Báo Đồng Nai điện tử
En

Thanh tra hiệu quả giúp ổn định tình hình

11:01, 18/01/2013

Công tác thanh tra của tỉnh Đồng Nai đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong năm 2012. Tuy nhiên, tình hình khiếu kiện đông người đã đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho ngành thanh tra tỉnh.

Công tác thanh tra của tỉnh Đồng Nai đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong năm 2012. Tuy nhiên, tình hình khiếu kiện đông người đã đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho ngành thanh tra tỉnh.

Một trong những nội dung được Tổng thanh tra Chính phủ chỉ đạo thực hiện đối với Thanh tra tỉnh trong thời gian tới là phải giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện kéo dài để ổn định tình hình.

* Tình hình khiếu nại còn phức tạp

Báo cáo kết quả công tác năm 2012 của Thanh tra tỉnh cho thấy, tình trạng khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện đông người vẫn còn diễn biến phức tạp. Năm 2012, toàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 9 ngàn lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ảnh, kiến nghị với 6.234 vụ (tăng 367 lượt người so với năm 2011). Trong đó, phòng tiếp dân của tỉnh đã tiếp hơn 2.300 lượt người, số còn lại là ở các địa phương và một số sở, ngành liên quan. Ngoài ra, lãnh đạo các cấp cũng đã tiếp nhận gần 2 ngàn lượt người với hơn 1.500 vụ đến phản ảnh, tăng hơn 344 lượt so với năm trước. Nội dung khiếu nại, tố cáo tập trung vào việc giá đất đền bù, chính sách hỗ trợ tái định cư, quyết định cưỡng chế thu hồi đất để xây dựng các dự án…

Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về công tác thanh tra.
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về công tác thanh tra.

Trước tình hình đó, ngành thanh tra đã kịp thời giải quyết một khối lượng lớn các vụ việc, với 357 cuộc thanh tra được thực hiện tại 530 đơn vị, trên nhiều lĩnh vực: an ninh - quốc phòng, thuế, bảo hiểm xã hội, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, tài chính ngân sách…

Ngành thanh tra cũng đã tiến hành 5.284 lượt kiểm tra chuyên ngành đối với việc chấp hành pháp luật trên các lĩnh vực tại 5.393 đơn vị. Qua đó, đã kiểm tra, xử lý hơn 12 ngàn vụ việc vi phạm trên lĩnh vực giao thông vận tải. Qua công tác thanh tra, ngành đã kiến nghị thu hồi gần 21 tỷ đồng, thu nộp ngân sách hơn 20 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi gần 13 hécta đất giao UBND xã quản lý; kiến nghị xử lý hành chính 14 tập thể và 42 cá nhân. Ngành thanh tra cũng đã ban hành hơn 13 ngàn quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thu hơn 36 tỷ đồng.

Năm 2012, toàn tỉnh đã giải quyết được hơn 1,2 ngàn đơn thư khiếu nại, tố cáo trên tổng số hơn 1,3 ngàn đơn (đạt 92,6%)…

* Gắn thanh tra với trách nhiệm

Làm việc với Đồng Nai, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã ghi nhận các kết quả đã đạt được của ngành thanh tra tỉnh trong năm 2012. Trong đó, công tác thanh tra có hiệu quả tạo điều kiện để kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, góp phần giải quyết việc an sinh xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, tình trạng khiếu kiện đông người trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra; còn nhiều vụ khiếu nại, tố cáo trên tất cả các lĩnh vực...

Để công tác thanh tra đạt hiệu quả, Tổng thanh tra Chính phủ đề nghị, sau mỗi cuộc thanh tra, nếu nơi nào giải quyết có hiệu quả và tạo được sự đồng thuận trong dân, được nhân dân đồng tình thì cán bộ thanh tra phải lấy đó làm bài học để tiếp tục phát huy. Các đơn vị có liên quan cần thực hiện ngay việc rút kinh nghiệm để công tác thanh tra sau đó được thực hiện tốt hơn.

Đại diện Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ, thanh tra là một lĩnh vực nhạy cảm nên đòi hỏi cán bộ thanh tra phải biết đánh giá đúng dấu hiệu và bản chất để có thể giải quyết công việc hiệu quả. Qua thanh tra, nếu phát hiện dấu hiệu sai phạm thì phải kiến nghị xử lý ngay. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm phải chuyển cơ quan điều tra xử lý.

Theo lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, công tác thanh tra phải gắn với công tác phòng, chống tham nhũng và gắn với công tác kiểm tra nội bộ để kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm. Nếu có sai phạm phải kiến nghị xử lý dứt điểm; không vì nể nang mà né tránh trách nhiệm để vụ việc kéo dài, gây mất lòng tin trong nhân dân. Đối với quá trình thực hiện thanh tra, ông Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh: “Trong thanh tra không có chỗ nào là mật, nên công tác thanh tra phải công khai minh bạch theo đúng quy định của pháp luật”.

Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổng thanh tra Chính phủ cho rằng, khi có kết luận thanh tra thì phải tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các cấp. Cụ thể, chủ tịch UBND các cấp phải tổ chức đối thoại và ra kết luận xử lý ngay các vụ việc khiếu nại, tố cáo. Sau khi có kết luận phải ra thông báo chấm dứt vụ việc, không để tình trạng khiếu nại kéo dài. Sau khi đối thoại, người dân vẫn chưa thỏa mãn thì yêu cầu nộp đơn sang tòa án để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đối với công tác giải quyết khiếu nại về đầu tư, đất đai…, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho rằng, ngoài chính sách, giá cả thì cán bộ giải quyết khiếu nại phải xem lại quy trình thực hiện của mình đã nhất quán chưa. Trường hợp có sai sót thì cán bộ phải mạnh dạn sửa sai. Có như vậy mới tạo được lòng tin trong nhân dân và ổn định được tình hình.

Trần Danh

 

 

 

 

Tin xem nhiều