Tiếp tục ngày làm việc thứ 3, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, sáng 24-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013...
Tiếp tục ngày làm việc thứ 3, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, sáng 24-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013; tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013.
Chiều 24-10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Dự trữ quốc gia |
Tại buổi thảo luận, đa số các đại biểu đều đồng ý với nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động phức tạp và khó khăn, thương mại sụt giảm mạnh, tăng trưởng toàn cầu thấp so với dự báo đầu năm, đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta. Việc thắt chặt tài khóa và tiền tệ để kiềm chế lạm phát là cần thiết, nhưng hệ quả là cầu nội địa giảm mạnh, hàng tồn kho lớn, lãi suất tín dụng tăng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, sản xuất khó khăn.... Những vấn đề này đã đặt ra những thách thức lớn trong lựa chọn chính sách và điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012.
Phần lớn các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình với nội dung báo cáo trình bày tại kỳ họp, tuy nhiên theo một số đại biểu, có một số chỉ tiêu chưa thể hiện cụ thể như vấn đề giảm nghèo, chống tham nhũng... Có ý kiến đề nghị "đánh giá thực trạng yếu kém đang ở mức độ nào trong điều hành kinh tế vĩ mô, nếu chúng ta tìm ra bệnh thì sẽ có thuốc". Chính phủ cần phải xác định lĩnh vực nào yếu kém, bổ sung thêm phụ lục các chỉ tiêu... trên cơ sở như vậy mới có thuốc trị bệnh đúng. Ngoài ra, trong báo cáo năm 2012 và 2013 phải chú ý đến tính bền vững. Cụ thể, vấn đề tái cơ cấu ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước do chưa có giải pháp cụ thể nên chưa hiệu quả; vấn đề giải quyết nợ xấu cần có giải pháp cụ thể và rõ hơn trong báo cáo.
Bên cạnh đó, cần đưa ra chính sách tháo gỡ khó khăn, ban hành chính sách thuế, giải quyết điểm nghẽn hàng tồn kho; hệ thống tài chính, thị trường chứng khoán có nhiều bất ổn, vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế...Các đại biểu đề nghị cần xác định rõ mục tiêu, cách làm trong từng năm để đạt kết quả cao hơn; tập trung xử lý nợ xấu... để vốn nhanh chóng đi vào sản xuất, kể cả xem xét và làm rõ hơn mô hình trong tái cấu trúc, như việc phân biệt rõ ngân hàng thương mại với ngân hàng đầu tư, đa số ngân hàng thương mại nhưng lại đầu tư dài hạn. Đồng thời, Chính phủ có giải pháp cụ thể hơn nữa trong tái cấu trúc, vấn đề thoái vốn nhà nước, tránh làm thị trường căng thẳng, bất ổn, không hạ được lãi suất khi huy động bị đẩy lên cao.
Nhiều đại biểu cho rằng, nhìn lại 9 tháng đầu năm, mặc dù được sự quan tâm lớn của Chính phủ, nhất là 9 nhóm giải pháp mang tính toàn diện, nhưng hoạt động của doanh nghiệp thực tế vẫn còn khó khăn. Đại biểu chia sẻ: Chúng ta phải nhìn thấy những điều chưa hợp lý trong quản lý điều hành, cần những "cú hích” để giải quyết được nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó phải được cụ thể hóa bằng các thông tư, nghị quyết, hướng dẫn, quyết định giãn, giảm thuế, cho nợ tiền đất, để nền kinh tế phát triển theo đúng định hướng.
Có đại biểu cho rằng các giải pháp được đề ra trong thời gian qua, cả về giải pháp tiền tệ cũng chỉ là xử lý tình thế, không căn cơ, nhất là việc chống nhập siêu, lạm phát…Cũng theo đại biểu, thì với 3 khâu đột phá chiến lược là thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng, vấn đề quan trọng là phải có giải pháp cụ thể.
Liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, y tế, có đại biểu nêu rõ, cần cơ cấu giá viện phí trong CPI, hiện giá viện phí còn nhiều bất cập. Các tỉnh, thành phố không thực hiện đồng bộ đã gây sự không công bằng trong khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, vì mỗi nơi giá dịch vụ khác nhau.
Về vấn đề phân bổ ngân sách, có đại biểu cho rằng, vẫn dàn trải, bất hợp lý và không thể có nguồn lực để tăng lương và tháo gỡ những khó khăn cho nền kinh tế. Theo báo cáo, quan điểm là tập trung cho con người, nhưng kết cấu và lộ trình cải cách tiền lương lại không có nguồn. Theo đại biểu, cần tăng lương nhưng mức độ thì phải cân nhắc cho phù hợp, để đảm bảo đời sống cho người dân. Ngoài ra, trong chủ trương phân bổ ngân sách cho đầu tư phát triển, công trình trọng điểm thì phân bổ ngân sách Trung ương và địa phương bất cập, phân bổ không hợp lý, nặng cơ chế "xin - cho”. Hiện 76% ngân sách phân bổ về cho địa phương, Trung ương chỉ còn 24% thì khó triển khai các công trình trọng điểm quốc gia.
*Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dự trữ quốc gia.
Tiếp đó, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Trong đó, các ý kiến thảo luận chủ yếu tập trung vào những nội dung như: Tên gọi của dự thảo Luật; Mục tiêu, nguyên tắc quản lý, sử dụng dự trữ quốc gia; Chế độ chính sách đối với công chức, viên chức dự trữ quốc gia; Tổng mức, danh mục hàng dự trữ quốc gia; Ngân sách nhà nước chi cho dự trữ quốc gia; Tổ chức bộ máy quản lý dự trữ quốc gia; Chính sách của Nhà nước về dự trữ quốc gia; Quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia…
Ngày mai, thứ năm, ngày 25-10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Buổi sáng, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; buổi chiều, thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
PV (Tổng hợp)