Báo Đồng Nai điện tử
En

Thảo luận về dự án luật KH&CN (sửa đổi): Điểm tắc nghẽn chủ yếu là cơ chế tài chính

07:11, 21/11/2012

Chiều 20-11, trong phiên họp toàn thể tại Hội trường, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII tiếp tục thảo luận về dự án Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi).

Chiều 20-11, trong phiên họp toàn thể tại Hội trường, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII tiếp tục thảo luận về dự án Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi).

Đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi dự án luật khoa học và công nghệ (KH&CN). Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị ban soạn thảo rà soát, bổ sung thêm các quy định để dự án luật thật sự mang tính đột phá, thể chế hóa được chủ trương lớn nhất của Đảng và chính sách của Nhà nước là bảo đảm “phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”.

Quốc hội thảo luận tại hội trường
Quốc hội thảo luận tại hội trường

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, cần đặt lại vấn đề tiếp cận đối với dự án luật. Mục tiêu của dự án Luật cần thể hiện rõ quan điểm: khoa học công nghệ phải phục vụ cho sự nghiệp hóa, công nghiệp hóa đất nước; khoa học không chỉ "vị khoa học" mà "khoa học vị nhân sinh". Đại biểu đề nghị đưa một chương "huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển công nghệ". Đồng thời, cần thay đổi hoàn toàn phương thức Nhà nước "bao cấp" cho khoa học công nghệ thành phương thức "tài trợ ngân sách nhà nước" mà nhiều nước trên thế giới đang thực hiện.

Đa số các đại biểu cho rằng, Luật cần cụ thể hóa hơn nữa việc đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, có chính sách cụ thể, tạo môi trường làm việc cụ thể thu hút nhân tài, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia đầu ngành; có chế độ khen thưởng, tôn vinh các nhà khoa học có đóng góp quan trọng, có giải thưởng lớn về khoa học công nghệ; phát hiện bồi dưỡng cán bộ tài năng trẻ; quan tâm đầy đủ đến đội ngũ cán bộ khoa học trong lực lượng vũ trang; huy động các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài về đóng góp xây dựng đất nước…

Theo các đại biểu, một trong những vướng mắc lớn, điểm tắc nghẽn chủ yếu trong hoạt động khoa học, công nghệ ở nước ta hiện nay chính là cơ chế tài chính. Cơ chế tài chính thể hiện trong luật còn nặng tính bao cấp, chưa phù hợp với đặc thù, đáp ứng yêu cầu về tiến độ của hoạt động khoa học, công nghệ, chưa tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ bảo đảm sử dụng đúng mục đích nguồn thu của nhà nước cấp cho khoa học công nghệ... Ý kiến nhiều đại biểu cho rằng, việc đổi mới cơ bản cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học, công nghệ cho phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học, công nghệ rất cần thiết và cần phải khẳng định cơ chế đổi mới này ngay trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao là Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi). Các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu và có đề xuất cụ thể để vừa bảo đảm tính tương thích với hệ thống pháp luật, nhưng thể hiện rõ cơ chế đặc thù cho lĩnh vực khoa học, công nghệ được coi là quốc sách.

Các đại biểu đề nghị có chế độ khen thưởng, tôn vinh các nhà khoa học có đóng góp quan trọng. Trong ảnh: 6 doanh nghiệp Đồng Nai được trao giải bạc Quốc gia năm 2011
Các đại biểu đề nghị có chế độ khen thưởng, tôn vinh các nhà khoa học có đóng góp quan trọng. Trong ảnh: 6 doanh nghiệp Đồng Nai được trao giải bạc Quốc gia năm 2011

Đối với quy định về việc trích lập quỹ khoa học công nghệ, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) kiến nghị chỉ nên quy định là quyền chứ chưa phải là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp, bởi không phải tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động đều có nhu cầu về khoa học, công nghệ như nhau. Tuy nhiên, nếu quy định một chế tài bắt buộc đối với tất cả các doanh nghiệp trong việc đầu tư cho khoa học công nghệ với các tỷ lệ khác nhau thì cần áp dụng các biện pháp đồng bộ. Đại biểu cho rằng, sau khi Luật khoa học và Công nghệ (sửa đổi) được ban hành cần sớm ban hành các quy định về tài chính đối với quỹ của doanh nghiệp trên cơ sở tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp trích lập và chi tiêu, Nhà nước chỉ kiểm soát chi tiêu đối với phần doanh nghiệp được hưởng lợi về thuế khi trích lập quỹ. Nếu doanh nghiệp đóng góp cho địa phương thì phần đóng góp này của doanh nghiệp cũng phải được miễn thuế như trích lập quỹ của doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng để bảo đảm các chính sách phát triển khoa học công nghệ cho doanh nghiệp có hiệu quả, tùy vào điều kiện của doanh nghiệp và lợi thế của địa phương mà Nhà nước có chính sách phù hợp. Theo đại biểu, cần chia ra hai trường hợp: Thứ nhất tùy vào lợi thế của từng địa phương mà Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ phù hợp với lĩnh vực ưu tiên phát triển của mình. Nguồn đóng góp của quỹ do những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực của quỹ đóng góp. Trường hợp thứ hai là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực không mang tính phổ biến ở địa phương thì không tham gia vào các quỹ. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngoài ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào hoạt động sản xuất, thì ngoài các chính sách ưu tiên đã nêu trong luật, Nhà nước sẽ tạo điều kiện trong những năm đầu áp dụng công nghệ, doanh nghiệp vẫn bảo đảm sức cạnh tranh như trước đây.

Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận về nguyên tắc, chính sách và nhiệm vụ hoạt động khoa học và công nghệ; về trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; về quyền và nghĩa vụ của tổ chức khoa học và công nghệ...

Thứ tư, ngày 21-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, buổi sáng, thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn và thảo luận về dự án Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; buổi chiều, thông qua Luật Thủ đô và thảo luận về dự án Luật phòng, chống khủng bố.

P.V (tổng hợp)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích