Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, chiều 30-10, các đại biểu thảo luận tại Hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2013…
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, chiều 30-10, các đại biểu thảo luận tại Hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2013…
Tại phiên thảo luận, các ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều cơ bản nhất trí với nhiều nội dung được đề cập trong Báo cáo của Chính phủ, trong đó đặc biệt đi sâu phân tích, đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện trong năm 2013.
* Cần sự phối hợp đồng bộ trong xử lý nợ xấu
Vấn đề xử lý nợ xấu là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi tại phiên thảo luận. Trong đó có nhấn mạnh việc Chính phủ phải có giải pháp như thế nào để các ngân hàng thương mại nói chung báo cáo đúng thực chất hoạt động, hạn chế những yếu tố chủ quan, đánh giá sai lệch nợ xấu của các ngân hàng để từ đó hình thành số liệu đáng tin cậy giúp điều hành vĩ mô về công tác tài chính tiền tệ được hiệu quả.
Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình giải đáp một số vấn đề liên quan đến hoạt động của hệ thống ngân hàng. Ảnh: TTXVN |
Giải trình rõ hơn vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình nêu rõ: nợ xấu không phải là một con số cố định mà là con số biến động theo thời gian. Ông khẳng định: xử lý nợ xấu không chỉ phụ thuộc vào ý trí của hệ thống ngân hàng mà cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, lĩnh vực. Thống đốc cho biết, đã xây dựng Đề án xử lý nợ xấu, trong đó có nhiều nội dung liên quan tới thẩm quyền của Chính phủ, có các nội dung liên quan tới thẩm quyền của Quốc hội và các cơ quan có liên quan khác. Ông nói, theo Đề án đã trình và Chính phủ đã thông qua, thì năm 2015 đưa nợ xấu ngân hàng xuống dưới 3% theo đúng thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Về nội dung tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, Chính phủ đã có Đề án vạch ra lộ trình thực hiện 10 năm, đặc biệt là giai đoạn từ nay đến năm 2015 và hiện nay NHNN đang triển khai thực hiện. Trong đó, việc hợp nhất, sát nhập, xử lý ngân hàng yếu kém chỉ là một nội dung trong nhiều nội dung như việc lành mạnh hoá từng bước thị trường tài chính của các ngân hàng thương mại. Liên quan trực tiếp tới việc xử lý các ngân hành thương mại yếu kém, Thống đốc cho biết: Chính phủ đã thành lập Ủy ban chỉ đạo liên ngành do Phó thủ tướng làm Trưởng ban và Thống đốc Ngân hàng làm phó ban thường trực cùng đại diện các bộ, ban, ngành có liên quan kể cả chính quyền địa phương các cấp. Thống đốc cũng cho biết, đã có ban chỉ đạo đối với ngân hàng thương mại trong diện phải xử lý, trong đó có đại diện Ngân hàng nhà nước, Bộ Công an , chính quyền nhân dân các cấp…. Vì vậy, những đề xuất xử lý không chỉ có ý kiến của Ngân hàng Nhà nước mà còn thực hiện một cách công khai, minh bạch.
Nhận định quá trình xử lý các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém là quá trình nhạy cảm, có thể xảy ra tranh chấp, do vậy để có đẩy đủ cơ sở để tiến hành xử lý, Thống đốc cho biết, cơ quan chức năng đã tiến hành đồng thời hai việc: Một mặt cho tiến hành thanh tra tại chỗ để hình thành bức tranh toàn diện về ngân hàng đó; đồng thời mời kiểm toán độc lập quốc tế vào kiểm toán. Do vậy kết quả thanh tra cũng như kết quả kiểm toán độc lập cho thấy tất cả các tổ chức tín dụng thuộc diện phải xử lý là rất xứng đáng, phù hợp với quy định của pháp luật. Các quyết định này chúng tôi sẽ chính thức công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng- Thông đốc cho biết.
* Triển khai nhiều biện pháp góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá, mặc dù Luật an toàn thực phẩm (ANTP) đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2011, nhưng tình trạng mất vệ sinh ATTP đến nay vẫn diễn ra phổ biến. Việc lạm dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến, bảo quản, nhập khẩu thức ăn, thực phẩm chất lượng kém, độc hại xảy ra thường xuyên là nỗi lo, bức xúc của nhân dân. Các đại biểu đề nghị cần tăng cường hơn nữa công tác thanh, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kiểm soát kỹ thực phẩm nhập khẩu, quản lý chặt chẽ hoạt động thông tin quảng cáo thực phẩm, có biện pháp phản hồi kịp thời các thông tin sai lệch...
