Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo đột phá trong phòng, chống tham nhũng

10:01, 16/01/2013

Nạn tham nhũng phát sinh từ đâu? Vì sao dù đã có Luật Phòng, chống tham nhũng nhưng nạn tham nhũng ở nước ta hiện nay vẫn ngày càng lan rộng ở nhiều lĩnh vực? Phải làm gì, có những giải pháp cụ thể nào để tạo đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng?

Nạn tham nhũng phát sinh từ đâu? Vì sao dù đã có Luật Phòng, chống tham nhũng nhưng nạn tham nhũng ở nước ta hiện nay vẫn ngày càng lan rộng ở nhiều lĩnh vực? Phải làm gì, có những giải pháp cụ thể nào để tạo đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng?

Đó là những vấn đề mà các nhà khoa học, lý luận, nghiên cứu, cán bộ lão thành đã cùng nhau trao đổi tại hội thảo khoa học “Bàn về những giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay”, do Tạp chí Cộng sản và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức  ngày 15-1 tại TP. Hồ Chí Minh.

* Nhận diện tham nhũng

Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, một trong những điều kiện để tham nhũng hoành hành, đó là mối quan hệ không bình thường giữa quan chức và doanh nghiệp để trục lợi. Ông Phúc đã chỉ ra các mối quan hệ này, như nhóm thân hữu (kinh doanh “quan hệ”), nhóm chung lợi ích, nhóm lợi ích cục bộ, quan hệ vụ lợi cá nhân (hoặc có tổ chức). Những quan hệ này biểu hiện dưới nhiều hình thức: nhũng nhiễu để đòi hối lộ, cung cấp thông tin không được phép để trục lợi, bảo kê hoạt động phi pháp, cấu kết gian lận…

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo. Ảnh: T. Thúy
Các đại biểu trao đổi tại hội thảo. Ảnh: T. Thúy

Bên cạnh tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, nạn tham nhũng quyền lực cũng gây bức xúc không kém trong dư luận nhân dân khi những người nắm giữ, thực thi quyền lực mưu cầu lợi ích riêng sẽ xuất hiện “liên minh ma quỷ” giữa quyền và tiền của những quan chức thoái hóa. Họ dùng tiền để mua quyền lực, sau đó từ quyền sẽ đẻ ra tiền, chức quyền được huy động vào việc trục lợi, tạo ra cái giá của chức quyền, địa vị. Chạy danh, chạy chức, chạy quyền vì thế đã và đang diễn ra bằng tiền và vì tiền.

Theo khảo sát của Thanh tra Chính phủ năm 2012, khoảng hơn 23% doanh nghiệp được hỏi đã phàn nàn rằng bị các quan chức đưa thông tin hù dọa để gây sức ép. Một số thông tin “nhạy cảm” như: quy hoạch đất đai, xây dựng đường giao thông, dự án đô thị mới, đầu tư công cũng thường được quan chức có thẩm quyền dùng để trục lợi.

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế thì nhận định, khác với một số nước trên thế giới, đặc điểm tham nhũng ở nước ta “đa dạng, phong phú”, muôn hình vạn trạng hơn, bên cạnh tình trạng tham nhũng những “khoản” lớn, có giá trị, như: tiền bạc, đất đai, trong xã hội còn tồn tại cả nạn tham nhũng “vặt” và “đại trà”, trong đó nạn đưa “phong bì” trở nên phổ biến, từ nhân viên y tế, nhà đất, ngân hàng, giáo viên… ai cũng có thể đưa và nhận một cách tự nhiên. “Không phải chỉ người có chức, có quyền mới có điều kiện tham nhũng, mà ngay cả một người dân bình thường cũng có thể tham nhũng, dù là “vặt”, như: lấy cắp của Nhà nước, trốn thuế. Nếu không kịp thời chấn chỉnh, lâu dần hiện tượng này sẽ trở thành quen thuộc, bình thường, người dân sẽ vô cảm với nạn tham nhũng” - GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng phân tích.

*“Hiến kế” phòng, chống tham nhũng

GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên viên cao cấp Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, một Nhà nước muốn tuyên chiến với tham nhũng thì ngay trong bộ máy của mình phải mạnh, trong sạch, coi trọng liêm chính, thượng tôn pháp luật, siết chặt kỷ cương, tuyệt đối không có “vùng cấm”. Muốn vậy, Nhà nước pháp quyền phải được củng cố thật vững chắc, luật pháp phải nhanh chóng được bổ sung, bịt ngay các lỗ hổng. “Theo kinh nghiệm ở Singapore, cần áp dụng tổng hợp pháp luật, chính sách, cơ chế và chế tài sao cho mọi người ý thức không muốn, không dám và không thể tham nhũng bởi hàng rào kiểm soát và sự cảnh báo trừng phạt. Trong đó, phải cải cách triệt để chế độ tiền lương, chính sự bất hợp lý này đã làm cho công chức, viên chức không tận tâm, tận lực với công việc, thậm chí đẻ ra “hội chứng cướp đoạt”, làm mọi cách để người dân phải móc tiền ra”, GS.TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học thì cho rằng, nếu Quốc hội mạnh sẽ đủ quyền lực để giám sát bộ máy chính quyền, hạn chế tham nhũng. Muốn vậy, cơ quan phòng, chống tham nhũng cũng nên trực thuộc Quốc hội, có thực quyền và độc lập đối với mọi thành phần của Chính phủ.

