Tiếp theo buổi làm việc chiều 15-11, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIII đã dành trọn ngày 16-11 để tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi.
Tiếp theo buổi làm việc chiều 15-11, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIII đã dành trọn ngày 16-11 để tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi.
* Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp
Tại buổi thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi cần tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vị trí, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.
Đại biểu QH tỉnh Thanh Hóa Lê Nam |
Theo đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa), bản dự thảo đã có những nội dung đổi mới thể hiện rõ bản chất mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, lần đầu tiên khẳng định trách nhiệm của mình trước nhân dân. Tuy nhiên, việc sửa đổi Hiến pháp phải quy định rõ ràng các chế định pháp lý về Đảng Cộng sản Việt Nam; về bản chất, nội dung, phương thức lãnh đạo, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của Đảng, của tổ chức Đảng, đảng viên trước đất nước, trước nhân dân và trước pháp luật. Đại biểu Lê Nam lập luận, việc quy định như vậy nhằm làm rõ, khẳng định hơn về vị thế, vị trí của Đảng. Mặt khác, đó cũng là công cụ pháp lý cực kỳ quan trọng ngăn chặn sự suy thoái, tự diễn biến của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, không để tổ chức, cá nhân nào đứng lên trên, đứng ra ngoài Hiến pháp, pháp luật.
Về nội dung này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, có 3 chủ thể cần được quy định trong Hiến pháp: Đảng Cộng sản Việt Nam; các tổ chức của Đảng và đảng viên. Đại biểu Nghĩa đề nghị bổ sung Điều 4, "Đảng, các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật".
* Cân nhắc việc liệt kê các thành phần kinh tế
Nội dung quy định về chế độ kinh tế thu hút nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là việc liệt kê các thành phần kinh tế trong dự thảo: Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và các hình thức kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Chưa đồng tình với quy định này, đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) đặt vấn đề, cốt lõi tiêu chí quan trọng nhất để phân định các thành phần kinh tế đó là với một hình thức sở hữu có một thành phần kinh tế. Vì vậy, không nên phân định thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài như trong dự thảo.
Cho rằng Hiến pháp chỉ nên quy định mang tính khái quát, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) đề nghị chỉ nên quy định: “Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài hợp tác bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật” mà không nên liệt kê.
* Đảm bảo tính độc lập của Kiểm toán Nhà nước
Vai trò, vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước cũng là một nội dung được nhiều đại biểu góp ý và coi đây là công cụ mạnh mẽ để kiểm toán các vấn đề về tài chính và nguồn lực của đất nước, phòng chống tham nhũng, quản lý, giám sát việc sử dụng ngân sách Nhà nước.
Thống nhất cao về việc đưa thiết chế kiểm toán vào Hiến pháp, đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre)
Đại biểu QH TP.Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa |
đề nghị phải làm rõ địa vị pháp lý của cơ quan này, theo hướng là cơ quan để hoạt động và giúp cho Quốc hội trong việc thực hiện quyền lực về tài chính tiền tệ.
Nêu quan điểm phải đảm bảo tính độc lập trong tổ chức hoạt động kiểm toán, đại biểu Bùi Đức Thụ cho rằng, cần cân nhắc việc rút ngắn nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán nhà nước từ 7 năm xuống còn 5 năm. Theo đại biểu Thụ, thông lệ quốc tế quy định nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán dài hơn so với nhiệm kỳ Quốc hội để đảm bảo tính khách quan trong việc kiểm tra, giám sát công tác quản lý sử dụng nguồn lực tài chính công.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị thành lập kiểm toán Nhà nước như một chế định độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, không song trùng trực thuộc để đảm bảo tính độc lập của hoạt động kiểm toán; đồng thời làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm toán không chỉ kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính, tài sản, mà còn các nguồn lực khác của quốc gia.
