Báo Đồng Nai điện tử
En

Triển khai Nghị quyết Trung ương 4: Dựa vào dân để chỉnh đốn Đảng

09:10, 07/10/2012

Từ năm 1986 đến nay, qua các kỳ đại hội, Đảng đều đề ra những chủ trương lớn về chỉnh đốn Đảng, song những hạn chế, yếu kém trong Đảng vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả.

 

Từ năm 1986 đến nay, qua các kỳ đại hội, Đảng đều đề ra những chủ trương lớn về chỉnh đốn Đảng, song những hạn chế, yếu kém trong Đảng vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Câu hỏi đặt ra là: Vì sao công việc chỉnh đốn Đảng lại khó đến thế? Vì sao qua nhiều kỳ đại hội, với nhiều chủ trương, biện pháp, nhiều cuộc vận động, nhiều lần quy định những điều đảng viên không được làm… nhưng đều không đạt yêu cầu? Các “căn bệnh” nguy hiểm ngày càng trầm trọng, lòng tin của dân và cán bộ, đảng viên đối với Đảng và Nhà nước giảm sút, làm suy yếu “cơ thể” Đảng?

* Vì sao phải chỉnh đốn Đảng?

Nghị quyết Trung ương 4 lần này, Đảng ta đã phân tích chỉ ra 5 nguyên nhân của thực trạng ấy. Đó là chủ nghĩa cá nhân; là không tôn trọng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; do những bất cập của cơ chế chính sách; do những hạn chế của công tác tuyên truyền giáo dục; do công tác kiểm tra, giám sát và đấu tranh nội bộ yếu kém.

Quang cảnh hội nghị báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân Ban thường vụ Tỉnh ủy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4.   Ảnh: C. NGHĨA
Quang cảnh hội nghị báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân Ban thường vụ Tỉnh ủy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Ảnh: C. NGHĨA

Đó là những nguyên nhân xác đáng, có thực. Chỉ ra được những nguyên nhân đó, Đảng ta đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc với bản thân, dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật. Điểm mới của nghị quyết lần này là đã bước đầu chỉ ra địa chỉ của những khuyết điểm. Đó là những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả ở cấp cao trong bộ máy Đảng và Nhà nước (mà lâu này chúng ta hay gọi là vùng cấm) và chỉ đạo việc kiểm điểm đảng viên cần tiến hành từ trên xuống dưới.

Có một thực tế là những giải pháp chỉnh đốn Đảng mặc dù được đề ra nhiều lần nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn, giống như con bệnh đã lờn thuốc, làm suy giảm lòng tin của nhân dân về khả năng tự chỉnh đốn trong Đảng. Hơn lúc nào hết, để có thể chỉnh đốn Đảng, cần trở lại tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò lịch sử của nhân dân là “Trong bầu trời này không có sức mạnh nào to lớn bằng sức mạnh của nhân dân” và “dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra”.

* Dựa vào dân để tăng sức mạnh cho Đảng

Đảng ta là Đảng của cả dân tộc, Đảng có trách nhiệm với nhân dân, ngược lại nhân dân cũng phải có trách nhiệm bảo vệ Đảng của mình. Quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân đặt việc chỉnh đốn Đảng không phải chỉ là việc của Đảng, mà còn là việc của nhân dân. Chỉnh đốn Đảng chính là vì dân để Đảng phục vụ nhân dân được tốt hơn, mà do phục vụ nhân dân tốt hơn nên mới giữ vững được vai trò lãnh đạo của Đảng. Ngày nay, chỉnh đốn Đảng là công việc cực kỳ khó khăn, nhưng nếu làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn tâm toàn ý dựa vào nhân dân, từ quan điểm đến cách làm đều dựa vào dân thì “khó trăm lần dân liệu cũng xong”.

Trong bốn nhóm giải pháp được Nghị quyết Trung ương 4 đưa ra, đã nhiều lần đề cập đến vai trò của nhân dân, đặc biệt ở nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng. Nghị quyết nêu rõ: “Định kỳ tổ chức để nhân dân góp ý kiến xây dựng Đảng thông qua MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Đó là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Khai thác thật tốt nguồn lực to lớn trong nhân dân thông qua MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội sẽ làm cho Đảng tăng cường thêm sức mạnh để tiến hành thắng lợi cuộc chỉnh đốn Đảng lần này.

Tuy nhiên, để thực hiện giải pháp trên có hiệu quả, điều quan trọng là Đảng phải phát động được nhân dân đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, phải đưa việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân xây dựng Đảng thành quy định bắt buộc, thường xuyên, tránh làm hình thức. Tổ chức Đảng, đảng viên phải thật sự cầu thị, tôn trọng quần chúng. Những ý kiến góp ý, phê bình của quần chúng đối với đảng viên, tổ chức Đảng cần được ghi chép đầy đủ và kiểm tra, xác minh. Những ý kiến phê bình đúng đắn cần tiếp thu, đưa vào nội dung sinh hoạt chi bộ để đảng viên trong chi bộ biết, có kế hoạch sửa chữa và thông báo cho nhân dân biết. Những góp ý chưa chính xác, những thắc mắc của dân cần được giải thích đầy đủ, kịp thời.

Phải nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tương xứng với chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức. Người đứng đầu MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội phải là người có dũng khí đấu tranh, có tinh thần trách nhiệm, biết khuyến khích, tổ chức quần chúng góp ý, phê bình theo tinh thần thẳng thắn, xây dựng…

 

Vũ Thị Nghĩa                                       

Tin xem nhiều