ngày 19-11, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai sửa đổi.
52 ý kiến thảo luận của các đại biểu (ĐB) Quốc hội đã được nêu ra trong phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai sửa đổi diễn ra ngày 19-11 do Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành. Rất nhiều ý kiến quan tâm đóng góp, trong đó nhiều nhất vẫn là các vấn đề về giá đất, chính sách đền bù, khái niệm sở hữu…
Một trong những thay đổi được quan tâm nhất trong dự thảo mới lần này là luật dùng khái niệm “giá đất phù hợp với giá thị trường” thay cho “sát giá thị trường” như trước. Nhiều ĐB tỏ ra không đồng tình.
Quy định về giá đất một cách rõ ràng sẽ bớt làm méo mó thị trường bất động sản. Ảnh minh họa: V.Lâm |
Giá thị trường là gì?
ĐB Lê Trọng Sang (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, dù trước nay luật luôn đưa ra quy định là phải bồi thường cho dân sát giá thị trường, song thực tế luôn thấp hơn nhiều, dẫn đến khiếu kiện tràn lan. Điều này bắt nguồn từ sự mơ hồ của cụm từ “sát giá thị trường”. “Nay luật mới sửa cụm từ này thành “phù hợp với giá thị trường”, tôi cho rằng cũng không mấy sáng sủa. Nó có khác gì với “sát giá thị trường? ” - ĐB Sang nêu câu hỏi.
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 20-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thông qua các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật Xuất bản (sửa đổi). Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi). |
Khái niệm này cũng được ĐB Nguyễn Công Bình (tỉnh Yên Bái) góp ý trong phần nêu ý kiến thảo luận của mình ở phiên họp buổi chiều. Theo ĐB, khiếu nại về đất đai hiện chiếm đến 70% số vụ khiếu nại, khiếu kiện trên cả nước, trong đó chủ yếu là do giá đất áp dụng chưa hợp lý. Cũng theo ĐB, Luật Đất đai hiện hành quy định giá đất bồi thường phải “sát giá thị trường”, dự thảo Luật mới sửa thành “phù hợp giá thị trường”. Hai khái niệm này là “lờ mờ như nhau”. “Cần có tiêu chí rõ, ai quy định giá thị trường, ai thẩm định mức giá đó cho người dân ?” - ĐB Bình nhấn mạnh.
ĐB Lê Thị Công (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận định: hiện khung giá cho Chính phủ quy định, bảng giá đất do địa phương công bố hàng năm theo nguyên tắc sát giá thị trường trong điều kiện bình thường là khó khả thi. Theo bà Công, để xác định được sát giá thị trường thì cần phải tổ chức hội đồng thẩm định khách quan. Không nên quy định xác định giá đất sát giá thị trường trong điều kiện bình thường mà phải dựa vào giá phổ biến trong thị trường, dựa trên các hợp đồng, tham khảo đơn vị định giá độc lập.
Nhiều ĐB khác cũng cho rằng, cần có cơ chế định giá sát thị trường, theo đó coi giá thỏa thuận trung bình các dự án thuộc diện thỏa thuận (trong khu vực, có điều kiện tương tự) làm căn cứ để có giá công bằng cho cả trường hợp Nhà nước thu hồi lẫn nhà đầu tư thỏa thuận.
Sao chỉ quy định quyền mà không có nghĩa vụ?
Khái niệm sở hữu đất đai cũng được đa số ý kiến thảo luận, góp ý tại nghị trường. ĐB Đỗ Văn Vẻ (tỉnh Thái Bình) cho rằng, nếu vẫn quy định đất đai thuộc sở hữu Nhà nước thì vẫn chưa có thay đổi đáng kể về quyền lợi và trách nhiệm. Trên thực tế, các quyền lợi và nghĩa vụ đối với đất ở đã thuộc về người dân từ lâu nhưng chưa được Nhà nước công nhận. ĐB này đề nghị Quốc hộicân nhắc lại điều 14, theo đó đất ở nên thuộc sở hữu người dân, các loại đất khác thuộc sở hữu Nhà nước.
ĐB Bùi Mạnh Hùng (tỉnh Bình Phước) cũng đề nghị Luật Đất đai mới phải làm rõ khái niệm sở hữu toàn dân. Trong đó, nêu cụ thể Nhà nước đại diện là đại diện ra sao? Khi thực thi quyền đại diện này thì quyền nào thuộc địa phương, quyền nào thuộc Quốc hội và Chính phủ? Vấn đề nào thuộc quyền người dân? ĐB Hùng cho rằng, cần phải quy định cụ thể quyền lợi của cả các bên.
Tương tự, ĐB Lê Văn Lai (tỉnh Quảng Nam) cũng đề xuất, cần xác định quyền sở hữu đất đai trên cơ sở hết sức coi trọng lợi ích của nhân dân (gắn với mảnh đất). “Phải thừa nhận quyền sử dụng đất với tư cách là quyền sở hữu tài sản. Trước đây, dù không công nhận điều này nhưng thực tế diễn ra đúng như thế, đất là tài sản quý giá có thể mua bán, trao đổi, thừa kế, hiến tặng… dù không chính danh. Chính sự không chính danh dẫn đến nhiều khúc mắc và tiêu cực” - ĐB Lai kết luận.
