Báo Đồng Nai điện tử
En

Sáng tạo và hiệu quả (Bài cuối)

09:11, 04/11/2012

Với đặc thù là tỉnh công nghiệp có trên 800 ngàn công nhân lao động, tập trung nhiều đồng bào có đạo, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác ngay từ đầu đã được chú trọng triển khai trong các đối tượng này với nhiều cách làm sáng tạo và hiệu quả.

Với đặc thù là tỉnh công nghiệp có trên 800 ngàn công nhân lao động, tập trung nhiều đồng bào có đạo, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác ngay từ đầu đã được chú trọng triển khai trong các đối tượng này với nhiều cách làm sáng tạo và hiệu quả.

* Học tính nghiêm túc trong công việc của Bác

Ông Cao Văn Hưng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Trảng Bom cho biết, huyện đã chọn mô hình “Xây dựng tác phong công nghiệp” để học và làm theo Bác. Đi làm đúng giờ, chấp hành nội quy, kỷ luật, có trách nhiệm với công việc, bảo quản máy móc, trang thiết bị tại nơi làm việc, học tập nâng cao trình độ… là những điều tưởng chừng như đơn giản, nhưng các công nhân lao động nơi đây đang phấn đấu thực hiện và bước đầu đã tạo được sự chuyển biến tốt. Từ năm 2008 đến nay, tình trạng đình công tự phát của công nhân tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện giảm hẳn so với trước kia.

Công nhân Công ty cổ phần Đồng Tiến có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Ảnh: T.Thúy
Công nhân Công ty cổ phần Đồng Tiến có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Ảnh: T.Thúy

Ở Công ty sản xuất giày dép Bình Tiên (Biti’s), nhiều năm nay Công đoàn cơ sở công ty đã gắn phong trào với mô hình “Cải tiến kỹ thuật, sáng tạo tăng năng suất”. Cán bộ, nhân viên không những sáng tạo mẫu mã giày dép mới đáp ứng thị trường tiêu dùng, mà còn tìm cách tiết kiệm nguyên vật liệu, rút ngắn thời gian sản xuất, tăng năng suất lao động. Những sáng kiến, như: in bề nổi mặt kim tuyến, cải tiến in tem trên nhựa trong, cải tiến công nghệ lót đế… đã làm lợi hàng trăm triệu đồng không chỉ cho công ty mà cho cả người lao động. Tại Công ty cổ phần Đồng Tiến, các sáng kiến lắp “cữ” chân vịt đã giúp cho các công đoạn mổ túi, may diễu, lộn vừa nhanh, thành phẩm vừa đẹp khiến công nhân tăng năng suất và thu nhập. Nhờ vậy, từ 3 năm nay, lợi nhuận trong sản xuất của công ty luôn đạt ở mức 50%, thu nhập bình quân của người lao động khoảng gần 5 triệu đồng/người/tháng.[links(right)]

Tổ chức Công đoàn các cấp cũng không “bỏ quên” người lao động ở các khu nhà trọ. Anh Bùi Quang Trung, Bí thư Đoàn phường Long Bình (TP. Biên Hòa) cho biết, ở địa bàn có đến 1/2 số dân là công nhân ngoại tỉnh như Long Bình thì việc quan tâm xây dựng các mô hình học tập và làm theo gương Bác là điều được quan tâm hàng đầu. Mô hình “Xây dựng nhà trọ văn hóa” đã bước đầu được triển khai ở địa phương, các công nhân nhà trọ tập ý thức giữ gìn vệ sinh khu vực mình ở, tiến đến tham gia Ngày chủ nhật xanh để giữ gìn môi trường cộng đồng. Ở khu ký túc xá của Tập đoàn Phong Thái (huyện Trảng Bom), công nhân lưu trú nơi đây cũng xây dựng mô hình “Phòng văn hóa, hộ gia đình văn hóa”, không chỉ hạn chế được tệ nạn nhậu nhẹt say xỉn gây mất an ninh trật tự mà người lao động còn tích cực tham gia các hoạt động thể dục - thể thao, tư vấn sức khỏe gia đình. Một số khu nhà trọ khác ở Nhơn Trạch, Long Thành cũng kết hợp việc học và làm theo Bác với mô hình “Xây dựng khu nhà trọ văn hóa, không có tệ nạn xã hội”.

Bà Lê Thị Mỹ Lệ, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: việc học và làm theo Bác đã có những ảnh hưởng tích cực, bước đầu tạo một số chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, người lao động. Nhiều cán bộ, công chức, công nhân lao động đã học tập và làm theo Bác, không ngừng phấn đấu học tập, lao động, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức.

