Báo Đồng Nai điện tử
En

Quốc hội thông qua dự án Luật Thủ đô

09:11, 21/11/2012

Tiếp tục kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, chiều 21-11, các đại biểu làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua dự án Luật Thủ đô.

Tiếp tục kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, chiều 21-11, các đại biểu làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua dự án Luật Thủ đô.

Luật Thủ đô đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với 75,7% đại biểu có mặt tán thành. Luật gồm 4 chương, 27 điều quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô và có hiệu lực từ ngày 1-7-2013.

Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về Luật Thủ đô
Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về Luật Thủ đô

Theo đó, Luật quy định biểu tượng Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Về quy hoạch thủ đô, Luật quy định việc xây dựng và phát triển thủ đô phải theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô, phải bảo đảm xây dựng thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Thủ đô với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng thủ đô và cả nước.

Luật cũng cơ bản giữ nguyên điều kiện đăng ký thường trú như quy định của Luật cư trú đối với các trường hợp được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, về ở cùng với người thân hoặc trước đây đã từng có hộ khẩu trong nội thành...

Với những trường hợp khác muốn đăng ký thường trú ở nội thành phải có điều kiện tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở, bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản cho đăng ký thường trú vào nhà thuê của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê.

Luật cho phép Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn không quá 2 lần đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong 3 lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng. Tuy nhiên, Luật bỏ nội dung quy định cho phép Hà Nội thu một số loại phí cao hơn trong lĩnh vực giao thông vận tải. Còn các mức thu phí cụ thể thì Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định cụ thể trên cơ sở hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

* Cũng trong buổi chiều, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật phòng, chống khủng bố.

Đa số các đại biểu đều tán thành với tên gọi và sự cần thiết ban hành dự án luật phòng, chống khủng bố nhằm thể chế các quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc cho công tác phòng, chống khủng bố và tài trợ khủng bố phù hợp với tình hình thực tiễn của nước ta; thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố và tài trợ khủng bố mà không để phương hại đến lợi ích quốc gia.

Quốc hội thông qua Luật thủ đô
Quốc hội thông qua Luật thủ đô

Về trách nhiệm, quyền hạn của người chỉ huy chống khủng bố, đa số các đại biểu cho rằng dự thảo Luật quy định về trách nhiệm, quyền hạn của người chỉ huy chống khủng bố là quá lớn. Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) cho rằng người chỉ huy phòng, chống khủng bố là người tổ chức chỉ huy trực tiếp thi hành chống khủng bố do đó thẩm quyền của người chỉ huy phải phù hợp. Quy định trong luật là rộng, chưa phù hợp với thực tiễn, dễ tạo ra sơ hở, dẫn đến lạm quyền, vi phạm quy định pháp luật. Đại biểu chỉ ra: Người chỉ huy chống khủng bố có quyền quyết định áp dụng một số biện pháp được quy định tại khoản 2 Điều 29 là khó khả thi, không phù hợp với vị trí chỉ huy của mình, đồng thời không thống nhất với các quy định hiện hành về thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp đặc biệt trong tình trạng khẩn cấp, thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp cần thiết khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp. Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) đề nghị cần xác định rõ ai là người chỉ huy phòng, chống khủng bố trong luật và mối quan hệ của người chỉ huy phòng, chống khủng bố các bộ, ngành, địa phương với ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố. Đại biểu Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) cho rằng để tránh lạm dụng quyền hạn của người chỉ huy, dự án luật cần quy định người chỉ huy phòng, chống khủng bố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những quyết định của mình.

Đối với quy định về lực lượng chuyên trách thực hiện chống khủng bố, một số đại biểu cho rằng, việc thành lập ban chỉ đạo về phòng, chống khủng bố sẽ tạo ra sự chồng chéo, nên giao cho các đơn vị chủ lực sẵn có, củng cố lực lượng để thực hiện nhiệm vụ khi cần thiết, nhất là các đơn vị như: quân đội, an ninh, cảnh sát cơ động, đặc nhiệm... Các đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu lại các điểm tại điều 10,11, 12 để bảo đảm thống nhất với nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã được pháp luật quy định.

Xung quanh quy định về ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố, theo các đại biểu đề nghị, nên quy định ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia, bộ, ngành, tỉnh, thành phố ngay trong luật là cần thiết, tránh tình trạng khi cần thiết mới thành lập...

Thứ năm, ngày 22-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường; buổi sáng, biểu quyết thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và thảo luận về dự án Luật hòa giải cơ sở; buổi chiều, thảo luận về dự án Luật giáo dục quốc phòng-an ninh, họp riêng để nghe báo cáo về tình hình biển Đông.

P.V (tổng hợp)

Tin xem nhiều