Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 26-10, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe trình 4 dự án Luật gồm: Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân; Luật Thủ đô; Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại...
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 26-10, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe trình 4 dự án Luật gồm: Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân; Luật Thủ đô; Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại...
* Sửa đổi, bổ sung những bất cập trong Luật thuế thu nhập cá nhân
Tờ trình Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) do Bộ trường Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trình bày nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, do sự biến động nhanh của nền kinh tế, một số quy định trong Luật thuế TNCN đã bộc lộ tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với thực tiễn, cần được sửa đổi. Đó là về mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp; phạm vi, đối tượng tính thuế chưa bao quát hết hoặc đã lạc hậu do phát sinh những nội dung mới theo quy định của pháp luật liên quan; một số quy định về kỳ tính thuế, thủ tục kê khai, quyết toán thuế chưa phù hợp với thực tiễn, còn phức tạp, chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cho công tác quản lý thuế cũng như hiện đại hoá quản lý thuế.
Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân |
Việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung bất cập so với thực tế, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và có tính ổn định; bảo đảm đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thuế… Nội dung sửa đổi, bổ sung dự án Luật tập trung vào sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh phạm vi, đối tượng chịu thuế; kỳ tính thuế và quyết toán thuế.
Theo đề nghị của Ủy ban Tài chính nhân sách (TCNS), cơ quan tiến hành thẩm tra dự án Luật, thì việc sửa đổi Luật thuế TNCN lần này chỉ nên tập trung vào những vấn đề thực sự bức xúc, không phù hợp với thực tiễn và một số vấn đề mới nảy sinh cần phải điều chỉnh.
* Tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, phát triển Thủ đô
Dự thảo Luật Thủ đô do Bộ Tư pháp phối hợp với UBND thành phố Hà Nội soạn thảo, quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô và lựa chọn để quy định chính sách, cơ chế cụ thể trong một số lĩnh vực cho Thủ đô.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủ đô |
Tờ trình đã nêu 4 vấn đề báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định: việc quy định mức thu phí cao hơn (điểm b khoản 3 Điều 18); quản lý dân cư (khoản 4 Điều 19); xử phạt vi phạm hành chính ở nội thành (Điều 20); cơ chế, chính sách về tài chính (khoản 1 Điều 21).
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
* Nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng
Tờ trình dự án Luật phòng, chống thanh nhũng (sửa đổi) nêu rõ, Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2005 đã tạo lập khung pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, qua sơ kết 5 năm triển khai thực hiện, nhiều quy định của Luật PCTN đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày Tờ trình dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) |
Luật PCTN được sửa đổi theo hướng củng cố, nâng cao hiệu quả của các quy định về phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng và coi đây là nhiệm vụ then chốt, nhất là việc đẩy mạnh công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước, gắn với các biện pháp nâng cao trách nhiệm giải trình của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề lớn về những quy định chung; phòng ngừa tham nhũng; ban chỉ đạo Trung ương về PCTN; trách nhiệm của Chính phủ và trách nhiệm quản lý công tác PCTN.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Tư pháp cũng thể hiện sự tán thành với đề nghị của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật PCTN trên cơ sở tổng kết, đánh giá một cách kỹ lưỡng, sâu sắc việc thi hành Luật PCTN trong 6 năm qua.
* Giải quyết triệt để những vướng mắc cản trở sự phát triển của KHCN
Theo Tờ trình dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) (KHCN) do Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân trình bày trước Quốc hội, Luật sửa đổi phải tạo được nền tảng pháp lý, giải quyết triệt để những bất cập, vướng mắc đang cản trở sự phát triển của KHCN, để triển khai thực hiện các nhiệm vụ then chốt mang tính đột phá như: tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý và cơ chế hoạt động KHCN; tăng cường đầu tư của toàn xã hội cho KHCN, trước hết là đầu tư vào hạ tầng KHCN; xây dựng chính sách sử dụng, trọng dụng cán bộ KHCN.
Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường (KHCN-MT) nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật KHCN (năm 2000) như Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, Ủy ban KHCN-MT đề nghị, nội dung của dự thảo Luật KHCN (sửa đổi) cần thể hiện rõ hơn vị trí của người làm KHCN, coi họ là trung tâm của các hoạt động KHCN và các doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ; cơ chế quản lý khoa học cần bảo đảm môi trường học thuật tự do và dân chủ gắn với trách nhiệm xã hội, nhất là trong hoạt động khoa học xã hội và nhân văn…
* Đảm bảo việc thực hiện Thừa phát lại có hiệu quả
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội Báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại.
Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại |
Việc thí điểm chế định Thừa phát lại được thực hiện trước tiên tại TP.Hồ Chí Minh nhằm mục tiêu “xác định sự cần thiết và tính hiệu quả của Thừa phát lại trong hoạt động tư pháp nói chung và Thi hành án dân sự nói riêng, xác định khả năng áp dụng mô hình này trong toàn quốc, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa một số hoạt động hành chính, tư pháp”.
Từ kết quả tổng kết thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, Chính phủ thấy rằng, trong thời gian tới cần hoàn thiện thể chế để tiếp tục kéo dài thời gian thí điểm và mở rộng quy mô thí điểm chế định này, nhằm mục tiêu xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa hoạt động tư pháp nói chung và thi hành án dân sự nói riêng, đảm bảo việc thực hiện Thừa phát lại có hiệu quả, phục vụ người dân và hỗ trợ các cơ quan nhà nước tốt hơn. Trên cơ sở đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo hướng kéo dài thời gian thí điểm thêm 3 năm (đến hết ngày 31/12/2015) và mở rộng việc thí điểm ở các địa phương trong cả nước để có thể đánh giá đầy đủ, toàn diện về mô hình Thừa phát lại như một thiết chế độc lập.
P.V (Tổng hợp)