Trong mối quan hệ Nhà nước - người dân ở khía cạnh người chủ và người đại diện, nhiều ĐB cho rằng dự thảo luật mới chỉ quy định về quyền của Nhà nước với tư cách là người đại diện chủ sở hữu toàn dân, chưa quy định nghĩa vụ của Nhà nước với tư cách là người được nhân dân giao quyền đại diện và cũng là một chủ thể sử dụng đất. Mặt khác, cần có cơ chế để nhân dân tham gia giám sát việc thực thi các quyết định về đất đai. Cần quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, địa phương và sự phối hợp giữa các cơ quan này. Các bất cập trong quản lý Nhà nước về đất đai phần lớn xảy ra tại địa phương. Do vậy, cần làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp địa phương.
Thu hồi phải kèm sinh kế
Vấn đề thu hồi đất ở các dự án phải gắn liền với việc sinh kế của người dân được nhiều ĐB quan tâm. Theo đại biểu Đoàn Ngọc Vinh (tỉnh Hải Phòng) thì điều quan trọng mà người có đất bị thu hồi quan tâm nhất là cuộc sống của họ ra sao khi đất, nhà bị thu hồi thì dự thảo luật lại chưa tính đến một cách cụ thể và chỉ quy định chung chung: Trường hợp bố trí vào khu tái định cư thì khu tái định cư phải bảo đảm có điều kiện kỹ thuật, hạ tầng xã hội bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, không để người dân bị bần cùng hóa sau khi đất đai bị thu hồi.
Đa số ý kiến tại nghị trường cũng đều đề nghị quy định chặt chẽ việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan, công bằng và đúng pháp luật. Người có đất bị thu hồi được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, đảm bảo đời sống. Ngoài ra, giải quyết việc làm cho người dân nông dân có đất bị thu hồi phải được thực hiện nghiêm túc, bài bản, tránh hình thức; có thể có cơ chế hoán đổi đất cho phù hợp với từng địa bàn hoặc chuyển thành cổ phần trong dự án được đầu tư.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị làm rõ căn cứ quy định thu hồi đất vào mục đích lợi ích công cộng và phát triển kinh tế - xã hội. ĐB Huỳnh Thành (tỉnh Gia Lai) đề nghị nên quy định đối với các dự án về kinh tế quy mô nhỏ và vừa thì để người có đất bị thu hồi và người đầu tư thỏa thuận.
Nhiều ĐB cũng đề nghị sử dụng khái niệm “trưng mua quyền sử dụng đất” thay cho “thu hồi đất” vì quyền sử dụng đất là tài sản, khái niệm “thu hồi đất” chỉ dùng đối với trường hợp vi phạm pháp luật đất đai.
ĐB Dương Hoàng Hương (tỉnh Phú Thọ) cho rằng, Nhà nước phải có vai trò trong điều tiết chênh lệch giá đất trước và sau khi thu hồi để tránh khoản chênh lệch rơi vào chủ đầu tư một cách không công bằng. Do đó, ĐB đề nghị dự thảo cần xác định cơ chế tài chính sử dụng khoản chênh lệch này theo hướng Nhà nước để lại một phần thỏa đáng trực tiếp đầu tư vào cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội ngay tại khu có đất bị thu hồi.
Vi Lâm
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai Trương Văn Vở: Về cơ chế thu hồi đất, để bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và nhà đầu tư, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong thu hồi đất, hạn chế tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, tôi đề nghị bổ sung rõ về nguyên tắc thu hồi đất theo hướng hoán đổi đất, kể cả đất dự án và đất ở. Thực hiện tái định cư phải đi trước một bước, có nghĩa là công bố quyết định thu hồi đất thì phải đồng thời công bố quyết định về bố trí tái định cư. Về hạn mức giao đất, hạn mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình và cá nhân, hạn mức giao đất nông nghiệp vẫn quy định như Luật Đất đai hiện hành nhưng trong thực tế, người sử dụng đất được giao đất không quá 10 hécta trồng cây lâu năm đối với đồng bằng, sau đó chuyển sang trồng cây hàng năm thực tế đã gây khó khăn vướng mắc trong quản lý. Do đó, tôi đề nghị giữ hạn mức giao đất nông nghiệp tối đa, không phân biệt hạn mức giao đất cây hàng năm và cây lâu năm. Về hạn mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, tôi đề nghị giữ nguyên hạn mức hiện nay, nhưng cần ràng buộc điều kiện cụ thể để tránh đầu tư đất đai thông qua việc khuyến khích người có nhu cầu sử dụng đất, diện tích lớn hơn hạn mức đất nông nghiệp phải thuê lại đất của nông dân được giao quyền sử dụng đất. P.V (ghi) |