Trong dự thảo Hiến pháp mới, không còn nói kinh tế Nhà nước là chủ đạo trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là nét mới, và đúng, vì Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân giữ vai trò chủ đạo.
PGS. TS Đào Công Tiến (nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh) |
Trong dự thảo Hiến pháp mới, không còn nói kinh tế Nhà nước là chủ đạo trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là nét mới, và đúng, vì Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân giữ vai trò chủ đạo.
Vai trò chủ đạo đó phải được thực hiện bằng chức năng quản lý, và một phần nào đó bằng sức mạnh kinh tế Nhà nước, chứ không phải chỉ bằng kinh tế Nhà nước để rồi tiếp tục duy trì một nền kinh tế công hữu vượt tầm quản lý.
Tuy nhiên, trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi vẫn còn thể hiện một rào cản đối với xã hội, đó là vấn đề công hữu. Hiến pháp cần sửa đổi, không nên coi công hữu (bao gồm sở hữu Nhà nước và sở hữu tập thể) là nền tảng. Nếu nói nền tảng, thì phải nói đến sở hữu tư nhân bao gồm các yếu tố vật thể và phi vật thể - vốn và nguồn lực lao động của người dân, tham gia vào sự hình thành và phát triển không chỉ đối với khu vực kinh tế tư nhân mà còn ở các khu vực kinh tế khác. Sở hữu của dân mới là nền tảng, là yếu tố hết sức quan trọng. Trong tái cấu trúc nền kinh tế, phải “đụng” đến vấn đề công hữu. Chúng ta cần thúc đẩy nhanh và mạnh tiến trình tái cấu trúc lại cơ cấu của nền kinh tế, đổi mới quản lý theo mô hình kinh tế thị trường hiện đại cùng với xã hội dân sự, Nhà nước pháp quyền, chứ không phải “công hữu hóa”, “Nhà nước hóa”, “kế hoạch hóa tập trung bao cấp”. Theo đó, việc sắp xếp và đổi mới quản lý theo hướng chuyển đổi hình thức sở hữu và cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp Nhà nước không cần phải giữ lại, song song với việc tạo điều kiện và khuyến khích phát triển lớn mạnh kinh tế thuộc khu vực tư nhân.
Vấn đề công hữu hóa đất đai hiện nay cũng là hiện tượng bức xúc của xã hội. Không có lý gì mà một tòa cao ốc người dân bỏ tiền ra mua nhưng chỉ được sở hữu phần xây dựng, còn phần đất bên dưới vẫn thuộc sở hữu Nhà nước. Hay một mảnh đất do người dân vất vả khai phá, truyền từ đời ông đến đời cháu nhưng lại không được quyền sở hữu, đó là điều vô lý.
Thiết nghĩ, nên có sự phân định rạch ròi về hai loại quyền đối với đất đai: chủ quyền quốc gia và đa chủ sở hữu đối với đất là tư liệu sản xuất, là tài sản. Đất - với tư cách là tài nguyên thiên nhiên như các tài nguyên khác, là của quốc gia, thuộc chủ quyền Nhà nước. Ai khai thác, sử dụng phải chịu sự kiểm soát của luật pháp, và phải có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Còn lại, đất được đưa vào sử dụng với tư cách là tư liệu sản xuất (trong sản xuất nông nghiệp), là yếu tố cấu thành tài sản (trong cấu thành bất động sản) của nhà sản xuất, của chủ tài sản, phải thuộc quyền sở hữu của nhà sản xuất hoặc của chủ tài sản. Những sản phẩm của lao động phải trở thành quyền sở hữu của người sử dụng. Trong nền kinh tế nhiều thành phần, đất đai trong sử dụng - hay nói một cách khác, là giá trị sử dụng của đất cũng phải theo thể chế “đa dạng hóa sở hữu”. Như vậy, đất đai sẽ không còn là “vô chủ” để bị lợi dụng, trục lợi.
Thanh Thúy (ghi)