Đồng tình với quy định về kiểm toán nhà nước như dự thảo, đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đề nghị bổ sung quy định về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm toán nhà nước theo hướng là cơ quan chuyên môn do Quốc hội thành lập để giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong việc xem xét, quyết định ngân sách nhà nước, trong việc thẩm tra dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách nhà nước, dự toán các công trình quan trọng của quốc gia.
* Xác định rõ quyền của nhân dân trong Hiến pháp
Nhiều ý kiến đóng góp trong ngày làm việc đề nghị nội dung dự thảo phải khẳng định quyền lực nhân dân trong việc xây dựng, thực hiện, bảo vệ Hiến pháp. Hiến pháp phải có cơ chế bảo vệ quyền con người, các quyền cơ bản của công dân; nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước.
Viện dẫn thời gian qua, qua công tác kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp đã phát hiện nhiều văn bản của các bộ, ngành, các cấp ở địa phương ban hành có nhiều vi phạm đến quyền cơ bản của nhân dân như: Nhập cư, cấm đăng ký xe máy thứ hai, hạn chế nhập cư vào một số thành phố... đại biểu La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) đặt vấn đề cần phải có một cơ chế bảo đảm việc thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật trên thực tế. Đại biểu La Ngọc Thoáng cũng đề nghị cần làm tốt việc trưng cầu dân ý đối với việc sửa đổi Hiến pháp.
Đại biểu Đỗ Văn Đương phân tích, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân thì mọi hoạt động của các cơ quan, công chức Nhà nước phải phục vụ và vì lợi ích của nhân dân. Theo đại biểu này, tất yếu đòi hỏi phải có cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước để Nhà nước phải làm đúng, làm đủ những gì mà nhân dân đã ủy quyền. Đại biểu Đương đề nghị bổ sung chế định thể hiện sự kiểm soát quyền lực ngay trong mỗi một hệ thống quyền lực.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Đặng Ngọc Tùng phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: TTXVN |
Cũng đề cập đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cho rằng, trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần làm rõ quan điểm được thể hiện trong “Tuyên ngôn độc lập” của Bác Hồ - đó là “Mọi người sinh ra ai cũng có quyền tự do, bình đẳng, mưu cầu hạnh phúc”. Đại biểu đề nghị nên quy định rõ “Mọi người có quyền sống tự do, bình đẳng, hạnh phúc”...
Đáng chú ý, tại phiên thảo luận, có ý kiến cho rằng, việc kiểm soát vấn đề ban hành văn bản pháp quy là một vấn đề rất quan trọng trong cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước; là cội nguồn của lạm quyền và các nhóm lợi ích. Theo quan điểm này, đại biểu Đỗ Văn Đương kiến nghị giao trách nhiệm kiểm soát văn bản quy phạm pháp luật trước đây cho Viện kiểm sát với tư cách là một thiết chế sẵn có để giúp Quốc hội giám sát việc tuân theo pháp luật trong việc ban hành những văn bản có tính chất pháp quy của các cơ quan từ cấp bộ trở xuống. Còn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước giám sát tối cao những văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Viện Kiểm sát tối cao, Tòa án tối cao, cho phù hợp với điều kiện của đất nước về nhân lực, bộ máy và khắc phục tối đa khoảng trống chưa có cơ chế kiểm soát văn bản pháp quy của chính quyền địa phương và cấp bộ hiện nay.
* Làm rõ hơn thiết chế quyền lực của Chủ tịch nước
Liên quan đến quy định về quyền hạn của Chủ tịch nước đối với lực lượng vũ trang và nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, các đại biểu cũng kiến nghị làm rõ hơn nữa nội hàm "thống lĩnh lực lượng vũ trang". Đại biểu đề nghị trong sửa đổi Hiến pháp lần này cần bổ sung thêm các quyền hạn: quyết định tổ chức lực lượng vũ trang; quyết định ban hành lệnh sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân trong chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; nguyên tắc sử dụng lực lượng vũ trang…
Theo TTXVN