* Đồng bào có đạo học và làm theo gương Bác

Ông Phan Trung Lạp, Phó trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) - một địa phương có đến trên 90% là dân có đạo Công giáo cho biết, chủ trương của Đảng ủy là phải triển khai trong các vị chức sắc tôn giáo về tư tưởng Hồ Chí Minh và nhân cách đạo đức của Người. Chính các chức sắc sẽ học tập và làm theo trước, thực hiện phương châm “Sống tốt đời, đẹp đạo”. Từ đó, các mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Nhường cơm sẻ áo” được các vị linh mục thực hiện và phổ biến đến các giáo dân. Trong 5 năm phát động, đồng bào có đạo trong xã đã đóng góp xây dựng được 17 căn nhà tình thương với tổng trị giá gần 400 triệu đồng.

Ở xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch), linh mục Nguyễn Huệ, Chánh xứ giáo xứ Nghĩa Yên cũng vận động đồng bào Công giáo đóng góp thành lập quỹ khuyến học, thường xuyên có 12 suất học bổng (1,5 triệu đồng/suất) để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học. Đã có sinh viên tốt nghiệp đại học nhờ sự quan tâm kịp thời và đầy nghĩa tình ấy. Nữ tu Vũ Thị Trinh thuộc dòng tu Đa Minh (xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc) thì nhận nuôi nấng, chăm sóc những trẻ em bị bỏ rơi, kể cả con, cháu các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, dòng tu cũng vận động đồng bào có đạo đóng góp hơn 120 triệu đồng để xây 8 nhà tình thương, mua đất tặng người nghèo xây nhà 100 triệu đồng, tặng 100 suất học bổng (30 triệu đồng), hỗ trợ 15 xe lăn cho người khuyết tật mưu sinh, hỗ trợ 12 học sinh nghèo học nghề để tự mưu sinh. Giáo xứ Gò Xoài (xã Đại An, huyện Vĩnh Cửu) thì vận động đóng góp 200 triệu đồng tu sửa đường sá cho người dân đi lại được dễ dàng, thuận tiện.

Qua triển khai Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 35-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đến nay đã có 54 đơn vị được chọn làm điểm và triển khai xây dựng các mô hình phù hợp với đặc thù của từng đơn vị. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình với những cách làm hay, mang tính sáng tạo, như: “Việc hôm nay chớ để ngày mai”, “Mỗi ngày phấn đấu làm một việc tốt để mỗi tuần mỗi cá nhân có từ 2 việc làm tốt trở lên, mỗi quý phấn đấu có một công trình sáng tạo có ích cho cộng đồng”, phong trào “Quyết tâm sản xuất - kinh doanh giỏi, xây dựng gia đình no ấm bình đẳng”, “Tháng đọc sách Hồ Chí Minh” hoặc “Đọc một câu chuyện về đạo đức của Bác Hồ trong giờ nghỉ giải lao”, “Làm việc 4 có: có kế hoạch, có khoa học, có sáng tạo và có hiệu quả”, “Tủ áo tình thương”, “Xây dựng phong cách nói ít, viết ngắn, nói đi đôi với làm”,  “Tìm thấy niềm vui trong công việc là sự hài lòng của nhân dân”... Đến nay, đã có 242 tập thể và 537 cá nhân điển hình tiên tiến được biểu dương, khen thưởng.

Không chỉ đồng bào Công giáo, mà các cơ sở thờ tự của Phật giáo và các tôn giáo khác cũng phát động các mô hình tiết kiệm, giúp nhau noi gương Bác. Các chùa Phổ Đà, Phổ Phước (huyện Vĩnh Cửu) hàng năm hỗ  trợ người nghèo hàng trăm triệu đồng. Thượng tọa Thích Thiện Hoằng, trụ trì chùa Linh Hòa (xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc) cho biết, trong 5 năm chùa đã khám và cấp thuốc miễn phí cho 480 lượt người (tổng trị giá 480 triệu đồng), xây dựng gần 10 căn nhà tình thương, phát 822 phần quà (165 triệu đồng) đến người nghèo, vận động 180 triệu đồng ủng hộ đồng bào lũ lụt. Các tu sĩ Tịnh thất Tam Quy (huyện Xuân Lộc) vận động hơn 1 tấn gạo giúp đồng bào Chơro khó khăn. Ông Mohamed Nooru Deen, già làng người Chăm ở xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) thì xây dựng mô hình học Bác để bà con dân tộc Chăm siêng năng, cần mẫn hơn trong lao động và học tập. Đồng bào Chăm cũng tích cực tham gia các mô hình “Heo đất tiết kiệm”, “Giúp nhau thoát nghèo”…

Thanh Thúy

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều