Chiều 8-11, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu tiếp tục thảo luận ở tổ về các dự án: Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai và Luật Khoa học & Công nghệ (sửa đổi).
Chiều 8-11, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu tiếp tục thảo luận ở tổ về các dự án: Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai và Luật Khoa học & Công nghệ (sửa đổi).
* Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động phòng, chống thiên tai
Các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.
Tuy nhiên, về tên gọi, đa số các đại biểu đề nghị lấy tên luật là “Luật Phòng, chống thiên tai”, vì tên gọi này ngắn gọn, đầy đủ, bao quát toàn diện các vấn đề trong hoạt động phòng, chống thiên tai; đồng thời phản ánh và khái quát được những nét chung nhất về bản chất, nội hàm và mục đích của việc ban hành Luật.
Các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao (Ảnh: NT) |
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, nguyên tắc cơ bản trong phòng chống thiên tai là Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, không thể chỉ “hỗ trợ” trong phòng, chống thiên tai như quy định tại dự thảo luật, nhất là trong việc xây dựng năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai, huy động nguồn lực, tổ chức các hoạt động ứng phó, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, bồi thường thiệt hại cho người dân tham gia phòng, chống thiên tai. Chính quyền các cấp phải trực tiếp chỉ huy trong công tác phòng, chống thiên tai, đồng thời phải lồng ghép các các nội dung phòng chống thiên tai vào các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước. Các đại biểu cũng cho rằng, Luật cần bổ sung các điều khoản quy định: Nhà nước có chính sách đồng bộ về đầu tư, huy động nguồn lực và giải pháp tổ chức thực hiện công tác phòng chống thiên tai; quy định về quy hoạch đất ở cho các hộ dân ở các vùng xung yếu, bị ảnh hưởng bởi tác động của thiên tai; tăng cường phương tiện ứng cứu cho nhân dân khi bị thiên tai; có cơ chế huy động các nguồn lực để tu bổ, xây dựng các công trình phòng chống thiên tai có tính trọng điểm; làm rõ trách nhiệm của lực lượng vũ trang và các các cơ quan trong việc tìm kiếm cứu nạn cứu hộ...
Đối với quy định về nguồn lực tài chính cho hoạt động phòng chống thiên tai, các đại biểu cho rằng, Nhà nước cần dự toán ngân sách cho hoạt động phòng chống thiên tai hàng năm bảo đảm đầy đủ và kịp thời ngân sách trung ương và địa phương cho nhiệm vụ này để việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí này được chủ động, đúng mục đích, hiệu quả.
Vấn đề dự báo tình hình thiên tai cũng được nhiều đại biểu quan tâm, vì đây là vấn đề hết sức quan trọng. Do vậy, cần bổ sung quy định: cơ quan chủ trì việc dự báo phải chịu trách nhiệm trước những cảnh báo, dự báo, đánh giá mà mình đưa ra, đồng thời nâng cao năng lực, bảo đảm cảnh báo chính xác, thông tin kịp thời về thiên tai, bão lũ, sóng thần... cho đội ngũ làm công tác dự báo.
* Tạo sự thống nhất, đồng bộ của các văn bản pháp luật về khoa học, công nghệ
Luật Khoa học và Công nghệ (KHCN) hiện hành được ban hành cách đây 12 năm, đến nay, Luật đã bộc lộ một số bất cập về nội dung cũng như hình thức văn bản. Có nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành; nhiều điều, khoản quy định còn chung chung, hiệu lực thực thi pháp luật thấp. Đa số các đại biểu cho rằng, Luật KHCN được sửa đổi, bổ sung sẽ tạo ra sự thống nhất, đồng bộ của các văn bản pháp luật về khoa học, công nghệ; đáp ứng quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại các quy định trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo rõ ràng, minh bạch, tạo cách hiểu thống nhất để thuận lợi trong triển khai thực hiện. Đồng thời, dự án Luật cần cụ thể hóa được những quan điểm lớn về phát triển khoa học, công nghệ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5; thể hiện rõ hơn chủ trương lớn nhất của Đảng và chính sách của Nhà nước là bảo đảm “phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”...
Thế nhưng có đại biểu cho rằng, thực tế trong 12 năm thực hiện Luật, Nhà nước đã dành nhiều đầu tư cho công tác KHCN nhưng vẫn xảy ra tình trạng nhiều cá nhân, tổ chức nhân danh nghiên cứu khoa học để sử dụng tiền đầu tư cho mục đích khác, dẫn đến nhiều công trình "xếp xó", không thể ứng dụng trong thực tế. Đại biểu đề nghị để Luật KHCN (sửa đổi) đi vào cuộc sống, cần tập trung sửa đổi các điều kiện phát triển những công trình thực sự có chất lượng khoa học; quy định chặt chẽ về việc thẩm định chất lượng công trình nghiên cứu khoa học, chú trọng đầu tư cho các công trình có chất lượng, khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân nghiên cứu khoa học. Các đại biểu cũng cho rằng, Nhà nước cần có cái nhìn thông thoáng hơn đối với các nhà tri thức, nhà khoa học ở nước ngoài mong muốn được cống hiến cho sự phát triển của khoa học trong nước, cũng như tạo điều kiện cho tri thức trong nước được giao lưu trong môi trường đa văn hóa, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm ở các nước phát triển trên thế giới. Trong đó, cần có chính sách và cơ chế đãi ngộ đối với các nhà khoa học đầu ngành và các nhà khoa học trẻ có tài năng; quy định cơ chế thu hút nguồn lực và chuyên gia khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam tham gia vào các dự án lớn về khoa học...
Thứ sáu, ngày 9-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Phiên thảo luận sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước cùng theo dõi.
P.V (Tổng hợp)