Giải đáp những băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Đó là do có tình trạng nhập lậu thực phẩm không minh bạch, không qua đường chính ngạch qua biên giới; vấn đề phụ gia thực phẩm đưa vào sản xuất do người sản xuất ham lợi…Bộ Y tế đã tăng cường kiểm tra cùng các chi cục thanh tra chuyên ngành, thanh tra Bộ Công thương, Bộ Công nghiệp. Hiện Bộ Y tế và Bộ Công an đang xây dựng Thông tư tăng cường giám sát trong thời gian tới. Bộ trưởng cho biết thêm, Bộ Y tế đã đưa ra các biện pháp xử phạt nặng, đặc biệt là sẽ rút giấy phép kinh doanh, đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng tất cả các nhà sản xuất không đạt yêu cầu một cách công khai để người dân từ chối sản phẩm.
Về vấn đề quá tải bệnh viện, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, đây là thực trạng nhức nhối đối với người dân. Nguyên nhân là do số giường bệnh quá thấp, chỉ đạt 22,5 giường bệnh/một vạn dân; số giường bệnh tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, đặc biệt là các chuyên khoa: ung bướu, tim mạch, ngoại, chấn thương chỉnh hình, nhi, sản. Nguyên nhân nữa, theo Bộ trưởng là sự phân bổ không đồng đều của các y bác sỹ xuống tuyến dưới. Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế đã xây dựng Đề án trình Chính phủ và sắp được phê duyệt gồm những giải pháp chính là: tăng số giường bệnh ở những chuyên khoa quá tải tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang phê duyệt dự án xây dựng bệnh viện vệ tinh đối với 5 chuyên khoa; triển khai xây dựng đề án bác sỹ gia đình tại một số tỉnh quá tải, đi đôi với công tác đào tạo cán bộ. Trong tháng 11 tới, Bộ Y tế sẽ thực hiện đề án đào tạo 100 bác sỹ xung phong về 63 huyện nghèo. Đây là các bác sỹ tốt nghiệp khá giỏi, được đào tạo một năm chuyên khoa cần thiết để tăng cường chất lượng y tế tuyến dưới.
* Đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn đầu tư dàn trải, kém hiệu quả
Trả lời nhiều câu hỏi của ĐBQH xung quanh vấn đề bức xúc trong đầu tư công đó là tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả kém, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết: Chính phủ, Bộ KH-ĐT và các bộ, ngành liên quan đã đưa ra các giải pháp để từng bước ngăn chặn tình trạng trên. Tại kỳ họp trước, Quốc hội đã quyết định một trong những giải pháp là rà soát, phân bổ lại trái phiếu Chính phủ trong 4 năm (2012-2015). Đến nay, toàn bộ danh mục và tiền của trái phiếu Chính phủ đã được phân bổ rõ ràng từng danh mục cho địa phương. Bên cạnh đó, năm 2013, nhu cầu đầu tư của các bộ, ngành và địa phương rất lớn, trong khi nguồn lực đáp ứng thấp so với yêu cầu. Các địa phương cần chia sẻ trong điều kiện ngân sách rất nhỏ, phân bố cho địa phương tỷ trọng rất lớn. Bộ trưởng cho biết, qua kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 1792 (về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ), Bộ KH-ĐT nhận thấy hầu hết cân đối trên Trung ương hỗ trợ địa phương được xiết chặt hơn, cơ bản giảm đầu tư mang tính dàn trải, phần lớn tập trung cho công trình. Bộ trưởng cho rằng một trong những nguyên nhân của việc dàn trải là do các địa phương chưa có nhận thức rõ ràng về việc thực hiện Chỉ thị 1792. Bộ trưởng đề nghị đoàn ĐBQH các địa phương giám sát việc bố trí vốn của các UBND địa phương mình. Đây là biện pháp tốt để chặn lại tình trạng dàn trải nguồn vốn đầu tư tại các địa phương- Bộ trưởng nhận định.
Về xử lý nợ xấu, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giải trình: Sau khi tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT đã tham mưu Chính phủ ra Chỉ thị về giải quyết vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản. Chỉ thị quy định, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định bố trí công trình đầu tư không có đủ vốn để thi công mà gây nợ thì phải tự chịu trách nhiệm. Hai Bộ Tài chính và KH-ĐT đã đề xuất với Chính phủ và Quốc hội xây dựng kế hoạch trung hạn 3 năm 2013-2015 tương tự như đối với trái phiếu Chính phủ. Như vậy đến 2015, tất cả các địa phương sẽ biết được mình có bao nhiêu vốn để không bố trí dàn trải nữa- Bộ trưởng cho biết.
Cũng tại phiên thảo luận, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã thông báo những số liệu vi phạm được phát hiện qua thanh tra hoạt động của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin từ 2006-2009.
Theo chương trình, ngày 31-10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để tiếp tục thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2013 (sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp); thảo luận tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013.
Theo TTXVN