Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng/tháng

08:11, 23/11/2012

Sáng 22-11, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã làm việc tại Hội trường biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân (có hiệu lực thi hành từ 1-7-2013) và thảo luận về dự án Luật hòa giải cơ sở...

Sáng 22-11, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã làm việc tại Hội trường biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân (có hiệu lực thi hành từ 1-7-2013) và thảo luận về dự án Luật hòa giải cơ sở...

* Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013

Với đa số tán thành, các đại biểu đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân. Theo đó khoản 4 Điều 1 của Luật quy định: sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 19 như sau: “ 1. Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú. Giảm trừ gia cảnh gồm hai phần sau đây: Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.

Các đại biểu nhấn nút thông qua Luật Thuế thu nhập
Các đại biểu nhấn nút thông qua Luật Thuế thu nhập

Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá tiêu dùng để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.

* Giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ tại địa bàn dân cư

Cũng trong buổi sáng 22-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật hòa giải cơ sở.

Các ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Hoà giải cơ sở trên cơ sở kế thừa quy định của Pháp lệnh hiện hành. Việc xây dựng khung pháp lý cao hơn nhằm điều chỉnh hoạt động hòa giải ở cơ sở sẽ thúc đẩy sự lựa chọn của người dân, sự tham gia cũng như cơ chế phối hợp nhiều bên vào quá trình hòa giải, đặc biệt là vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc; đảm bảo tính linh hoạt, mềm dẻo, góp phần giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ tại địa bàn dân cư. Nhiều ý kiến nhấn mạnh mục tiêu quan trọng nhất của hoạt động hòa giải ở cộng đồng dân cư là góp phần xây dựng tình đoàn kết, ngăn ngừa và xử lý các xích mích, mâu thuẫn chưa đến mức phải xử lý bằng pháp luật hình sự, hành chính hoặc dân sự.

Dự án luật đã bổ sung, hoàn thiện một số quy định mới về chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở; vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc trong hòa giải ở cơ sở; quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên và tổ trưởng tổ hòa giải; trách nhiệm của tổ hòa giải; hoạt động hòa giải ở cơ sở; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Qua thảo luận nhiều ý kiến đề nghị dự án Luật cần phải nhấn mạnh quan điểm không hành chính hóa và tăng cường xã hội hóa đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở. Đồng thời khẳng định bản chất của hòa giải ở cơ sở là hoạt động tự nguyện của người dân, do người dân tự quản, tự quyết định là chính, nên phải tạo điều kiện để người dân phát huy tinh thần, ý thức trách nhiệm đối với các tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ trên địa bàn ngay từ khi mới phát sinh. Mặt trận Tổ quốc và hòa giải viên chủ yếu giữ vai trò trung gian, hỗ trợ, giúp các bên giải quyết tranh chấp, nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho những người làm công tác hòa giải.

Thảo luận về tiêu chuẩn hòa giải viên, nhiều ý kiến cho rằng việc quy định tiêu chuẩn hòa giải viên như dự thảo là cần thiết, nhất là quy định hoà giải viên phải am hiểu pháp luật để trên cơ sở nền tảng pháp luật, đưa ra phân tích thuyết phục, hợp lý, đúng pháp luật đối với các bên trong quá trình hoà giải.

Về nội dung phạm vi hòa giải ở cơ sở (Điều 3), nhiều đại biểu đề nghị nên thiết kế Điều 3 theo hướng loại trừ, chỉ quy định những vụ, việc không được hòa giải ở cơ sở là đủ và dễ hiểu, tránh phức tạp không cần thiết; rà soát các quy định pháp luật hiện hành có liên quan để quy định trong dự án luật các vụ việc không được hòa giải, đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật quy định theo hướng không bầu hòa giải viên mà chỉ lựa chọn, giới thiệu và công nhận hòa giải viên. Vì, việc tổ chức một cuộc họp để bầu hoà giải viên là khó thực hiện, hình thức vì đây không thật sự là những vấn đề bức thiết trong đời sống nhân dân.

* Sự cần thiết ban hành Luật Giáo dục quốc phòng – an ninh

Tiếp tục kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, chiều 22-11, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật giáo dục quốc phòng-an ninh.

Các đại biểu thảo luận tại hội trường
Các đại biểu thảo luận tại hội trường

Các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Giáo dục quốc phòng – an ninh và cho rằng, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong thời gian qua theo chủ trương của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tiễn đang tồn tại những bất cập, làm hạn chế chất lượng, hiệu quả giáo dục quốc phòng - an ninh. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là công tác quản lý nhà nước về giáo dục quốc phòng - an ninh chưa theo kịp với sự vận động của thực tiễn. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về giáo dục quốc phòng - an ninh thiếu đồng bộ, thống nhất, tính pháp lý chưa cao, chưa toàn diện; việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện còn chậm, một số nội dung thiếu rõ ràng gây khó khăn trong thực hiện.

Về giáo dục quốc phòng - an ninh cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, đa số ý kiến các đại biểu cho rằng, hiện nay nội dung chương trình học của học sinh ở các cấp học cũng đang quá tải, cùng với việc đổi mới chương trình dạy và học, vì vậy thời lượng lồng ghép nội dung về quốc phòng - an ninh nên bố trí vừa phải, chỉ lồng ghép khoảng 15% đối với học sinh tiểu học và 20% đối với học sinh trung học cơ sở. Các đại biểu cho rằng, ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung chính sách của nhà nước về đảm bảo kinh phí quốc phòng - an ninh phân bổ cho các địa phương hàng năm theo hệ thống các trường quân sự địa phương để tổ chức các mô hình bổ ích cho các học sinh đạt hạnh kiểm chưa đạt tại cấp tiểu học và hạnh kiểm yếu ở cấp trung học thay cho việc rèn luyện hè tại các trường, góp phần thiết thực cho việc giáo dục học sinh. Đồng thời, có sự nghiên cứu quy định và có chính sách riêng cho giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Xung quanh bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho đối tượng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các đại biểu đề nghị bổ sung thêm các đối tượng là trưởng thôn, bản, ấp, buôn, tổ dân phố, khu phố... và ghi rõ những đối tượng này được bồi dưỡng ở các cơ quan đơn vị để phân biệt với các đối tượng được đào tạo tại trung tâm.

Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận về quy định bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho chức sắc, nhà tu hành tôn giáo; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức về giáo dục quốc phòng - an ninh; đối tượng được miễn môn học giáo dục quốc phòng - an ninh và đối tượng được miễn học kỹ năng quân sự...

Cũng trong buổi chiều, Quốc hội đã nghe báo cáo về tình hình biển Đông

Thứ sáu, ngày 23-11, Quốc hội họp phiên toàn thể hội trường để biểu quyết thông qua một số dự án và họp phiên bế mạc kỳ họp. Phiên bế mạc sẽ được Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp để cử tri và đồng bào cả nước cùng theo dõi.

P.V (Tổng hợp)

Tin xem nhiều