Báo Đồng Nai điện tử
En

Quốc hội thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2013

07:11, 11/11/2012

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều ngày 10-11, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII họp phiên toàn thể tại hội trường để thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2013...

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 10-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; thảo luận về việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại và thảo luận dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

* Tăng lương tối thiểu từ 1-7-2013

Chiều 10-11, sau khi nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, Quốc hội biểu quyết thông qua với số 90,96% số đại biểu có mặt tán thành.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Ngân sách nhà nước năm 2013
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Ngân sách nhà nước năm 2013

Như vậy Quốc hội đã quyết nghị: Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 816.000 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 978.000 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 162.000 tỷ đồng, tương đương 4,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Quốc hội cũng đã giao Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, thận trọng, cơ cấu lại các khoản thu, chi, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; tạo điều kiện huy động, khai thác tích cực các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế, phí, lệ phí theo hướng giảm dần nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Đồng thời, bảo đảm nguồn thu trên cơ sở tăng trưởng kinh tế và thu nhập của các tầng lớp dân cư, tránh giảm thu lớn do điều chỉnh chính sách thu, nhất là khi chưa có phương án bù đắp. Kịp thời sửa đổi, hoàn thiện chính sách, chế độ, định mức không còn phù hợp với thực tế, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý, bảo đảm chi tiêu công hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm theo đúng dự toán đã được phê duyệt; chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là các khoản chi tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, mua xe công, chi phí công tác trong nước và nước ngoài; ưu tiên cho nhiệm vụ chính trị quan trọng, bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội. Tăng cường quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung vốn cho trả nợ xây dựng cơ bản hoàn thành và các công trình, dự án hoàn thành trong năm 2013. Hạn chế khởi công mới các công trình, dự án; rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn, chỉ cho phép chuyển nguồn đối với một số khoản chi thật sự cần thiết theo đúng quy định của pháp luật.

Quốc hội cũng giao Chính phủ điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,15 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng tỷ lệ tăng lương tối thiểu từ ngày 1-7-2013.

Trên cơ sở tổng mức vốn trái phiếu chính phủ là 225.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2011-2015, căn cứ vào khả năng và hiệu quả sử dụng vốn, phát hành không quá 60.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ trong năm 2013, đồng thời, thu hồi số vốn trái phiếu chính phủ đã ứng trước của năm 2013.

Chính phủ cần rà soát lại hiệu quả sử dụng vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, bố trí hợp lý tỷ trọng vốn giữa chi sự nghiệp và chi đầu tư phát triển, ưu tiên cho các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Tích cực thu hồi các khoản tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, chỉ ứng trước vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ khi thực sự cấp bách. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ và cơ cấu lại nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn; kiểm soát chặt chẽ các khoản vay về cho vay lại và bảo lãnh của Chính phủ.

* Đồng tình thí điểm chế định Thừa phát lại đến 2015

Thảo luận về việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, đa số đại biểu đều đồng ý việc tiếp tục cho thực hiện chế định thừa phát lại ở TP.Hồ Chí Minh và có thể mở rộng thêm ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác. Các đại biểu cũng nhất trí thời gian thực hiện thí điểm đến 2015 nhưng năm 2014 Chính phủ phải có tổng kết đầy đủ, báo cáo lại để Quốc hội xem xét, quyết định.

Khẳng định thành công bước đầu của mô hình, một số đại biểu cho rằng việc thực hiện chế định này đã hỗ trợ tốt cho hoạt động tư pháp, được người dân ủng hộ, đặc biệt là không gây xáo trộn nhiều, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan thi Tòa án và thi hành án dân sự trên địa bàn thí điểm. Trong đó, hiệu quả quan trọng nhất, có ý nghĩa nhất là tạo cơ chế pháp lý để người dân chủ động xác lập chứng cứ để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đó là nguồn cơ sở pháp lý quan trọng để Tòa án xét xử khách quan, công bằng, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, theo các đại biểu, quá trình thực hiện thí điểm còn những vấn đề cần được đánh giá, phân tích sâu sắc hơn nữa cả về mặt khách quan và chủ quan để rút kinh nghiệm trong thời gian tới. Các đại biểu đề nghị cho phép tiếp tục thực hiện thí điểm chế định này đến năm 2015, sau đó trên cơ sở tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tổng kết để xem xét, quyết định. Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn với việc giao cho văn phòng thừa phát lại thực hiện cưỡng chế thi hành án, bởi đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, cần cân nhắc kỹ hơn, nhất là trong thực tế hiện nay.

Giải trình thêm trước băn khoăn của một số đại biểu về phạm vi công việc của Thừa phát lại, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định việc này đã được bàn rất kỹ lưỡng. 3 loại công việc hiện nay Nghị định của Chính phủ quy định cũng như 3 loại công việc mà Thừa phát lại đã làm trong hơn 2 năm qua cơ bản là phù hợp, nhất là việc thi hành án. Theo Bộ trưởng, hạn chế của việc chưa thi hành nhiều không phải do Thừa phát lại không làm được mà khó khăn ở đây là phân biệt thừa phát lại với tư cách là công lại được Nhà nước bổ nhiệm để hoạt động trong văn phòng theo tính tự chủ với cơ quan thi hành án. NĐ61 của CP quy định khi thừa phát lại tổ chức thi hành án nếu cần thiết phải cưỡng chế có sử dụng lực lượng thì phải có đề án, kế hoạch, báo cáo Cục trưởng Cục thi hành án TP Hồ Chí Minh xem xét quyết định, cùng đó là cả một quá trình, phối hợp với công an, địa phương...rất thận trọng, thậm chí có việc phải báo cáo cả Ban chỉ đạo thi hành án cấp tỉnh, thành phố.

