Báo Đồng Nai điện tử
En

Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Đổi mới để đáp ứng mong đợi của cử tri

09:01, 06/01/2013

Diễn đàn Quốc hội trong năm 2012 đã nóng lên bởi nhiều câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Đồng Nai, như: Trương Văn Vở, Dương Trung Quốc… Đây cũng là năm mà hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh có nhiều bước thay đổi mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn kỳ vọng của người dân.

Diễn đàn Quốc hội trong năm 2012 đã nóng lên bởi nhiều câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Đồng Nai, như: Trương Văn Vở, Dương Trung Quốc… Đây cũng là năm mà hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh có nhiều bước thay đổi mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn kỳ vọng của người dân.

Đại biểu Quốc hội Trương Văn Vở chất vấn tại diễn đàn Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Trương Văn Vở chất vấn tại diễn đàn Quốc hội.

Đồng chí Trần Văn Tư, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, 3 nội dung chính mà đoàn tập trung thực hiện trong năm, gồm: hoạt động xây dựng pháp luật; giám sát (giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân) và  tiếp xúc cử tri đã từng bước đi vào chiều sâu.

* Nỗ lực cải tiến

Cũng theo đồng chí Trần Văn Tư, trong công tác xây dựng pháp luật, các ĐBQH đã cộng đồng trách nhiệm, tham gia nhiều ý kiến sâu sắc để đóng góp thông qua 22 dự án luật và đóng góp ý kiến lần đầu cho 12 dự án luật khác. Trong công tác giám sát, các ĐBQH tùy theo lĩnh vực và địa bàn hoạt động của mình đã tham gia thực hiện tốt các cuộc giám sát. Cụ thể, về giám sát chuyên đề, các ĐBQH đã tham gia giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng” tại địa phương; “Tình hình quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2011”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn” ở địa phương;  giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2011.

Về giám sát thường xuyên, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức làm việc với UBND tỉnh để giám sát về kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri từ sau kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII. Theo đó, các ĐBQH đã tập trung giám sát  việc giải quyết kiến nghị cử tri liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Long Giao và tranh chấp đất đai của các hộ dân với Xí nghiệp dịch vụ nông nghiệp Cẩm Mỹ tại huyện Cẩm Mỹ; tổ chức làm việc với Sở Tài nguyên - môi trường và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan của tỉnh về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất 2011-2015 theo Nghị quyết của Quốc hội về quy hoạch sử dụng đất 2011-2020 và kết đánh giá tác động môi trường liên quan dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

Từ kết quả làm việc này, tại diễn đàn Quốc hội, ĐBQH Trương Văn Vở, Phó trưởng đoàn chuyên trách đã truy đến cùng trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan về việc cần thiết phải loại bỏ hai dự án thủy điện này. Trước đó, Đoàn ĐBQH cũng đã tổ chức đợt giám sát về dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A cùng tình trạng đường giao thông xuống cấp, tai nạn giao thông tăng cao ở quốc lộ 20  và có báo cáo kiến nghị Chính phủ quan tâm, nhất là chức năng thẩm định trước khi trình duyệt dự án này.

Bà Đỗ Thị Hải Yến, Phó chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cho biết,  trong năm 2012, Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị ĐBQH đã tổ chức được 3 cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề và 6 cuộc tiếp xúc cử tri nơi cư trú. Tại 2 kỳ họp Quốc hội lần thứ 3 và thứ 4, Đoàn Đồng Nai đã đóng góp 130 lượt ý kiến tham gia thảo luận tại tổ và tại hội trường về các dự án luật, tình hình kinh tế - xã hội, cùng một số nội dung liên quan. Đã có 14 nội dung chất vấn bằng văn bản, 8 nội dung chất vấn trực tiếp tại hội trường và 2 nội dung chất vấn tại kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thực hiện. Nội dung tham gia thảo luận của Đoàn ĐBQH tỉnh với nhiều kiến nghị, hiến kế về giải pháp để Quốc hội, Chính phủ xem xét. Qua đó, không ít nội dung đã được tiếp thu, bổ sung vào các dự án luật, nghị quyết giám sát chuyên đề, nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội.

* Gần gũi hơn với cử tri 

Đồng chí Trần Văn Tư cho biết, phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2012, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh năm 2013 này sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ khá quan trọng. Cụ thể, về xây dựng pháp luật, Đoàn ĐBQH tập trung lấy ý kiến tham gia xây dựng pháp luật (kỳ họp thứ 5 là 20 luật, kỳ họp thứ 6 là 21 luật). Trong số này có Luật Đất đai (sửa đổi) và Nghị quyết sửa đổi,  bổ sung Hiến pháp năm 1992.

Đồng chí Trần Văn Tư, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh: “Tôi cũng như không ít vị đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai còn cảm thấy “nợ” cử tri nhiều việc. Cũng bởi quỹ thời gian của ĐBQH kiêm nhiệm như tôi không đủ để có thể sâu sát, gần gũi hơn với cử tri, lắng nghe ghi nhận được nhiều ý kiến hơn từ cơ sở; chưa chủ động bố trí thời gian để tham gia các hoạt động theo kế hoạch chính đã đề ra. Mặt khác, vẫn còn có những trường hợp đơn thư của công dân gửi đến, kỳ vọng rất nhiều vào ĐBQH nhưng thực tế việc giải quyết không thể nhanh chóng và đạt kết quả cao như người dân mong đợi”.

Về hoạt động giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ chú trọng hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012”; giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, giai đoạn 2009-2012”; giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ” trên địa bàn; giám sát nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri của các cơ quan thẩm quyền theo quy định pháp luật (trước và sau các kỳ họp Quốc hội); tổ chức làm việc với các sở, ngành và địa phương liên quan đến nội dung chương trình của kỳ họp thứ năm, kỳ họp thứ sáu của Quốc hội; theo dõi, đôn đốc Thanh tra Chính phủ xem xét giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài tại địa phương; phối hợp giám sát các vấn đề nóng với các đoàn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, thường trực  HĐND, các ban HĐND và Ủy ban MTTQ ở địa phương.

“Một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa hết quan trọng đối với mỗi ĐBQH là phải chủ động tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc, theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm; gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân, nhóm cử tri để nắm bắt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Mỗi năm ít nhất một lần, kết hợp với việc tiếp xúc cử tri, từng ĐBQH báo cáo với cử tri ở đơn vị bầu cử ra mình về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu và chương trình hành động của mình đã hứa trước cử tri” - Trưởng đoàn ĐBQH Trần Văn Tư nhấn mạnh.

Minh Anh

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều