Báo Đồng Nai điện tử
En

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói về chống vàng hóa

04:10, 31/10/2012

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII vào sáng 31-10, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã nhận trách nhiệm về việc không làm tốt công tác thông tin, truyền thông để phổ biến kịp thời những chủ trương chính sách về quản lý thị trường vàng...

Chống vàng hóa là một trong hai mục tiêu lớn nhất của những chính sách kiểm soát thị trường vàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai thời gian qua.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình - Ảnh: chinhphu.vn
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình - Ảnh: chinhphu.vn

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII vào sáng 31-10, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã nhận trách nhiệm về việc không làm tốt công tác thông tin, truyền thông để phổ biến kịp thời những nội dung về chủ trương chính sách về quản lý thị trường vàng, để tình trạng nhiều thông tin không đầy đủ, chưa chính xác, gây nên cách hiểu không đúng.

* Đề án "chống vàng hóa" đúng hướng

Ông Nguyễn Văn Bình cho biết, thời gian qua, do giá vàng thế giới tăng cao, tình trạng “đô la hóa”, “vàng hóa” nền kinh tế đã bị đẩy lên rất cao. Theo đánh giá chưa chính thức, trong nền kinh tế hiện nay có 300 – 400 tấn vàng, tương đương với nguồn lực khoảng 15 - 20 tỷ USD đã không được đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Khi giá vàng biến động, gây ảnh hưởng đến tỷ giá, thông qua hoạt động nhập khẩu lậu vàng, làm bất ổn cho kinh tế vĩ mô. “Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN thực hiện đúng Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 3 (khóa X) thực hiện nghiêm túc chống đô la hóa, chống vàng hóa nền kinh tế” - Thống đốc cho biết.

Đề án chống vàng hóa của NHNN có 2 mục tiêu chính: Thứ nhất là biến động của giá vàng không làm ảnh hưởng đến tỉ giá, do vậy, sẽ không làm ảnh hưởng đến lạm phát và kinh tế vĩ mô. Thứ hai là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, huy động “ngược” trở lại nguồn lực này cho phát triển kinh tế-xã hội.

Đề án này gồm 3 bước: xây dựng khuôn khổ pháp lý; chấm dứt hoạt động huy động và cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng; chuyển toàn bộ sang quan hệ mua bán. Đến nay về cơ bản đã triển khai được 2 bước. Về khuôn khổ pháp lý, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, Nghị định 95 về xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vàng.

Nghị định 24 chính thức có hiệu lực từ ngày 25-5-2012, đến nay đã có những kết quả rất quan trọng: không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng khi giá vàng tăng cao; dù giá vàng thế giới và trong nước có biến động lớn, nhưng tỷ giá vẫn ổn định, thậm chí hạ. “Như vậy có thể thấy mục tiêu quan trọng nhất của đề án đã được thực hiện với những kết quả cụ thể, có ý nghĩa quyết định” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết.

Bên cạnh đó, từ tháng 5 đến nay, hệ thống ngân hàng đã mua được 60 tấn vàng, hay nói cách khác đã có 60 tấn vàng được chuyển đổi sang tiền để phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội. Điều này thể hiện mục tiêu chặn đứng vàng hóa và huy động vốn trở lại cho nền kinh tế đã được thực hiện.

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã mua được 10 tỷ USD, cùng với 60 tấn vàng (tương đương 3 tỷ USD) đã giúp nền kinh tế có thanh khoản, giảm lãi suất, giảm lạm phát, tăng trưởng đảm bảo ổn định.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, vẫn còn những khuyết điểm trong triển khai các hoạt động kiểm soát thị trường vàng.

* Không làm xáo trộn thị trường vàng

Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, kể từ ngày 25-5-2012, tất cả các đơn vị dập vàng miếng, kể cả công ty SJC, phải chấm dứt hoạt động. Từ thời điểm đó, chỉ có NHNN thực hiện vai trò độc quyền nhà nước được quyền dập vàng miếng.

NHNN chọn mác vàng SJC là mác vàng của NHNN, vì trên thực tế, thương hiệu này chiếm 93 – 95% thị phần vàng miếng toàn quốc. Để tránh sự xáo trộn trên thị trường vàng miếng, tiết kiệm chi phí phải dập lại, NHNN sử dụng và độc quyền nhà nước về mác vàng SJC.

Theo quy định của Nghị định 24, tất cả các thương hiệu vàng miếng đã được cấp phép trước đây vẫn được mua-bán bình thường. Nhà nước không bắt buộc phải chuyển đổi từ mác vàng miếng khác sang mác vàng miếng SJC. “Đây là hai thông tin mà mặc dù thời gian qua chúng tôi đã tích cực phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng xem lại thì thấy còn có nhiều cách hiểu khác nhau, do vậy, trong dư luận còn lo lắng về vấn đề này” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói thêm.

Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi vàng thương hiệu khác sang vàng SJC, NHNN đã khẩn trương nâng cao năng lực kiểm định, giám định theo lô lớn, thậm chí ứng trước vàng SJC cho các bên có nhu cầu, sau đó chuyển đổi sau…

Theo Chinhphu.vn

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích