm người đi… “xông đất đầu năm” cho những “mối” quen.
Bùi Thuận