* Lấy phiếu tín nhiệm phải đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, tránh “lợi ích nhóm”

Trước đó, sáng 10-11, phiên thảo luận được truyền hình, truyền thanh trực tiếp của các đại biểu Quốc hội tại hội trường đã đề cập đến nhiều góc độ trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu trong giờ nghỉ giải lao
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu trong giờ nghỉ giải lao

Đáng chú ý, khác với đề xuất trong dự thảo, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng cần quy định lại mức độ đánh giá tín nhiệm, bỏ điều khoản “không có ý kiến” với lý do, đại biểu của nhân dân phải luôn có chính kiến trước mỗi sự quan tâm của cử tri.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh đến nguyên tắc lấy tổ chức phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh triệt để việc lợi dụng vào “lợi ích nhóm”, tư thù cá nhân và không để các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất đoàn kết toàn dân. Mục đích lấy phiếu tín nhiệm phải duy trì tình đoàn kết với tinh thần cùng tiến bộ, không được trục lợi vào các mục tiêu cá nhân. Ngoài trách nhiệm, người được lấy phiếu tín nhiệm phải chấp hành nhiệm vụ nơi cư trú. Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng nhằm làm rõ thêm trách nhiệm cá nhân của người được lấy phiếu trước Quốc hội, HĐND, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy Nhà nước.

Các đại biểu cho rằng, Nghị quyết ra đời sẽ góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của dân, do dân, vì dân đồng thời bám sát tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4. Nghị quyết cũng là sự cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, thể hiện trách nhiệm của Quốc hội được cử tri và nhân dân giao phó.

* Thể hiện rõ chính kiến của người đại biểu nhân dân

Dự thảo Nghị quyết quy định có 4 mức trên phiếu lấy tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn là: “Tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm thấp” và “chưa có ý kiến”. Tuy nhiên, bàn về nội dung này, đa số các ý kiến tại phiên thảo luận không đồng tình với quy định như trong dự thảo mà kiến nghị bỏ mức đánh giá “chưa có ý kiến”. Các đại biểu lý giải: quy định như vậy chưa phù hợp, đại biểu nhân dân được nhân dân bầu ra, phải có trách nhiệm thể hiện chính kiến đối với những vấn đề mà cử tri quan tâm.

Nhiều đại biểu lập luận, mỗi đại biểu được cử tri bầu ra phải thể hiện trách nhiệm dân chủ đại diện cho nhân dân, phải có chính kiến trước mỗi vấn đề được nhân dân quan tâm. Không nên để mục "đại biểu không có ý kiến" trên bảng điện tử, điều này sẽ khiến cử tri không hài lòng. Các đại biểu kiến nghị chỉ nên quy định 3 mức độ đánh giá trong Nghị quyết bao gồm: Tín nhiệm cao, tín nhiệm trung bình, tín nhiệm thấp. Cũng có ý kiến đề xuất chỉ nên để hai mức độ: tín nhiệm, không tín nhiệm để đỡ phức tạp cho khâu kiểm phiếu, đồng thời bổ sung mức tỷ lệ phần trăm trên tổng số phiếu để làm cơ sở đánh giá, vì quy định thế nào là mức tín nhiệm trung bình, cao, thấp khó kiểm định thực thi trên thực tế.Việc quy định m ức độ tín nhiệm c ũng cần phải đảm bảo tính thống nhất ở cả Quốc hội và HĐND.

* Thông tin đa chiều khi lấy phiếu tín nhiệm

Lập luận việc lấy phiếu tín nhiệm liên quan mật thiết đến sinh mệnh chính trị của đối tượng được lấy phiếu, các đại biểu cho rằng, cần tập hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, có sự kiểm định, kiểm chứng của các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền trước khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Trong đó có việc tập hợp ý kiến cử tri thông qua Mặt trận Tổ quốc; Báo cáo đánh giá công tác cá nhân; Báo cáo xác minh, kiểm tra của cơ quan có trách nhiệm về những vấn đề nổi cộm; Nhận xét đánh giá của Đoàn đại biểu, tổ đại biểu về người được lấy phiếu. Đại biểu đề nghị, Nghị quyết cần quy định rõ việc lấy phiếu tín nhiệm phải qua tổ chức điều tra dư luận xã hội hàng năm được thực hiện bởi các cơ quan như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Khoa học xã hội để có thông tin chính xác.

Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm đến nội dung phạm vi lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Nhiều ý kiến tán thành với quy định về phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm bao gồm toàn bộ những người do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn như trong dự thảo Nghị quyết. Quy định như vậy bảo đảm phù hợp với tinh thần của Nghị quyết trung ương 4. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm nên làm thí điểm, không nên tràn lan, tránh hình thức, vì vậy không nên mở rộng phạm vi người được lấy phiếu tín nhiệm ra tất cả những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bao gồm cả thành viên Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội…

Cũng liên quan đến nội dung này, nhiều đại biểu đề nghị không nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên kiêm nhiệm công tác tại các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội, vì đa số những người này đều là người đứng đầu các cơ quan chuyên môn của các địa phương, ngành nên không thể có nhiều thời gian dành cho hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Do đó, không có căn cứ để đánh giá hiệu quả hoạt động.

Thứ hai, ngày 12-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

PV (tổng hợp)

 

Tin xem nhiều