Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII diễn ra vào chiều ngày 30-10, đại biểu Trương Văn Vở (Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) đề nghị, ngoài việc tập trung xử lý những vấn đề cấp bách, cần quyết tâm tạo sự chuyển động mạnh mẽ trong quản lý, điều hành..., nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ KT-XH và bảo đảm an dân...
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII diễn ra vào chiều ngày 30-10, đại biểu Trương Văn Vở (Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) đề nghị, ngoài việc tập trung xử lý những vấn đề cấp bách, cần quyết tâm tạo sự chuyển động mạnh mẽ trong quản lý, điều hành..., nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế -xã hội (KT-XH) và bảo đảm an dân...
Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Trương Văn Vở phát biểu tại phiên thảo luận |
Đại biểu Trương Văn Vở nói: “Tôi đánh giá cao sự quyết tâm của Chính phủ trong những tháng đầu năm 2012. Vì trong bối cảnh khó khăn, vẫn duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ở 1 con số; đã nỗ lực khởi động cơ cấu lại các khu công nghiệp, khu kinh tế, các Tập đoàn kinh tế nhà nước”.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trương Văn Vở, nhìn tổng thể về quản lý, điều hành vẫn mang tính tình thế, phản ứng ngắn hạn, thiếu hệ thống. Điều này, ngoài nguyên nhân Chính phủ đã xác định, còn có nguyên nhân chủ quan cần lưu ý thêm. Đó là việc ban hành, hoàn thiện các thể chế, chính sách chưa kịp thời, chưa thống nhất, chưa đồng bộ; sự phối hợp quản lý, điều hành các Bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ, thiếu cơ chế trách nhiệm cá nhân.
Từ thực trạng này đại biểu đề nghị, ngoài tập trung xử lý những vấn đề cấp bách trong thời gian còn lại của năm 2012, cần quyết tâm tạo sự chuyển động mạnh mẽ trong quản lý, điều hành thực hiện quy hoạch, kế hoạch phân bổ nguồn lực theo hướng thoát khỏi tầm nhìn hàng năm, giật cục, nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ KT-XH và bảo đảm an dân trong năm 2013. Cụ thể, có mấy vấn đề quan tâm như sau:
Một là việc cần làm ngay để tạo tiền đề cho năm 2013, đó là tháo gỡ nút thắt "Ngân hàng thừa thanh khoản, doanh nghiệp thiếu vốn" thông qua thực hiện cơ chế bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ theo Quyết định 193 từ năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ (đây là công cụ bị lãng quên từ 11 năm nay). Chỉ đạo xử lý ngay việc thanh toán nợ đọng các công trình đầu tư công cùng với việc giải ngân các công trình từ nguồn vốn tạm ứng trước 2013, đưa vào sử dụng năm 2012, nhằm thúc đẩy hàng tồn kho, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Hai là kịp thời sữa đổi, bổ sung đồng bộ về thể chế, chính sách, nhằm tạo môi trường thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ phát triển rừng. Cụ thể là quan tâm hoàn thiện thể chế pháp lý về chính sách khuyến khích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Theo Quyết định 176 vào đầu năm 2010 của Chính phủ); chính sách khuyến khích liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp (thay thế Quyết định 80/2002 của Thủ tướng Chính phủ và theo lời hứa của Bộ NN-PTNT từ kỳ họp thứ 2 đến nay chưa tiến hành thực hiện) đi đôi với việc tổ chức thực hiện các giải pháp phù hợp đồng bộ ngăn chặn thương nhân nước ngoài mua nông sản trái phép trong nước (theo Nghị định 90/2007 của Chính phủ). Kịp thời rà soát, sữa đổi bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về lộ trình thực hiện kế hoạch, bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 (theo NQ18/QH ngày 18-11-2011 của Quốc hội) nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng chặt phá rừng, bảo vệ môi trường rừng, không vì thủy điện mà làm ảnh hưởng đến rừng đặc dụng, Vườn Quốc gia...
Ba là vấn đề đầu tư công. Đại biểu Trương Văn Vở đồng tình cao giải pháp của Chính phủ về phân bổ nguồn lực đầu tư trung hạn 2013-2015 cho các công trình trọng điểm, quan trọng Quốc gia. Theo đó, ông đề nghị cần quan tâm, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông huyết mạch trong kế hoạch trung hạn (kể cả phát hành trái phiếu công trình); hỗ trợ ngành, lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn, có tác động lan tỏa về công nghệ và các dự án hoàn thành trong năm, đưa vào sử dụng có hiệu quả.
Bốn là việc an dân. Trước tình hình sức mua thị trường nội địa giảm (9 tháng chỉ tăng trên 6% so với cùng kỳ) cùng với áp lực thuế, phí cao (số liệu quyết toán NSNN 2011 là trên 22% GDP, cao gấp 2-3 lần so với các nước trong khu vực) chưa kể thuế, phí trong cơ cấu giá xăng cao...là mối lo lớn đối với sự phát triển dài hạn của nền kinh tế. Để cùng tháo gỡ khó khăn chung cho doanh nghiệp và cải thiện sức mua thị trường nội địa, cần quan tâm rà soát, cắt giảm tối đa các loại phí, lệ phí không phù hợp. Đại biểu đề nghị việc thu phí sử dụng đường bộ vào 01-01-2013 cần hết sức cân nhắc, tính toán lại. Mặt khác, việc thu phí sử dụng đường bộ nhưng người sử dụng lại không được cung cấp dịch vụ là không phù hợp với bản chất là phí.
Vấn đề thứ năm, đại biểu kỳ vọng, với quyết tâm đổi mới bộ máy quản lý nhà nước; phân định rõ cơ chế trách nhiệm cá nhân từ trung ương đến cơ sở để thực hiện 3 đột phá chiến lược, không để "lợi ích nhóm" chi phối..., sẽ tạo được chuyển biến mới trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trong năm 2013, đáp ứng được lòng mong đợi trong nhân dân.
P.V