Sáng 25-10, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế.
Sáng 25-10, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế.
Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật (ảnh TTXVN) |
Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu đều đồng ý với nội dung báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế. Tuy nhiên, để hoàn thiện Luật quản lý thuế vẫn còn một số nội dung các đại biểu băn khoăn, thảo luận.
Đại biểu Thân Đức Nam (TP.Đà Nẵng) chia sẻ: Về thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Điều 42, Luật quản lý thuế năm 2006 cho phép thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là 275 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Dự thảo Luật lần này sửa đổi theo hướng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải thực hiện trước khi thông quan. Đại biểu cho rằng, việc sửa đổi như vậy sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt, trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay. Đại biểu Thân Đức Nam đề nghị cần cân nhắc, nghiên cứu để hài hòa lợi ích nhà nước và doanh nghiệp. Qua thảo luận, nhiều đại biểu thể hiện sự đồng tình với ý kiến của đại biểu Thân Đức Nam. Chia sẻ thêm về nội dung này, đại biểu Vũ Huy Hoàng (tỉnh Lạng Sơn) đề nghị trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, Quốc hội không nên sửa đổi ngay nội dung về thời hạn đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vì thay đổi sẽ không tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.
Trao đổi về xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến việc thuế phải nộp hoặc khai sai thì phải nộp đủ số tiền thuế khai thiếu, nộp lại số tiền thuế được hoàn cao hơn và xử phạt 20% số tiền khai thiếu, số tiền được hoàn và tiền chậm nộp, đại biểu Thân Đức Nam cho rằng, quy định này có thể hiểu hành vi kê khai thuế bị xử phạt đến 2 lần. Đại biểu đề nghị làm rõ quy định để đảm bảo thống nhất với nguyên tắc xử phạt hành chính.
Tại buổi thảo luận, đại biểu Điêu K’Rứ (Đắk Nông) cho rằng: Về nội dung kê khai thuế, Điều 21, quy định hiện nay các đối tượng nộp thuế GTGT trừ đối tượng khai theo từng lần phát sinh thì đều thực hiện kê khai thuế theo tháng. Hiện Chính phủ đang cải cách hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tập trung đầu tư, do đó cần quy định rõ trong luật quản lý thuế được khai thuế theo tháng hay quý bằng việc dựa vào số thuế phát sinh, số phải nộp và số còn được khấu trừ của doanh nghiệp để giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp. Đại biểu K’Rứ cho rằng, đối với vấn đề quản lý vi phạm trong lĩnh vực thuế, Điều 106, Điều 107, thuế GTGT là loại thuế gián thu và người tiêu dùng phải chịu. Như vậy, doanh nghiệp chỉ là người nộp thay cho người tiêu dùng nên việc công ty, doanh nghiệp nợ thuế GTGT không thể coi là chậm nộp thuế mà nên đưa vào hành vi chiếm dụng thuế để xử lý. Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) cũng đồng ý với quan điểm này về việc xử lý nghiêm hành vi chiếm dụng thuế.
Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (tỉnh Đồng Nai) đã nêu các vấn đề cần trao đổi về dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế như: Khoản 15, Điều 1, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Điều 30 về thẩm quyền gia hạn nộp thuế cần bổ sung nội dung miễn giảm thuế, vì trong những năm gần đây Chính phủ miễn giảm, gia hạn nộp thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc gia hạn nộp thuế trên diện rộng và thời gian dài đã gây ảnh hưởng đến số thu ngân sách theo dự toán đã được Quốc hội, HĐND các cấp phê chuẩn gây bị động cho quá trình điều hành, cân đối ngân sách. Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi đảm bảo các địa phương cân đối được ngân sách. Về trách nhiệm của cơ quan thuế trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế, đại biểu đề nghị điều chỉnh một số nội dung dự thảo luật đối với vấn đề bổ sung giá trị hoàn thuế và đối tượng kiểm tra trong một thời gian nhất định và không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định. Đại biểu kiến nghị điều chỉnh thời gian vì để thời gian dài tới 10 năm thì sẽ gây ra tình trạng khó khăn, do số lượng hồ sơ ngày càng nhiều, cán bộ quản lý thuế luân chuyển... sẽ khó khăn trong việc khắc phục sai sót. Đối với doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản, đại biểu đề nghị bổ sung quy định giải quyết xóa nợ thuế, tiền phạt thuế cho doanh nghiệp cho phù hợp với quy định của pháp luật về phá sản. Theo đại biểu, hiện nay theo Luật phá sản, khi doanh nghiệp tuyên bố phá sản thì doanh nghiệp không còn tồn tại và không còn tư cách pháp nhân để giải quyết bất kỳ thủ tục nào, không thể sử dụng dấu của doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp tuyên bố phá sản và cũng không thể nhân danh cá nhân đứng ra giải quyết vấn đề thuế.
Cơ bản đồng ý với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung, đại biểu Lê Minh Hiền (tỉnh Khánh Hòa) kiến nghị, dự thảo có bổ sung trường hợp cưỡng chế đối với người nộp thuế được cơ quan quản lý thuế quyết định cho phép nộp dần tiền nợ thuế trong thời gian không quá 12 tháng, tuy nhiên đi kèm theo điều kiện phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng, việc này gây khó khăn cho người nộp thuế. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu lại điều này.
Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Theo TTXVN