Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 4, ngày 7-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.
Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 4, ngày 7-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.
Đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai chiếm gần 70% tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có tới gần 50% đơn khiếu nại của công dân là hoàn toàn đúng và có đúng có sai - báo cáo Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày nêu rõ. “Qua đó có thể thấy việc khiếu nại, tố cáo của công dân là có cơ sở, việc ra quyết định hành chính về đất đai của các cấp chính quyền còn nhiều thiếu sót. Nếu không chỉ đạo kịp thời, triệt để khắc phục thì sẽ tác động đến tâm lý xã hội. Mất niềm tin là mất tất cả” - đại biểu Nguyễn Thị Khá (tỉnh Trà Vinh) nhận định.
* Chính sách thiếu ổn định
Nhiều đại biểu đồng tình với nhận định giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một trong những nguyên nhân của tình hình khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính về đất đai hiện nay là do chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, thiếu tính ổn định, chưa đồng bộ, có những quy định chưa sát thực tế, thiếu cụ thể.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tại phiên thảo luận ở hội trường chiều 7-11. |
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Minh Quang, cùng với Luật Đất đai có khoảng 20 luật và nhiều văn bản khác liên quan đến luật này. Theo thống kê, có khoảng vài ba trăm văn bản liên quan đến quản lý đất đai. “Từ đó làm cho việc thực hiện vô cùng khó khăn. Một ma trận trong các văn bản hướng dẫn thi hành đã khiến cơ sở rối khi thực hiện” - đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (tỉnh Kiên Giang) nhận định.
Trước thực trạng trên, yêu cầu cấp thiết là sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp của Luật Đất đai phù hợp với quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tố tụng hành chính; quy định rõ các quyền đại diện của chủ sở hữu và quyền thống nhất quản lý của Nhà nước; tạo khung pháp lý thống nhất trong việc giải quyết khiếu nại chính đáng để người dân yên tâm. Đại biểu Trần Văn Tấn (tỉnh Tiền Giang) khẳng định: “Khi chính quyền cơ sở làm tốt nhiệm vụ của mình thì khiếu nại, tố cáo sẽ giảm”.
* Chênh lệch lớn về giá đất
Theo các đại biểu, các chính sách liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất qua các năm thay đổi theo hướng có lợi cho người dân gây so bì về quyền lợi giữa những người dân có đất bị thu hồi tại thời điểm trước và sau khi có chính sách mới.
Hôm nay 8-11, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013; buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự án Luật Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai và Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi). |
Trên thực tế, giá đất đền bù tại nhiều nơi chưa sát giá thị trường; có sự chênh lệch lớn giữa giá Nhà nước bồi thường và giá do nhà đầu tư thỏa thuận với người dân; giá đất tại các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giá đất nội thị, ngoại thị trong cùng một đô thị; giá đất giữa đô thị và nông thôn trong cùng một tỉnh còn có sự chênh lệch lớn, có một số nơi chênh lệch quá lớn. Đại biểu Khúc Thị Duyền (tỉnh Thái Bình) dẫn chứng: “Giá đền bù cho đất nông nghiệp thấp, người dân chưa yên tâm, chưa nhất trí với giá đất mà nhà đầu tư đền bù. Trong cùng một dự án, chỉ cách một con mương nhưng giá đất đền bù đã chênh lệch nhau 5 lần”.
Trong nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, ông Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung việc quy định giá đất bảo đảm nguyên tắc phù hợp cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; khung giá đất, bảng giá đất theo hướng ổn định và chỉ điều chỉnh khi thị trường biến động (có thể tăng, giảm 15-20%); công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quy định rõ trình tự cưỡng chế thu hồi đất, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về đất đai.
