Không chỉ học Bác để chăm lo cho người nghèo được no ấm, ở nhiều địa phương, đơn vị tại Đồng Nai còn xuất hiện các mô hình học và làm theo tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân nhằm làm cho cuộc sống người dân ngày càng tiến bộ hơn.
Không chỉ học Bác để chăm lo cho người nghèo được no ấm, ở nhiều địa phương, đơn vị tại Đồng Nai còn xuất hiện các mô hình học và làm theo tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân nhằm làm cho cuộc sống người dân ngày càng tiến bộ hơn.
Nhiều năm nay, con đường liên ấp từ Tây Kim đến Thanh Bình (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) vẫn được bà con địa phương đặt tên là “con đường đau khổ” bởi đầy những ổ voi, nắng bụi mưa sình. Nông sản thu hoạch được nhưng vận chuyển đi bán khó khăn, còn người dân, nhất là các em học sinh thường bị trượt ngã trên con đường lầy lội, lấm lem cả áo quần. Từ đó, các đoàn viên thanh niên trong xã quyết tâm phải giúp dân khắc phục khó khăn này.
* Thanh niên làm theo lời Bác
Sau khi bàn bạc kỹ, Ban chấp hành chi đoàn ấp Tây Kim và các đoàn viên đã chia nhau đến từng nhà dân vận động hiến đất làm đường. Nhiệt tình thanh niên đã khiến người dân trong xã hưởng ứng hết mình, không chỉ hiến đất mà còn cùng với các đoàn viên đóng góp ngày công, phát quang, đổ đất để con đường sớm hoàn thành. Cuối năm 2010, con đường nhựa mới dài 1,4km trị giá hàng trăm triệu đồng đã hoàn thành trong niềm vui của dân và sung sướng tự hào của các đoàn viên thanh niên ấp Tây Kim.
Mô hình văn minh công sở ở Bảo hiểm xã hội tỉnh. Ảnh: T.THÚY |
Ở xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch), một xã vùng sông nước, kênh rạch chằng chịt, từ nhiều năm nay người dân theo thói quen chỉ làm cầu khỉ bằng những thân đước bắc tạm để đi lại, còn xe máy thì “bó tay”. Anh Trần Hoàng Sự, Phó bí thư Huyện đoàn Nhơn Trạch cho biết, trước khó khăn của người dân, đoàn viên thanh niên trong xã đã quyết tâm phải xây dựng cầu. Đoàn vừa đóng góp, vừa vận động người dân được khoảng 24 triệu đồng để mua vật tư, như: ván, sắt, đinh, thanh thép, còn nhân công thì do 35 đoàn viên tự nguyện làm việc. Cứ như vậy, Đoàn xã đã xây dựng được 2 cầu ván ở ấp 1 và ấp 3, mỗi chiếc cầu có chiều ngang 1,5m, chiều dài khoảng 15m. Việc đi lại nhờ vậy thuận lợi hơn, kể cả đi bằng xe máy, nên người dân trong xã rất phấn khởi.
Bên cạnh đó, đoàn viên thanh niên các địa phương đều có những mô hình giúp dân hiệu quả, như: trồng cây lấy bóng mát cho công viên, che mát các tuyến đường (Đoàn xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất; Đoàn phường Hòa Bình, TP. Biên Hòa); lắp điện kế, bóng đèn tiết kiệm điện cho hộ nghèo (Đoàn xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc), trồng mới vườn cây cao su (Đoàn cơ sở Nông trường cao su Cẩm Đường)...[links(right)]
Đánh giá về các mô hình “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của đoàn viên thanh niên tỉnh nhà, chị Bùi Thị Bích Thủy, Phó bí thư Tỉnh đoàn cho biết, hiệu quả thiết thực từ các mô hình này đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong các hoạt động của tổ chức Đoàn và ngày càng lan tỏa sâu rộng. Chỉ riêng trong năm 2011, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã thực hiện khoảng 1.800 công trình thanh niên với tổng trị giá hơn 40 tỷ đồng. Các phong trào thanh niên xung kích, thanh niên tình nguyện ngày càng thu hút đông đảo giới trẻ ở các địa bàn dân cư, khu nhà trọ, nhà máy, cơ quan đơn vị đều có những hoạt động Đoàn sôi nổi.
