Báo Đồng Nai điện tử
En

“Huyền thoại Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

10:12, 19/12/2012

Tối 18/12, cầu truyền hình kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (12/1972 – 12/2012) chủ đề “Huyền thoại Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã diễn ra ở hai điểm cầu: Bảo tàng Quân chủng Phòng không - Không quân (Hà Nội) và khuôn viên Sư đoàn Phòng không 367 anh hùng (TP.HCM).

Tối 18/12, cầu truyền hình kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (12/1972 – 12/2012) chủ đề “Huyền thoại Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã diễn ra ở hai điểm cầu: Bảo tàng Quân chủng Phòng không - Không quân (Hà Nội) và khuôn viên Sư đoàn Phòng không 367 anh hùng (TP.HCM).

12 ngày đêm huyền thoại

Chương trình do Đài truyền hình TP.HCM phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân thực hiện, nhằm ôn lại tầm vóc to lớn của chiến thắng vĩ đại có giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại sâu sắc của quân và dân ta trước cuộc tập kích đường không chiến lược lớn nhất của Để quốc Mỹ, đồng thời góp phần vun đắp niềm tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ cả nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cầu truyền hình “Huyền thoại Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Kéo dài 140 phút, cầu truyền hình “Huyền thoại Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đưa khán giả trở lại thời điểm 12 ngày đêm lịch sử. 40 năm về trước, nhằm mục đích “đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá” và buộc ta phải ký kết Hiệp định Paris theo những điều khoản phi lý do Mỹ định ra, từ ngày 18/12 đến ngày 30/12/1972, chính quyền của Tổng thống Mỹ Nixon đã ra lệnh ném bom hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng bằng máy bay chiến lược B52. Đây là một chiến dịch sử dụng “pháo đài bay” B52 lớn nhất với quy mô, cường độ và số lượng phương tiện chiến tranh, số lượng bom đạn khổng lồ.

Cầu truyền hình đã gợi nhớ những năm tháng lịch sử hào hùng của quân và dân Hà Nội trong 12 ngày đêm lịch sử chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" (Ảnh tư liệu)
Cầu truyền hình đã gợi nhớ những năm tháng lịch sử hào hùng của quân và dân Hà Nội trong 12 ngày đêm lịch sử chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" (Ảnh tư liệu)

Hơn 600 lần B52, hàng nghìn lần các loại máy bay hiện đại khác đã liên tục trong 12 ngày đêm rải xuống Hà Nội, Hải Phòng hàng chục nghìn tấn bom đạn; phá hủy nhiều khu phố, nhà cửa, bệnh viện, trường học, công trình kinh tế, quốc phòng...và gây thương vong cho hàng chục nghìn người, trong đó có rất nhiều người già, phụ nữ, trẻ em. Những người lãnh đạo Nhà Trắng khi đó tin chắc rằng: với một chiến dịch ném bom như vậy, Hà Nội nhất định sẽ chịu khuất phục và buộc phải ký Hiệp định Paris theo ý đồ của Mỹ.

Nhiều thước phim tư liệu quý giá được chiếu lại trong cầu truyền hình "Huyền thoại Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"
Nhiều thước phim tư liệu quý giá được chiếu lại trong cầu truyền hình "Huyền thoại Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"

Chỉ trong 12 ngày đêm, Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trọng yếu khác phải hứng chịu hơn 100.000 tấn bom đạn, với sức công phá hủy diệt tương đương 2 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản). Nhưng cũng trong 12 ngày đêm ấy, đối phương đã phải trả một giá rất đắt khi bị ta bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B52 khiến tướng Gioóc Ết-tơ, Phó Chỉ huy không quân chiến lược Mỹ đã phải thú nhận thất bại này trên Tạp chí Không lực Hoa Kỳ: “Một đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm Góc”. Còn trong hồi ký của mình, Ních-xơn viết: Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B52 quá nặng nề.

Ông Dương Văn Thuận, nguyên sĩ quan điều khiển tên lửa, thuộc Tiểu đoàn tên lửa 59, Trung đoàn tên lửa Phòng không 261, người ấn nút phóng tên lửa mang số hiệu C202A lao trúng đích chiếc B52 đầu tiên, kể lại: Phát hiện tín hiệu và đường bay của B52, Tiểu đoàn tên lửa 59 phóng 2 quả đạn hạ mục tiêu. Chiếc B52 bị trúng tên lửa đã rơi xuống cánh đồng Chuôm, thuộc xã Phủ Lỗ, cách trận địa gần 10km. “Siêu pháo đài bay B52”- trị giá hàng chục triệu đô la Mỹ - chỉ còn lại những mảnh vỡ vụn tan tành.

Các nhân chứng lịch sử giao lưu tại chương trình.

