Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần những giải pháp tích cực để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm và tham nhũng

10:10, 26/10/2012

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, chiều 26-10, các đại biểu làm việc tại tổ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; về công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012...

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, chiều 26-10, các đại biểu làm việc tại tổ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; về công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012...

Kiểm sát viên Phòng 2 thực hiện quyền công tố tại một phiên tòa.
Kiểm sát viên Phòng 2 thực hiện quyền công tố tại một phiên tòa (Ảnh M.H)

Đa số đại biểu tán thành với các báo cáo nói trên của Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, cũng có đại biểu cho rằng, báo cáo phòng, chống tham nhũng mới chỉ phản ảnh đúng tình hình phòng, chống tham nhũng, chưa phản ánh được hết tình hình tham nhũng trong tất cả các lĩnh vực (hải quan, thuế vụ, chiếm rừng…). Báo cáo về thi hành án chưa phân tích, đánh giá về tình hình tái phạm tội để có cơ sở đánh giá hiệu quả công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, giảm án, đặc xá...

Các đại biểu đánh giá cao Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, nỗ lực triển khai nhiều biện pháp, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao trong năm qua. Trong đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kiềm chế sự gia tăng vi phạm pháp luật và tội phạm trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; rà soát, báo cáo tình hình, kết quả và những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm kinh tế, xử lý kịp thời các vụ án liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, đất đai, xây dựng cơ bản, đầu tư công... Bộ Công an đã có nhiều cố gắng trong việc ngăn chặn, xử lý các hoạt động gây rối an ninh, phá hoại của các phần tử phản động; khám phá kịp thời các vụ trọng án giết người, cướp tài sản, mua bán ma túy. Các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, các ngành chức năng, công an các cấp đã phát hiện, xử lý hàng triệu trường hợp vi phạm hành chính, kiềm chế tình hình tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội...

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, tình hình vi phạm pháp luật tiếp tục diễn biến phức tạp do công tác phòng ngừa còn hạn chế, vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Tham nhũng tiêu cực xảy ra ở một số dự án đầu tư công, tại một số Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế nhà nước vấn tiếp diễn, gây bức xúc trong dư luận. Nổi lên là tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và lạm quyền trong khi thi hành công vụ tại địa phương gia tăng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả. Kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn chưa tương xứng với tình hình, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Công tác tự thanh, kiểm tra trong nội bộ các cơ quan, tổ chức chưa thực sự hiệu quả. Tình trạng tội phạm ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa gia tăng và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn hạn chế, việc xử lý các vụ án tham nhũng thường kéo dài, tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo còn chiếm tỷ lệ cao. Số vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho tài sản của Nhà nước được phát hiện, xử lý còn chậm. Số vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý tuy có tăng, nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra; số tài sản, đất đai sai phạm rất lớn nhưng thu hồi được còn rất ít...

Những hạn chế trên theo các đại biểu là do trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, địa phương còn buông lỏng công tác phòng ngừa, thiếu kế hoạch, chương trình cụ thể; có sự đùn đẩy trách nhiệm và chưa phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật, có nơi coi công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm chỉ là trách nhiệm của Bộ Công an. Một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa nêu cao trách nhiệm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng chống tham nhũng. Công tác dự báo tình hình, phân tích, đánh giá nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh vi phạm pháp luật và tội phạm cũng như các biện pháp phòng ngừa chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế thị trường, công nghệ thông tin và hội nhập quốc tế. Công tác giáo dục pháp luật, nhân cách, lối sống đối với thanh thiếu niên trong nhà trường, gia đình và các tổ chức xã hội chưa được quan tâm đúng mức...

Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước, khắc phục những sơ hở, thiếu sót; thường xuyên thanh, kiểm tra nội bộ, tăng cường sự phối hợp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật, tội phạm và phòng chống tham nhũng. Các bộ, ngành, địa phương cũng cần đưa ra những giải pháp tích cực để chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm và tham nhũng; tăng cường các biện pháp chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, hạn chế các trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam không cần thiết; nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; chú trọng thu hồi tài sản bị xâm phạm, bị chiếm đoạt trong các vụ án về kinh tế, chức vụ và tham nhũng. Một số đại biểu đề nghị trong thời gian tới cần phát huy vai trò báo chí, bảo đảm quyền tác nghiệp, quyền tiếp cận thông tin của các nhà báo; quan tâm giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho trẻ em trong gia đình, nhà trường, xã hội; tăng cường sức mạnh toàn dân; sớm xét xử những trường hợp tội phạm bắt được tại địa bàn...

Thứ bảy, ngày 27-10, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi); buổi chiều, Quốc hội làm việc ở tổ, thảo luận về dự án Luật Thủ đô; việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.

Theo TTXVN

Tin xem nhiều