TS.Nguyễn Công Hồng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã nhấn mạnh: “Để bản Hiến pháp của đất nước có sức sống lâu bền, hợp lòng dân thì toàn dân nên tích cực tham gia đóng góp ý kiến. Điều này vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của nhân dân đối với việc xây dựng, tôn trọng và thi hành Hiến pháp”.
TS.Nguyễn Công Hồng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã nhấn mạnh: “Để bản Hiến pháp của đất nước có sức sống lâu bền, hợp lòng dân thì toàn dân nên tích cực tham gia đóng góp ý kiến. Điều này vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của nhân dân đối với việc xây dựng, tôn trọng và thi hành Hiến pháp”.
Buổi giới thiệu những nội dung cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Hội Luật gia tỉnh tổ chức ngày 18-1. Ảnh: P. Hằng |
TS.Nguyễn Công Hồng cho biết, so với Hiến pháp hiện hành, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có 11 chương, 124 điều, nghĩa là giảm 1 chương, 23 điều; giữ nguyên 14 điều; sửa đổi, bổ sung 99 điều và bổ sung 11 điều mới. Những vấn đề được sửa đổi, bổ sung là những vấn đề đã rõ, đủ cơ sở, nhận được sự thống nhất cao trong Đảng, trong dân. Đồng thời, việc sửa đổi Hiến pháp vẫn phải đảm bảo nguyên tắc, quan điểm xuyên suốt là: Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.
* Những nội dung chính về sửa đổi Hiến pháp
Cụ thể, về Lời nói đầu, được sửa đổi theo hướng nêu khái quát, cô đọng và súc tích hơn về truyền thống, lịch sử vẻ vang của đất nước, lịch sử lập hiến của nước ta; nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Về chương I - Chế độ chính trị, được xây dựng trên cơ sở sửa đổi tên chương I - Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Chế độ chính trị và gộp với chương XI - Quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, thủ đô và ngày quốc khánh.
Chương II - Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Chương này được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và bố cục lại chương V - Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Theo dự thảo chương này, đã bổ sung một số quyền mới đó là quyền sống, quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, quyền kết hôn và ly hôn, quyền hưởng thụ, tiếp cận các giá trị văn hóa, quyền xác định dân tộc, quyền được sống trong môi trường trong lành...
TS. Nguyễn Công Hồng cho biết, tất cả các tầng lớp nhân dân, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài đều tham gia vào việc đóng góp xây dựng Hiến pháp. Mỗi người có thể đóng góp ý kiến vào toàn bộ bản Hiến pháp hoặc từng điều khoản cụ thể của Hiến pháp. Việc sửa đổi Hiến pháp là một công việc hệ trọng của quốc gia, không được lợi dụng, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. |
Chương III - Về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường. Dự thảo chương này được xây dựng trên cơ sở gộp chương II - Chế độ kinh tế và chương III - Văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ nhằm thể hiện sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường.
Chương IV - Về bảo vệ Tổ quốc - giữ nội dung và bố cục của chương IV của Hiến pháp năm 1992.
Chương V - Quốc hội. Chương này có điều 83 là mới: Khi cần thiết, Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để nghiên cứu thẩm định một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định. Đồng thời, bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc giám sát, quy định tổ chức và hoạt động, quyết định nhân sự đối với Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan khác do Quốc hội thành lập.
Chương VI - Chủ tịch nước - tiếp tục giữ các quy định của Hiến pháp năm 1992 về vị trí, vai trò của Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
Chương VII - Chính phủ - Dự thảo tiếp tục kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992 về vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và bổ sung quy định Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp (điều 99).
Chương VIII - Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân. Dự thảo bổ sung quy định tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp. Đồng thời, sửa đổi quy định về hệ thống tổ chức tòa án cho phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp theo hướng không xác định cấp tòa án cụ thể trong Hiến pháp mà để luật quy định.
Chương IX - Chính quyền địa phương, được xây dựng trên cơ sở đổi tên chương IX (Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân) của Hiến pháp năm 1992.
Chương X - Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước. Chương này có 3 điều (120, 121, 122), tất cả là điều mới.
Chương XI - Hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp. Dự thảo tiếp tục khẳng định Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất; mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý.
* Một số điểm mới của Hiến pháp
Như vậy, theo TS.Nguyễn Công Hồng, việc sửa đổi Hiến pháp lần này có những tiến bộ hết sức cơ bản, cơ cấu hợp lý, nội dung gọn gàng hơn. Hiến pháp hiện hành có nhiều điều quy định rất cụ thể, rõ ràng như một đạo luật; lần này dự thảo sửa đổi Hiến pháp chỉ quy định những vấn đề cơ bản, còn những vấn đề cụ thể để cho luật định. Đáng chú ý là lần này việc khẳng định quyền con người đã được đưa lên vị trí thứ 2 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp năm 1959, 1980 và hiến pháp hiện hành cũng có những quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nhưng không tập trung ở một chương mà nằm rải rác ở nhiều chương. Điều này gây khó khăn cho việc theo dõi, nghiên cứu và thực hiện. Trước đây các văn bản pháp luật, thuật ngữ quyền con người thiên về nhân quyền, lần này Hiến pháp khẳng định rõ quyền con người - các quyền con người phải được tôn trọng và có tính khả thi. Đồng thời, quyền công dân không được tách rời nghĩa vụ công dân.
Một điểm mới nữa là, dự thảo sửa đổi Hiến pháp không quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” như trước. Dự thảo viết: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp pháp, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”...
Phương Hằng