Những năm qua, nhiều hộ gia đình nghèo ở huyện Cẩm Mỹ đã vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ sự giúp đỡ thiết thực của Hội Chữ thập đỏ tỉnh.
Những năm qua, nhiều hộ gia đình nghèo ở huyện Cẩm Mỹ đã vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ sự giúp đỡ thiết thực của Hội Chữ thập đỏ tỉnh.
Gia đình bà Bùi Thị Xuyến (ấp Suối Râm, xã Long Giao) có đến 11 người nhưng không một mảnh đất cắm dùi, phải dựng căn lều tạm bợ để lấy chỗ đi ra đi vào. Năm 2007, Ủy ban MTTQ huyện Cẩm Mỹ tặng cho gia đình bà Xuyến một căn nhà tình thương. Cũng trong năm này, Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ một cặp bò cái. Sau 5 năm, đàn bò đã sinh sản thành 5 con, một con đang mang thai. Bà Xuyến bán đi một con được 10 triệu để xây chuồng, mua heo nái, heo thịt về nuôi. Số lượng đàn heo sinh sản ngày một tăng, từ 4 con lên 18 con. Số tiền lãi bà Xuyến lại tiếp tục dùng để chăn nuôi, mua sắm đồ dùng vật dụng trong nhà, như: ti-vi, giường tủ và dành dụm đề phòng lúc đau ốm.
* Từ nguồn vốn nghĩa tình
Nhìn đàn bò béo tốt và đàn lợn lớn lên từng ngày, bà Xuyến không giấu nổi vui mừng: “Nhờ có Đảng, Nhà nước mà nhà tôi mới được như ngày hôm nay. Mấy đứa con cũng có việc làm, phụ mẹ chăn bò, cắt cỏ, bệnh tình thuyên giảm, được ăn no, có của ăn của để”
Đàn bò béo tốt của gia đình bà Xuyến |
Cũng được Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao bò năm 2007, gia đình ông Trần Vinh Tùng (ấp 1, xã Lâm San) đã có nhiều cách làm hay, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xét thấy điều kiện môi trường chăn nuôi bò không hiệu quả, ông mạnh dạn làm đơn lên chính quyền xin chuyển đổi từ nuôi bò sang nuôi dê. Số tiền bán bò được 7 triệu đồng, vay thêm ngân hàng 15 triệu, vợ chồng ông Tùng mua 4 con dê. Một năm dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 3 - 4 con, 3 tháng bán một lần, mỗi con được hơn 4 triệu đồng. Cứ như thế, đàn dê nhân lên có lúc trên trăm con. Vừa rồi, gia đình ông Tùng bán lứa dê được 150 triệu đồng. Hiện tại trong chuồng còn hơn 50 con dê lớn nhỏ.
Bà Chiến, vợ ông Tùng phấn khởi nói: “Nhờ có bò do Hội Chữ thập đỏ và ngân hàng cho vay vốn, chúng tôi mới có cơ ngơi ngày hôm nay. Gia đình đã trả được hết nợ, xây được nhà mới, cưới vợ cho con trai, mua sắm được ti-vi, tủ lạnh, có tiền chạy chữa thuốc men cho ông nhà”.
* Đến những căn nhà nhân ái
Vừa qua, gia đình cựu thanh niên xung phong Đinh Thị Bằng (ấp Suối Râm, xã Xuân Quế) đã được Hội Chữ thập đỏ tỉnh kết hợp với Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh tặng căn nhà trị giá 60 triệu đồng. Bà Bằng bị thương tật trong chiến tranh. Sau chiến tranh, bà không được hưởng chế độ vì làm mất hết giấy tờ. Hai vợ chồng già và 3 người con không có ruộng vườn, nghề nghiệp, ai thuê gì làm nấy. Sống trong căn nhà rách nát mấy chục năm trời, gia đình bà Bằng chưa dám mơ tới ngôi nhà khang trang mái ngói, gạch hoa như bây giờ. Có nơi ở ổn định, từ một hộ nghèo, tới nay, hộ bà Bằng đã thoát nghèo, hai con lớn đã đi làm kiếm tiền, ông bà được cho mượn đất để trồng bắp, đời sống từ đó mà khấm khá, no đủ dần lên.
Đại gia đình bà Xuyến trước căn nhà tình thương. Ảnh: H.Dung |
Còn gia đình bà Bùi Thị Huyên (63 tuổi, xã Sông Ray) do hoàn cảnh khó khăn, bản thân bà đau ốm, con gái bị tâm thần lại nuôi một đứa cháu ăn học lớp 10, đã được Hội Chữ thập đỏ và Hội Cựu thanh niên xung phong tặng một căn nhà, một con bò để phát triển kinh tế. Trong ngày nhận được nhà, bà Huyên nghẹn ngào nói: “Cả đời lận đận cực khổ, chúng tôi cũng không dám mơ là có được căn nhà thế này, lại còn được cả bò để làm ăn. Vậy là từ nay, cháu tôi có thể yên tâm học hành, không phải đi ở nhờ nhà họ hàng nữa.”
Tính đến thời điểm này, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã trợ giúp, tặng quà thường xuyên, đột xuất cho các gia đình nghèo và đối tượng khó khăn trị giá gần 7 tỷ đồng; vận động các cấp hội xây dựng 82 căn nhà cho người nghèo trị giá hơn 2 tỷ đồng, sửa chữa 81 căn nhà trị giá 345 triệu đồng, xây dựng 47 công trình nhân đạo khác trị giá 2 tỷ đồng; giúp đỡ vốn cho các hộ đặc biệt khó khăn chăn nuôi gia súc với số tiền hơn 2 tỷ đồng. |
Tận mắt chứng kiến sự thay da đổi thịt của các hộ gia đình từ nguồn vốn ban đầu của Hội, bà Vương Thị Quyên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh chia sẻ: “Đồng vốn đến được tay đúng đối tượng để họ vươn lên có cuộc sống no đủ là điều chúng tôi luôn mong mỏi. Chúng tôi cũng mong muốn, địa phương phải đi sâu, đi sát hơn nữa, kiểm tra tiến độ và cách làm ăn của bà con để có những lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chăn nuôi kịp thời nhằm mang lại hiệu quả ngày càng cao cho bà con. Hội sẽ tiếp tục khảo sát, tìm hiểu và hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh”.
Hạnh Dung