TS. Võ Thành Khối, Giám đốc Học viện Chính trị - hành chính khu vực II đề nghị cần thiết lập và thực hiện nghiêm, có hiệu quả cơ chế công khai và kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức, đảng viên. Đây là một trong những giải pháp triệt tiêu điều kiện tham nhũng, song song đó là thực hiện cơ chế chế tài của pháp luật thật nặng, khung hình phạt cao nhất đối với tội danh tham nhũng.

* Ông Trần Trọng Tân, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - văn hóa Trung ương: Tiền lương phải gắn với hiệu quả công việc

Tiền lương, thu nhập phải gắn với hiệu quả công việc, công chức nhận lương là để hoàn thành xong công việc chứ không phải chỉ làm hết giờ. Tôi thấy, có nhiều trường hợp người dân mang hồ sơ đến, công chức các địa phương, sở, ngành lạnh lùng bảo hết giờ rồi, mai đến nộp, như vậy là không được. Tăng lương phải kèm theo tăng chất lượng công việc, tinh giản biên chế, chứ nếu cứ tăng lương cho tương xứng với mặt bằng chung xã hội hiện nay mà không xét đến hiệu quả công việc thì ngân sách không thể đáp ứng được nhu cầu, bộ máy Nhà nước vẫn sẽ tiếp tục ngày càng phình ra.

* TS. Hoàng Văn Lễ, nguyên Tổng biên tập Sổ tay Xây dựng Đảng (Thành ủy TP. Hồ Chí Minh): Cần có “bàn tay sạch”

Trong các loại tham nhũng, đáng xấu hổ nhất là tham nhũng liên quan đến chính sách cán bộ, công tác cán bộ, vì đây là lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Đảng bộ các cấp và Trung ương. Cán bộ chức vụ càng cao, thẩm quyền chi phối càng rộng. Kẻ tham nhũng đã chủ động bằng mọi giá, mọi cách chen chân vào chức vụ càng cao càng tốt, do đó “chạy chức” là loại tham nhũng nguy hiểm nhất. Phải chăng hiện nay lòng tin của người dân, của cán bộ cấp dưới đối với cán bộ, đảng viên cấp cao giảm sút vì không phân biệt được đâu là “thực” và đâu là “chạy”?

Tôi đề nghị, Ban Tổ chức xây dựng Đảng cần có nghị quyết chống “chạy chức, chạy quyền”, cải tổ quy trình tham mưu về công tác cán bộ theo hướng “bàn tay sạch” để cán bộ, đảng viên trở thành chỗ dựa tin cậy của Đảng, lập lại niềm tin của nhân dân. Việc Bộ Chính trị tái lập Ban Nội chính trung ương là điều đáng hoan nghênh, tuy nhiên Ban Nội chính phải đủ mạnh, đủ tầm mới giải quyết được vấn đề tham nhũng.

* ThS. Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh: Nâng cao trách nhiệm, vai trò kiểm tra, giám sát, kỷ luật của tổ chức Đảng

Có một câu hỏi đặt ra là: Vì sao việc phòng, chống tham nhũng vừa qua chưa đem lại hiệu quả, mà xem ra còn trầm trọng hơn và trong chừng mực nào đó, phạm vi lan rộng hơn? Chúng ta đã thật sự quyết tâm chưa?

Nguyên nhân của tình hình nói trên là do không ít cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thực hiện tốt trách nhiệm; cơ chế, chính sách quản lý kinh tế - xã hội còn sơ hở, bất cập. Tôi đề nghị cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các lĩnh vực đất đai, khoáng sản, chi tiêu công; công khai minh bạch trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính và ngân sách Nhà nước; ban hành quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, trong đó quy định rõ về việc tặng quà, nhận quà, đẩy nhanh tiến độ cải cách hành chính. Việc sử dụng ngân sách cần chặt chẽ, không tạo ra đặc quyền, đặc lợi. Đồng thời, phải nâng cao trách nhiệm, vai trò kiểm tra, giám sát, kỷ luật của tổ chức Đảng.

Hà Lam (ghi)

 

Thanh Thúy

 

 

 

 

Tin xem nhiều