Báo Đồng Nai điện tử
En

Hội thi cán bộ “Dân vận khéo” cấp tỉnh lần thứ III: Những câu chuyện vì dân...

10:12, 02/12/2012

33 thí sinh và 18 đội xuất sắc được lựa chọn từ các hội thi “Dân vận khéo” cấp xã, huyện và tương đương vừa có những ngày thi sôi nổi, đầy ý nghĩa tại hội thi cán bộ “Dân vận khéo” cấp tỉnh lần thứ III- năm 2012.

33 thí sinh và 18 đội xuất sắc được lựa chọn từ các hội thi “Dân vận khéo” cấp xã, huyện và tương đương vừa có những ngày thi sôi nổi, đầy ý nghĩa tại hội thi cán bộ “Dân vận khéo” cấp tỉnh lần thứ III- năm 2012.

Đồng chí Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao giải nhất cá nhân cho thí sinh Trương Thị Ngọc Hạnh. Ảnh: P. Hằng
Đồng chí Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao giải nhất cá nhân cho thí sinh Trương Thị Ngọc Hạnh. Ảnh: P. Hằng

Mỗi câu chuyện mà các đội và thí sinh mang đến hội thi, bằng phong cách thể hiện khác khau nhưng đều thống nhất ở một điểm: cán bộ từ nhân dân mà ra; đã là công bộc của dân thì phải làm việc có trách nhiệm, phải xuất phát từ trái tim, lòng nhân ái…

* Học và làm theo Bác

Chị Trương Thị Ngọc Hạnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc chia sẻ, chị luôn thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lòng nhân ái, bao dung. Thiết thực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chị đã xây dựng nhiều việc làm trong tổ chức hội của mình. Trong đó, chị đã vận động chị em trong xã xây dựng mô hình hũ gạo tình thương. Đến nay, mô hình này đã giúp được trên 4 ngàn kg gạo cho phụ nữ nghèo của địa phương. Bên cạnh đó, chị đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân xây dựng được 4 mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo. Đặc biệt, chị rất quan tâm tới trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số trong xã. Để có điều kiện chăm lo cho các em, chị đã vận động hội viên nuôi heo đất tiết kiệm, tặng học bổng, tổ chức các hoạt động vui chơi, mở lớp học tình thương… Đối với những học sinh vì hoàn cảnh khó khăn mà phải bỏ học giữa chừng, chị đã lặn lội đến từng gia đình để tìm hiểu hoàn cảnh của mỗi em. Trong số đó có trường hợp của em Minh mồ côi cha, mẹ đi lấy chồng khác. Minh phải bỏ học để đi làm kiếm tiền nuôi hai em còn nhỏ. Biết được hoàn cảnh của Minh, chị Hạnh đã nhận đỡ đầu cả 3 anh em Minh. Hiện nay, Minh đã được đi học trở lại... Chị Hạnh bộc bạch: “Khi giúp đỡ được anh em Minh, tôi có thêm niềm vui, từ đó có thêm động lực để mình làm nhiều việc tốt hơn”.

* Phải sâu sát với nhân dân

Đối với cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thu (huyện Thống Nhất) thì người làm công tác dân vận phải thấm nhuần bài học sâu sắc của Bác Hồ “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, luôn tìm tòi, phân tích chính xác tình hình nhân dân, từ đó tham mưu đề xuất cho Đảng, Nhà nước xây dựng, ban hành được các chủ trương, chính sách hợp lòng dân, phát huy được sức mạnh nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cán bộ, đảng viên không nên chỉ biết nói, chỉ biết ngồi một chỗ viết mệnh lệnh mà còn phải nhúng tay vào việc. Đối với người làm công tác giáo dục, không chỉ có nhiệm vụ cung cấp tri thức cho học trò mà còn phải hiểu rõ ưu khuyết điểm của từng em để có biện pháp giáo dục phù hợp. Đôi tay của người giáo viên không chỉ biết cầm phấn viết bảng mà còn phải biết vỗ về, lau đi những giọt nước mắt tủi thân của học trò khi các em gặp phải hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Đôi chân của người giáo viên không chỉ nhàn nhã trong phạm vi bục giảng, sân trường mà còn phải biết đi tới tận vùng sâu, vùng xa để thấu hiểu nỗi gian truân, vất vả trên con đường đến trường của các em...

Tại hội thi, đồng chí Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chia sẻ, làm công tác dân vận phải biết chọn lọc, biết mình đang nói với ai và phải biết nói như thế nào để phù hợp với từng đối tượng. Đồng chí cho rằng, hiện nay đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, tuyên truyền vẫn còn nói theo kiểu thuộc lòng. Vì thế, sắp tới, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ nghiên cứu để mở những lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền miệng cho đội ngũ cán bộ.

 Trong khi đó chị Phạm Thị Hà, phụ trách điểm khoa học công nghệ xã Bảo Bình (huyện Cẩm Mỹ) lại có suy nghĩ, làm công tác dân vận không khó. Cứ đến với dân bằng tấm lòng chân thành, luôn biết sâu sát, gần gũi với quần chúng nhân dân thì sẽ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân. Điều này được chị và các thành viên của xã Bảo Bình thể hiện qua tiểu phẩm đã đoạt giải nhất hội thi: “Cái chung - cái riêng”.

Đồng chí Bùi Ngọc Thanh, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, hội thi không chỉ là dịp để các thí sinh giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về công tác dân vận mà còn được nâng lên về nhận thức lý luận, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, từ đó ngày càng xây dựng được nhiều cán bộ làm dân vận khéo, giúp cho mối quan hệ giữa Đảng với dân được tăng cường gắn bó.

Phương Hằng

 

 

 

Tin xem nhiều