Sáng 29-9, gần 1 ngàn cán bộ, đảng viên và nhân dân các xã, thị trấn của huyện Long Thành đã có mặt tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện để dự lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ mới được tìm thấy ở xã Bình Sơn.
Sáng 29-9, gần 1 ngàn cán bộ, đảng viên và nhân dân các xã, thị trấn của huyện Long Thành đã có mặt tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện để dự lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ mới được tìm thấy ở xã Bình Sơn.[links(right)]
Các anh hy sinh, không để lại một dòng tên tuổi, địa chỉ, quê quán hay ít nhất cũng là đơn vị chiến đấu…
* Không còn nguyên vẹn
Chiều 20-9, từ nguồn tin báo của các anh Bùi Thanh Vĩnh (xã Bình Sơn) và Vũ Đình Phương (xã An Bình) làm nghề đi dò phế liệu, lực lượng chức năng đã khẩn trương khai quật và tìm kiếm các hài cốt liệt sĩ tại lô cao su thuộc Nông trường cao su Bình Sơn. Trung tá Đoàn Công Tâm, Trưởng ban Chính sách, Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh kể lại: Trong quá trình khai quật, đội đã cẩn thận, tỉ mỉ để cố gắng không để sót lại bất cứ thứ gì liên quan đến các liệt sĩ, đặc biệt là thông tin về tên tuổi, quê quán, đơn vị công tác… nhưng rất tiếc đã không tìm được một thông tin nào. “Điều làm chúng tôi càng đau xót nhất là đã không có một bộ hài cốt nào tìm thấy còn nguyên vẹn. Chỗ thì chỉ tìm thấy xương ống chân, ống tay, chỗ thì những hộp xương sọ được gói trong các bọc nhựa hoặc bằng những mảnh võng dù…” - Trung tá Đoàn Công Tâm nói.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Quân khu 7 thắp hương viếng các liệt sