Báo Đồng Nai điện tử
En

Cán bộ công an nói không với hối lộ

10:10, 05/10/2012

Nhiều lần được đưa hối lộ nhưng Trung tá Hồ Minh Lam, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an huyện Long Thành, vẫn kiên quyết từ chối và tiến hành lập biên bản xử lý đối tượng.

Nhiều lần được đưa hối lộ nhưng Trung tá Hồ Minh Lam, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an huyện Long Thành, vẫn kiên quyết từ chối và tiến hành lập biên bản xử lý đối tượng.

Trung tá Lam cho rằng, với những kẻ chuyên sử dụng đồng tiền để làm tha hóa nhân cách của người cán bộ, chiến sĩ (CBCS) công an thì bằng mọi giá phải chặn ngay từ đầu những hành vi sai trái ấy.

* Luôn cố gắng ở mọi nhiệm vụ

Xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng nên từ nhỏ Trung tá Lam đã nung nấu ý định theo ngành công an để đóng góp sức mình cho đất nước. Năm 1986, Trung tá Lam về nhận công tác tại trại giam Xuyên Mộc (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Sau 10 năm đảm nhiệm công tác quản giáo những đối tượng tội phạm nguy hiểm, anh xin chuyển về Công an huyện Long Thành để được sống gần gia đình.

UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho Trung tá Hồ Minh Lam vì có thành tích nêu gương liêm khiết không nhận hối lộ.
UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho Trung tá Hồ Minh Lam vì có thành tích nêu gương liêm khiết không nhận hối lộ.

Môi trường mới, nhiệm vụ mới gắn với công tác điều tra đã khiến anh gặp không ít khó khăn. Sau một thời gian dài “học việc” và đào sâu nghiên cứu, rút kinh nghiệm qua từng vụ việc tham gia thụ lý, Trung tá Lam được cấp trên giao những vụ án đơn giản để va chạm thực tế. Từ đây, anh bắt đầu chứng tỏ khả năng, bản lĩnh của mình và tạo lòng tin ở cấp trên, đồng đội.

Những năm 1995-1997, nhà tạm giữ của Công an huyện Long Thành còn thiếu người giám sát nên các CBCS phải kiêm luôn nhiệm vụ tuần tra, canh gác phạm nhân. Trong thời gian này, anh đã trực tiếp ngăn chặn thành công vụ trốn trại của 4 phạm nhân đang thụ án.

Trung tá Lam nhớ lại: “Chiều hôm ấy, cũng như mọi lần, tôi nhận nhiệm vụ rồi đi kiểm tra quanh các buồng tạm giam. Khi nghe tiếng cọc cạch phát ra từ một buồng giam, tôi bước đến gần và phát hiện 4 can phạm đang bẻ sắt trần nhà trốn trại. Ngay lập tức, tôi báo tình hình cho chỉ huy và huy động lực lượng ngăn chặn kịp thời hành vi trốn trại của 4 can phạm".

* Nhất quyết nói không với hối lộ

Nếu như những hành vi vi phạm về trật tự xã hội chỉ bộc phát theo tình huống thì tội phạm kinh tế luôn làm đau đầu các điều tra viên. Bởi, phần lớn họ đều có trình độ, nhận thức pháp luật tương đối và sử dụng nhiều thủ đoạn đối phó nên gây không ít khó khăn cho quá trình điều tra, xử lý.

Năm 2005, khi kiểm tra một cửa hàng bán đồ điện tử tại địa bàn xã Tam Phước (nay thuộc TP. Biên Hòa) và phát hiện nhiều đơn hàng không có chứng từ, xuất xứ rõ ràng, Trung tá Lam đã tiến hành lập biên bản xử lý. Để tránh gặp rắc rối với pháp luật, chủ cửa hàng đã xin, rồi nhét tiền vào túi các cán bộ kiểm tra. Lúc này, Trung tá Lam yêu cầu đối tượng dừng ngay hành vi hối lộ, nếu không sẽ xử lý theo pháp luật nên đối tượng mới chịu thôi.

Năm 2008, lúc đi kiểm tra một số cửa hàng ở thị trấn Long Thành, Trung tá Lam vướng không ít khó khăn, vì một số chủ cơ sở bất hợp tác với lực lượng chức năng. Sau khi đưa hối lộ bất thành, các chủ cơ sở kinh doanh quay sang chống đối quyết liệt bằng cách quay phim rồi vu khống lực lượng chức năng “bạo hành” dân… Không chỉ vậy, nhiều người thân đối tượng còn tìm đến nhà riêng của Trung tá Lam để “quà cáp” để nhờ chạy tội, nhưng đều bị từ chối thẳng thừng.

Trung tá Lam cho hay: “Thường thì có sai phạm nên người ta mới không muốn mình kiểm tra. Họ có thể dùng tất cả chiêu thức để làm tha hóa người cán bộ công an. Vì vậy, khi làm nhiệm vụ, mình phải minh bạch và vững vàng trước cám dỗ mới không bị vẩn đục tư cách người CBCS công an nhân dân”.

Mới đây nhất, ngày 20-7, Trung tá Lam đã mời ông Phan Tấn Hưng, Phó giám đốc Công ty TNHH Ngân Bình (trụ sở tại ấp 2, xã Phước Bình, huyện Long Thành) để làm việc về hành vi trốn thuế của công ty này. Sau khi làm việc với cơ quan điều tra, ông Hưng liên tục ngỏ ý được “nói chuyện riêng” với Trung tá Lam, nhưng đều bị từ chối. Biết khó lòng xoay chuyển Trung tá Lam, ông Hưng đã bỏ lại 30 triệu đồng trên bàn làm việc của anh rồi ra về. Phát hiện vụ việc, Trung tá Lam đã báo cáo ngay cho lãnh đạo, đồng thời yêu cầu ông Hưng đến cơ quan điều tra để lập biên bản và trả lại số tiền nói trên. Trước đó hai ngày, ông Hưng đã tìm đến nhà riêng của Trung tá Lam đặt vấn đề “hậu tạ hậu hĩnh”, nhưng bất thành.

Với những cống hiến và sự cẩn trọng giữ mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Trung tá Lam luôn được đồng đội và lãnh đạo tin tưởng. Bản thân anh cũng nhận được nhiều danh hiệu, bằng khen của các cấp về những thành tích trong công tác.

Tùng Minh

 

Tin xem nhiều