* Cán bộ còn đùn đẩy, né tránh
Hầu hết các ý kiến của đại biểu và lãnh đạo các bộ, ngành đều cho rằng: chính sự yếu kém trong công tác tổ chức, thi hành pháp luật về đất đai, thiếu công khai minh bạch là nguyên nhân quan trọng làm cho tình hình khiếu nại, tố cáo về đất đai diễn biến phức tạp. Cụ thể: việc bồi thường, hỗ trợ còn chưa kịp thời, thiếu công bằng, thiếu công khai, dân chủ; công tác tái định cư, giải quyết các chính sách cho người dân có đất bị thu hồi làm chưa tốt, chưa quan tâm giải quyết các lợi ích chính đáng của người dân; một số dự án sau khi giải tỏa bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí tài nguyên đất đai, nhất là những vùng đất trồng cây có giá trị kinh tế, mang lại hiệu quả cao; tình trạng giao đất trái thẩm quyền; giao đất, cho thuê đất không đúng đối tượng, không đúng quy hoạch; sử dụng tiền thu từ quỹ đất công ích trái quy định của pháp luật…
Phải giảm tình trạng khiếu kiện Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các cơ quan có trách nhiệm chưa tốt, chưa thực chất và chưa đi vào chiều sâu. Do vậy, hiểu biết và ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về đất đai và khiếu nại, tố cáo của một bộ phận người dân còn hạn chế; một số còn lợi dụng quyền khiếu nại tố cáo để kích động, lôi kéo khiếu kiện đông người gây áp lực cho các cơ quan nhà nước. Chính vì thế, thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục tổ chức triển khai công việc theo hướng tập trung thực hiện các biện pháp chấm dứt khiếu nại công dân trên tinh thần bảo đảm về chất lượng và ổn định được tình hình. Phấn đấu từ nay đến cuối năm hoàn thành cơ bản theo tiến độ Quốc hội đề ra nhưng đảm bảo chất lượng, làm sao hạn chế tiếp khiếu tối đa. “Hạn chế tiếp khiếu có hai hình thức, khi đối thoại làm rõ thì người dân tự nguyện chấm dứt khiếu kiện; thứ hai, khi đã xem xét đúng pháp luật, thấu lý đạt tình rồi thì công bố công khai chấm dứt khiếu kiện” - ông Huỳnh Phong Tranh nói. |
Các ý kiến cũng khẳng định: công tác tiếp dân, hòa giải cơ sở chưa được quan tâm; một bộ phận cán bộ thực thi công vụ thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức; đùn đẩy trách nhiệm trong quá trình xem xét giải quyết vụ việc... Đại biểu Hồ Thị Thủy (tỉnh Vĩnh Phúc) dẫn chứng: “Cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đất đai, giải quyết về khiếu nại tố cáo, tranh chấp về đất đai vừa yếu vừa thiếu. Có nơi còn có thái độ vô cảm, bàng quan với những bức xúc của nhân dân”.
Nghiêm túc nhìn nhận lại nguyên nhân gây nên tình trạng khiếu kiện tồn đọng, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhận định: “Phải xem lại trách nhiệm của một số nơi giải quyết chưa đầy đủ về mặt trách nhiệm. Vừa qua phát hiện đùn đẩy, tránh né, giải quyết không đến nơi, đến chốn, kéo dài, vừa gây bức xúc cho người khiếu nại, vừa gây bức xúc cho xã hội”.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Nguyễn Minh Quang: “Qua thực tế tôi thấy cũng có những vụ việc thật ra ở địa phương có thể là chưa được biết nhưng người dân đưa lên Trung ương và Chính phủ có thể giao sang Bộ Tài nguyên - môi trường xem xét. Tôi cho rằng phải làm tốt từ dưới theo thẩm quyền sau đó mới giải quyết trên này”. Đại biểu Nguyễn Thái Học (tỉnh Phú Yên) cho rằng: “Chính phủ cần ban hành quy định cán bộ lãnh đạo các cấp chính quyền có nghĩa vụ chủ động tiếp xúc đối thoại với dân, xem đây là một trong những yêu cầu đổi mới phong cách, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ công chức, đồng thời có sự đổi mới trong quy trình thủ tục xem xét việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai theo hướng tăng cường tiếp xúc đối thoại với các đối tượng có liên quan đến khiếu nại. Xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức từ khi tiếp nhận thụ lý đơn thư đến khi ra quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm đạt kết quả cao nhất và góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân”. |
Lâm Viên (tổng hợp)