* Những nụ cười công sở
“Ngày 29-4: Hôm nay mình được Hội Khuyến học xã kêu gọi giúp đỡ cho sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Như - là sinh viên năm thứ 2 Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Mặc dù đồng lương công chức ít ỏi nhưng mình quyết định sẽ tiếp sức cho em bằng suất học bổng trị giá 1,5 triệu đồng. So với những người giàu có thì số tiền này chẳng thấm vào đâu, nhưng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Hy vọng rằng số tiền nhỏ bé của mình sẽ phần nào giúp em vượt qua khó khăn, mong em sẽ có động lực để học tập tốt hơn…”
“Ngày 7-9: Khi chưa có cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ngày thứ bảy mình chỉ đến cơ quan trực, không cần đến đúng giờ. Nhưng từ khi thực hiện việc viết nhật ký Mỗi ngày một việc tốt, mình đã đi làm ngày thứ bảy sớm hơn, về trễ hơn đảm bảo theo chủ trương 3 đúng: đúng chủ trương, đúng pháp luật, đúng thời gian…”.
Đó chỉ 2 trong số những trang nhật ký “Mỗi ngày làm một việc tốt” của cán bộ, công chức, nhân viên xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch) - một trong những mô hình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của xã. Nội dung của nhật ký có thể là những trăn trở trong công tác chuyên môn hoặc cũng có thể là sự bày tỏ niềm vui từ một việc làm có lợi cho dân được chuyền tay nhau để đọc, để nhắc nhở đồng chí, đồng nghiệp cùng rèn luyện, phấn đấu tích cực hơn nữa trong công việc.
Cũng ở huyện Nhơn Trạch, tại xã Phú Thạnh có mô hình “Mỗi tháng thực hành một chuyên đề về học tập và làm theo tấm gương của Bác” cho toàn thể cán bộ, đảng viên thực hiện. Riêng bộ phận văn phòng một cửa của xã còn thực hiện thêm mô hình “cán bộ tích cực công tác chuyên môn, dân thong thả đọc báo” bằng cách trang bị đầy đủ tại khu vực chờ trả kết quả nước uống, báo ngày, ti vi cho dân trong khi cán bộ chuyên môn tích cực làm việc để đảm bảo giải quyết công việc một cách nhanh nhất. Từ mô hình này, thời gian qua các công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Trong năm 2011, xã đã nhận 2.123 hồ sơ các loại, giải quyết trước hạn 1.917 hồ sơ, số còn lại đều giải quyết đúng hạn, không có một trường hợp nào trễ hạn hay tồn đọng.
Đồng chí Bùi Ngọc Thanh, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy nhận xét, từ các mô hình “Thanh niên làm theo lời Bác”, nhiều công trình rất thiết thực, hiệu quả cao, thể hiện được hoài bão, lý tưởng thanh niên trong thời đại mới đã ra đời, tạo dựng được niềm tin yêu trong các tầng lớp nhân dân. “Học và làm theo tấm gương của Bác không nhất thiết phải là những việc vĩ đại, cao xa mà đôi khi là những việc nhỏ nhưng hiệu quả, thiết thực đối với người dân, như: tạo việc làm cho hộ nghèo, giữ vệ sinh môi trường, trồng cây xanh cho đường phố… Chỉ cần mỗi đoàn viên thanh niên làm một việc theo gương Bác, Đồng Nai sẽ có thêm 200 ngàn điều tốt, cuộc sống mọi người sẽ ngày càng tươi đẹp hơn”, đồng chí Bùi Ngọc Thanh nói. |
Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Cẩm Mỹ lại có mô hình “Nụ cười công sở” nhằm nhắc nhở cán bộ, công chức luôn tôn trọng, hòa nhã, tận tình hướng dẫn thủ tục, giải thích rõ ràng, chính xác, giảm thời gian đi lại cho người dân, đồng thời phấn đấu hoàn thành công việc nhanh, sớm hơn quy định. Nhờ vậy, nhiều năm nay các thủ tục hành chính liên quan đến công tác tài nguyên - môi trường, nhất là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đơn vị luôn đảm bảo hoàn thành tiến độ, góp phần thực hiện thành công đề án cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn huyện.
Có thể nói, sau khi phát động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tại các công sở, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đều có những chuyển biến. Ở nhiều nơi, lãnh đạo địa phương đã thường xuyên xuống địa bàn các ấp, khu phố để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân, cán bộ công chức sắp xếp quy trình làm việc hợp lý, giảm phiền hà cho dân. Phong cách tiếp đón, ứng xử với người dân cũng đã có nhiều chuyển biến. Khảo sát của Trung tâm thông tin công tác tư tưởng (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) trong năm 2011 cho thấy, mức độ hài lòng của người dân đối với các cơ quan, chính quyền Nhà nước chiếm trên 65% (còn lại khoảng trên 20% là không có ý kiến), tăng so với các năm trước. Chính phong trào học và làm theo gương Bác tại các cơ quan, công sở đã góp phần không nhỏ vào sự chuyển biến đó.
Thanh Thúy