Sáng 2-11, Quốc hội làm việc tại Hội trường tiếp tục thảo luận về nội dung công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012.
Sáng 2-11, Quốc hội làm việc tại Hội trường tiếp tục thảo luận về nội dung công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012.
* Cần có những chế tài mang tính răn đe, phòng ngừa
Khi đề cập đến công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, nhiều đại biểu bày tỏ thực trạng đáng lo ngại trong xã hội hiện nay: đó là sự vô cảm của một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức trước những đề xuất của nhân dân; đó là hành vi tạo lập chứng từ để quyết toán những khoản chi mà nếu thực thi theo cơ chế chính sách sẽ không thể thực hiện được; hay lợi ích nhóm trong việc chỉ định thầu bất chấp giá cả, công nghệ, chất lượng công trình; việc sử dụng hoá chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân…. Những hành vi này hiện diện trong cuộc sống hàng ngày, gây nên sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, làm xuống cấp của đạo đức xã hội, xói mòn niềm tin của nhân dân…. Các đại biểu cho rằng, đây không chỉ là là trách nhiệm của Chính phủ và các cơ quan chức năng, mà là trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cán bộ, đảng viên, cơ quan, đơn vị và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Các đại biểu trao đổi nhau trong giờ giải lao |
Từ các giải pháp đã được đề cập trong báo cáo của các cơ quan chức năng, có đại biểu nhấn mạnh giải pháp của mọi giải pháp là củng cố niềm tin trong nhân dân. Đại biểu cho rằng: “Nếu hằng ngày mỗi cán bộ, công chức trong khi thi hành chức trách của mình, vô tình hay hữu ý làm xói mòn niềm tin của nhân dân thì đến một lúc nào đó chúng ta sẽ mất tất cả”.
Để tháo gỡ những thực trạng đã nêu, theo các đại biểu, cần phải phát huy hiệu quả của cả hệ thống chính trị; rà soát, sắp xếp lại những quy định về chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, mối quan hệ, cơ chế phối hợp, cơ chế giám sát phản biện xã hội cụ thể để phù hợp với tình hình mới; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cả trong gia đình và ngoài xã hội; phát huy vai trò của HĐND các cấp, các tổ chức thanh tra, kiểm tra. Quốc hội cần thể chế hoá các quy định của pháp luật không chỉ có chế tài xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật mà còn cần có những chế tài mang tính răn đe, phòng ngừa; xử lý công khai danh tính hình ảnh, tạo nên dư luận xã hội đối với những hành vi vi phạm chưa đến mức bị xử phạt hình sự… Chính phủ và các cơ quan tư pháp, chính quyền quyền cần đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, quản lý, quản lý hộ tịch hộ khẩu, tạm trú, thường trú….
* Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong thi hành án dân sự
Vấn đề tồn đọng trong thi hành án dân sự là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Các đại biểu khi đi sâu phân tích, lý giải những lý do khiến cho tình trạng này chậm được cải thiện đều cho rằng, cần chú trọng xây dựng đội ngũ chấp hành hành viên. Bởi, việc tăng cường xây dựng đội ngũ chấp hành viên sẽ quyết định tới chất lượng, hiệu quả của thi hành án. Muốn vậy, việc thi tuyển chấp hành viên là cần thiết.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường |
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã giải trình, làm rõ hơn về công tác thi hành án dân sự. Về số việc và tiền phải thi hành còn nhiều, trong năm 2012 không hoàn thành chỉ tiêu giảm án chuyển kỳ sau…, Bộ trưởng cho rằng đây là một thực tế mà Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận trong Báo cáo trình Quốc hội. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng khẳng định: kể từ khi thi hành Luật thi hành án dân sự đến nay, công tác thi hành án đã có những chuyển biến cơ bản, bền vững; các cơ quan thi hành án dân sự đã tổ chức thi hành số lượng lớn những vụ việc và tiền phải thi hành án, kết quả năm sau cao hơn năm trước và giảm đáng kể số việc chuyển sang kỳ sau.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường nêu rõ trong năm 2012 việc án giảm tồn đọng mặc dù chỉ giảm được 2,08% số việc phải thi hành, chuyển sang kỳ sau và không đạt được chỉ tiêu đề ra là từ 5%-10%. Trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn, có thể khẳng định rằng đây là sự nỗ lực đáng ghi nhận của các cơ quan thi hành án dân sự, đồng thời cũng là kết quả của công tác phối hợp giữa các cơ quan hữu quan. Đề cập những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác thi hành án, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết thêm, năm 2011 Chính phủ đã báo cáo và Quốc hội đã đồng ý chủ trương cho Chính phủ được tiếp tục xây dựng Đề án miễn thi hành đối với một số khoản thu ngân sách cho nhà nước mà không có điều kiện thi hành án trước ngày Luật thi hành án dân sự có hiệu lực. Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tới đây theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện đề án này. Một vấn đề nữa mới phát sinh, trong vụ án Vinashine riêng tiền phạt về phần dân sự trong hình sự là 950 tỷ đồng. Một trong những giải pháp tới đây đối với vụ Vinashine là đề nghị với Thủ tướng Chính phủ cho thành lập Ban chỉ đạo liên ngành..
* Cần sự vào cuộc của gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục trẻ em
Một vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội thời gian qua đó là tình trạng gia tăng tội phạm vị thành niên. Đây là mối quan tâm lo ngại của toàn xã hội đã được nhiều đại biểu phân tích, đề xuất phương hướng khắc phục. Có đại biểu nhận định, nguyên nhân của tình trạng này do môi trường giáo dục hiện đang có “vấn đề”. Theo đại biểu này, cần quan tâm, chú trọng nhiều hơn nữa tới việc giáo dục ngoài nhà trường; cần nâng cao vai trò của cán bộ làm công tác xã hội ở các xã, phường, thôn, bản. Có đại biểu thì nhấn mạnh: giáo dục nhân cách của một con người rất công phu, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, tạo thành thế chân kiềng vững chắc mới có thể giảm trẻ vị thành niên phạm tội. Thế nhưng, theo các đại biểu, công tác giáo dục trong gia đình hiện chưa được quan tâm đúng mức. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm giải pháp về phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật là nâng cao trách nhiệm quản lý giáo dục con em của gia đình và đặc biệt là của bố mẹ; cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng chương trình hỗ trợ cha mẹ trong quản lý giáo dục con, để gia đình thực sự là “liều thuốc đề kháng mạnh” trước tệ nạn xã hội và tội phạm.
Chia sẻ với các đại biểu về nỗi lo lắng trước thực trạng báo động của tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đánh giá: trẻ em phạm pháp có nguyên nhân xã hội, nguyên nhân tổng hòa sự giáo dục của gia đình, của nhà trường, của xã hội. Ông nhấn mạnh: “Việt Nam đã tham gia vào Công ước quốc tế bảo vệ quyền trẻ em, giải pháp để ngăn ngừa, phòng chống tội phạm đối với trẻ vị thành niên là không phải bằng tăng hình phạt mà chính là sự quản lý giáo dục và các chính sách dành cho trẻ em”. Phân tích về nguồn gốc phát sinh tội phạm, Chánh án Trương Hòa Bình nhận định giải quyết vấn đề này phải bằng những giải pháp khác như quản lý xã hội, giáo dục, chính sách chứ không phải bằng giải pháp là tăng hình phạt. Ông cho biết, Tòa án nhân dân tối cao đã có đề án xây dựng Tòa án hôn nhân, gia đình và trẻ em và đang trong quá trình để trình lên các cấp có thẩm quyền phê duyệt và đưa vào mô hình tổ chức Tòa án sắp tới.
* Nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng mang tính hình thức
Tại phiên thảo luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã phân tích, làm sâu sắc hơn một số nội dung và giải pháp liên quan tới công tác phòng, chống tham nhũng. Tổng Thanh tra đồng quan điểm với các ý kiến nhận xét cho rằng, giải pháp phòng ngừa vừa qua thực hiện chưa có hiệu quả, cũng còn nhiều giải pháp phòng ngừa mang tính hình thức. Trong năm, các đơn vị chức năng đã tuyên truyền được hơn 3 triệu lượt cán bộ, công chức và 15 triệu lượt nhân dân, tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng số liệu này so với tỷ lệ dân số cũng chưa đáng kể - Tổng Thanh tra cho hay.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh |
Về các giải pháp phòng ngừa, trong 9 giải pháp phòng ngừa đã ban hành, thống kê cho thấy có 4 giải pháp phòng ngừa được đánh giá là có hiệu quả tích cực, trong đó có cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch của các cơ quan tổ chức, đơn vị, xây dựng chế độ định mức tiêu chuẩn và quy tắc ứng xử. Hai giải pháp đánh giá lại kết quả trung bình là chuyển đổi vị trí công tác và xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Ba biện pháp được đánh giá là hiệu quả thấp và còn hình thức đó là kê khai tài sản thu nhập, trả lương qua tài khoản và nộp lại quà tặng. Theo Tổng thanh tra, vấn đề công khai minh bạch trong thời gian vừa qua đã làm được một bước nhưng thực sự chưa đầy đủ, có những trường hợp lợi dụng bí mật nhà nước không thực hiện công khai minh bạch theo quy định của pháp luật.
Làm rõ hơn những quan tâm của đại biểu Quốc hội về việc thanh tra nhiều nhưng tỷ lệ thu hồi tài sản và tiền của nhà nước rất thấp, Tổng Thanh tra thẳng thắn nhìn nhận đây là một khiếm khuyết, hạn chế của ngành thanh tra trong một thời gian dài, do nhiều nguyên nhân. Ngành thanh tra hàng năm có trên 10.000 cuộc thanh tra, thanh tra ở các cấp, các ngành, kể cả thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, bên cạnh có nhiều cuộc thanh tra có chất lượng tốt vẫn còn có một số cuộc thanh tra chất lượng không cao, tính khả thi không cao. Cho nên, khi kết luận thanh tra thực hiện không được, có vướng mắc. Tổng Thanh tra cũng cho rằng quy định chế tài trong xử lý kết luận thanh tra vừa qua là chưa mạnh, chưa đủ; chưa có cơ quan chuyên trách theo dõi thực hiện kết luận thanh tra, đồng thời có một đối tượng thanh tra không thực hiện ngay được kết luận thanh tra như bất động sản, tài sản, có những đối tượng không có khả năng thực hiện kết luận thanh tra. Tổng Thanh tra cho biết thêm Chính phủ vừa ban hành Nghị định cho phép ngành thanh tra thành lập đơn vị theo dõi thực hiện kết luận thanh tra. Sắp tới, có nhiều giải pháp để khắc phục, nhưng trong đó có 2 giải pháp chính, ngành thanh tra sẽ thực hiện tốt hơn việc này.
Tại phiên họp, các vị đại biểu Quốc hội đã phân tích sâu sắc và làm rõ hơn nguyên nhân, kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể, quan trọng phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, nhất là các tội phạm về chức vụ, kinh tế, tham nhũng…
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ đa số đại biểu Quốc hội tán thành ra Nghị quyết về phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm và phòng, chống tham nhũng và công tác tư pháp năm 2013. Quốc hội giao Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì phối hợp với Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan soạn thảo nghị quyết để trình thông qua tại kỳ họp này.
Theo TTXVN