Thấu hiểu nỗi khổ của bà con vùng lũ và chia sẻ phần nào khó khăn với nhân dân miền Trung, Hội Chữ thập đỏ Đồng Nai vừa tổ chức đoàn cứu trợ đến các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa.
Thấu hiểu nỗi khổ của bà con vùng lũ và chia sẻ phần nào khó khăn với nhân dân miền Trung, Hội Chữ thập đỏ Đồng Nai vừa tổ chức đoàn cứu trợ đến các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa.
Vượt đoạn đường dài hơn 1.500km, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã mang 800 phần quà (mỗi phần trị giá 585 ngàn đồng, trong đó gồm 300 ngàn tiền mặt cùng một số đồ dùng thiết yếu khác) của nhân dân Đồng Nai trao tận tay bà con ở huyện Yên Định (tỉnh Thanh Hóa), huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) và huyện Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An).
* Thiệt hại nặng nề
Qua đường hầm Hải Vân, Thừa Thiên - Huế đón chào đoàn cứu trợ bằng những cơn mưa rào tầm tã, nước trắng trời. Dọc quốc lộ 1, lúa của bà con đang vào độ chín bị đổ gãy ngổn ngang. Hoa màu hai bên đường hầu như bị ngập úng không thể thu hoạch được.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao quà cho bà con vùng lũ. Ảnh: H.Dung |
Tới Quảng Trị, vì mưa quá lớn, đoàn cứu trợ quyết định dừng chân ở Thành cổ Quảng Trị để nghỉ ngơi và sắp xếp hơn 800 phần quà chuẩn bị trao cho bà con Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Từ trưởng đoàn là bà Vương Thị Quyên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh đến tài xế xe tải đều hối hả bọc mì tôm, chăn màn, quần áo vào bao ny-lông cho khỏi ướt với mong muốn nhanh đến được với bà con vùng lũ.
Huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) là một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nề do lũ suốt nhiều năm nay. Hầu như năm nào, nhân dân Hương Khê cũng phải hứng chịu từ 3-5 trận lũ lụt. Hơn 80% đồng bào Hương Khê làm nông nghiệp, nhưng trận lũ hồi đầu tháng 9 cùng với sự cố vỡ đập Hố Hô đã san phẳng tất cả đồng ruộng, hoa màu sắp đến ngày thu hoạch (gần 50 hécta).
Chị Đinh Thị Tuyến (xã Hương Liên) có 3 con nhỏ, chồng và anh chồng đều bị tàn tật đã phải vật lộn cực khổ với giặc thủy. Vì nước lũ lên quá nhanh nên chị có vài bao lúa dự trữ để trong nhà đều bị cuốn trôi hết, hoa màu mất trắng. Một mình chị Tuyến vừa chạy vạy vay mượn được vài lon gạo nấu cháo cho chồng con, vừa phải xoay xở để đưa người anh chồng bị bại liệt nằm một chỗ tránh nước. Suốt cả tuần lễ, cả gia đình chia nhau mấy bát cháo trắng ăn cầm hơi. Nhìn khuôn mặt sạm đen, khóe mắt in hằn những dấu chân chim, ít ai ngờ chị mới tròn 31 tuổi.
Bà Vương Thị Quyên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: “ Chúng tôi xem việc giúp đỡ phần nào khó khăn cho bà con miền Trung trong cơn hoạn nạn là nghĩa vụ cũng như trách nhiệm của mình. Nghĩa cử tuy nhỏ nhưng mong sẽ làm ấm lòng người dân vùng lũ, giúp họ vượt qua nỗi đau, mất mát để sớm ổn định cuộc sống” . |
Sau lũ, gia đình chị Tuyến cùng hàng ngàn hộ gia đình ở hai xã Hương Liên và Lộc Yên lâm vào cảnh cơ hàn, không có gạo để ăn, không có nước sạch để uống, không có bất cứ một nguồn thu nào để đóng học phí cho con trong năm học mới.
Cũng chịu chung thiệt hại do lũ gây ra như Hà Tĩnh, Nghệ An có trên 10 ngàn hécta lúa, 1.200 hécta nuôi trồng thủy sản bị ngập trong nước, gia súc, gia cầm chết hàng loạt với thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thị Lý (ngụ xóm 10, xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ) nghẹn ngào: “Năm nào chúng tôi cũng phải đối mặt với thiên tai, hết hạn hán đe dọa lại đến lũ lụt hoành hành. Chồng tôi mất 2 năm trước vì bệnh ung thư phổi, đứa lớn học xong lớp 9 phải nghỉ học làm phụ hồ đỡ đần mẹ nuôi hai em, nhưng trời cứ mưa như trút nước không đi làm được, mấy hôm lũ nặng, không có gì ăn, mấy mẹ con ôm nhau nhịn đói…”.
* Nghĩa tình Đồng Nai
Tại Thanh Hóa - nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất với ước tính lên đến 900 tỷ đồng, dù lũ đã đi qua nhưng cảnh hoang tàn vẫn còn hiện rõ ở nhiều vùng quê. Anh Lê Văn Bình (ngụ phố Thăng Long, thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định) ngậm ngùi chia sẻ: “Nước ngập đến nửa nhà, cướp đi của gia đình tôi 16 sào mía, 8 sào lúa đang chắc xanh, 50 con gà, 5 con lợn đẻ, 5 sào ao cá. Do vỡ đê sông Cầu Chày, nước tràn vào lúc nửa đêm, tôi trở tay không kịp; tài sản hàng trăm triệu đồng bị nước cuốn trôi sạch, bao nhiêu tiền của vay mượn chắt góp dồn vào ao cá để cuối năm thu hoạch đều bị cuốn ra biển. Sau trận lụt kéo dài một tuần, gia đình tôi lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất. Hiện tại, cả nhà chỉ vay được 1 tạ lúa mà 6 tháng sau mới được thu hoạch vụ mới, cuộc sống đã khổ nay còn khổ hơn gấp bội lần”.
Để phần nào giúp bà con miền Trung khắc phục hậu quả sau mưa lũ, nhiều ngày qua, các địa phương chịu nhiều tổn thất ở các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ của đồng bào cả nước. Tuy nhiên, khi biết tin đoàn cứu trợ tỉnh Đồng Nai ra thăm, ủng hộ đồng bào lũ lụt, cán bộ và nhân dân các tỉnh miền Trung rất đỗi vui mừng, phấn khởi. Ai cũng cảm động trước tình cảm của nhân dân Đồng Nai đã vượt đường sá xa xôi ra giúp đỡ bà con miền Trung.
Ông Nguyễn Duy Nho, Phó chủ tịch UBND, kiêm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, chúng tôi vô cùng cảm động và biết ơn nghĩa cử yêu thương, hoạt động nhân đạo đầy ý nghĩa nhân văn mà Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần dành cho người dân xứ Nghệ nói riêng và nhân dân miền Trung nói chung. Nhận được sự hỗ trợ kịp thời của Đồng Nai, bà con nghèo bị thiệt hại do thiên tai như được tiếp thêm tinh thần để sớm ổn định cuộc sống”. |
Cầm trên tay suất quà trị giá gần 600 ngàn đồng, chị Đinh Thị Tuyến rưng rưng: “Vậy là hôm nay cả nhà tôi được ăn bữa cơm no rồi, trời tối lạnh, mấy đứa nhỏ đã có chăn để đắp, có quần áo khô để mặc. Còn với số tiền nhận được, tôi sẽ để đóng học phí cho con tới trường”.
Còn anh Lê Văn Bình lạc quan chia sẻ: “Miền Trung thiệt thòi bị thiên tai tàn phá, nhưng mình còn sức trẻ, sẽ gây dựng lại cơ nghiệp từ đầu, trước mắt thì đi làm thuê kiếm ít vốn, sau đó sẽ nuôi lại cá, trồng lại mía…”.
Hạnh Dung