Đêm 20/12, bộ đội tên lửa phòng không bảo vệ Hà Nội đã thực hiện trận đánh xuất sắc: Chỉ 35 quả đạn đã bắn rơi 7 chiếc B52, trong đó có 5 chiếc rơi tại chỗ. Chiến thắng vang dội này có sự đóng góp rất lớn của các chiến sĩ thuộc Binh chủng ra-đa. Đại tá Nghiêm Đình Tích, nguyên Đài trưởng đài ra-đa, Binh chủng ra-đa, Quân chủng Phòng không - Không quân tự hào kể lại: “Mặc dù nhiều đơn vị bị nhiễu nặng không thể phát hiện mục tiêu nhưng đơn vị chúng tôi vẫn phát hiện được, thậm chí phát hiện được tín hiệu B52 và báo động sớm cho Hà Nội 35 phút đêm đầu tiên. Các đêm sau báo động sớm cho Hà Nội từ 35-50 phút. Như vậy là bộ đội ra-đa không để Tổ quốc bị bất ngờ trước chiến dịch tập kích trên không chiến lược của địch, tạo điều kiện cho việc chỉ huy chiến thuật của bộ đội đánh B52, đặc biệt là bộ đội tên lửa. Đó là một trong những nguyên nhân chúng ta làm nên chiến thắng”.

Ngày 29/12, quân ta bắn rơi 2 máy bay, trong đó Tiểu đoàn tên lửa 79 bảo vệ Hà Nội chiến đấu anh dũng bắn rơi 1 máy bay B52 cuối cùng vào lúc 23 giờ 16 phút và 1 máy bay F4. Đây là trận đánh kết thúc chiến dịch 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” bảo vệ Thủ đô Hà Nội.

7 giờ sáng ngày 30/12/1972, Nixon buộc phải ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và họp lại Hội nghị Paris về Việt Nam. Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố miền Bắc kéo dài 12 ngày đêm đã bị thất bại hoàn toàn.

Trong những ngày tháng hết sức khốc liệt ấy, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nhận định: “Trong những lúc gặp vô vàn khó khăn và đứng trước tình thế hiểm nghèo, nhờ sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng ta, nhờ sức chiến đấu anh dũng và sự nỗ lực phi thường của quân và dân ta, cách mạng Việt Nam đã vượt qua mọi thử thách, tiến lên những bước nhảy vọt. Trận Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội năm 1972 không chỉ là cuộc đọ sức với số lượng lớn máy bay trong mỗi trận đánh, mà còn thực sự là cuộc đấu trí tuệ của một dân tộc anh hùng với vũ khí, phương tiện chiến tranh công nghệ cao nhất của Mỹ”.

Tiếp tục gìn giữ, phát huy khí phách anh hùng của dân tộc

Chia sẻ tại chương trình, Trung tướng Phương Minh Hòa, Ủy viên Trung Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân khẳng định: Dù thời gian có trôi đi nhưng tầm vóc của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn mãi luôn tỏa sáng, bởi cả nước đã hướng về Hà Nội để cùng làm nên một chiến thắng huyền thoại. 40 năm qua, những giá trị của chiến thắng vẫn luôn hiện diện và phát huy nơi những người lính đã làm nên lịch sử. Dù họ đang ở những vị trí khác nhau nhưng đều có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Là một phi công trẻ trong quân chủng Phòng không - Không quân, tôi luôn xác định thế hệ trẻ chúng tôi không ngừng học tập nghiên cứu, “ham bay say học”, làm chủ vũ khí trang bị hiện đại, sẵn sàng cất cánh làm nhiệm vụ khi có lệnh, không để Tổ quốc bị bất ngờ trong mọi tình huống. Tất cả vì những chuyến bay an toàn, thắng lợi, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam XHCN, xứng đáng với truyền thống 16 chữ vàng mà Bác Hồ đã trao tặng: “Trung thành vô hạn, tiến công kiên quyết, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”.

(Thượng úy, phi công trẻ Nguyễn Khắc Hoàng (thuộc Sư đoàn Không quân 370)

Phát huy truyền thống anh hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, của chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Trung tướng Phương Minh Hòa nhấn mạnh: Quân chủng Phòng không - Không quân tiếp tục tập trung xây dựng Quân đội Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng lực lượng Quân chủng Phòng không - Không quân tinh nhuệ, hiện đại, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.

Đại diện cho tuổi trẻ Thủ đô Hà Nội, anh Trần Anh Tuấn, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội bày tỏ quyết tâm: “Cùng với tuổi trẻ quân đội, tuổi trẻ Thủ đô chúng tôi vô cùng biết ơn và cảm phục trước khí phách, bản lĩnh và trí tuệ của quân dân Hà Nội và cả nước trong 12 ngày đêm khói lửa ấy. Với tất cả lòng biết ơn, sự cảm phục và trân trọng ấy, tuổi trẻ Thủ đô hôm nay hơn bao giờ hết ý thức được trách nhiệm của mình, đó là: Gìn giữ và phát huy khí phách ấy, tinh thần ấy, bản lĩnh và trí tuệ ấy để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô Hà Nội văn minh hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hiến ngàn năm và anh hùng”.

Theo BaoPhunu Online

Tin xem nhiều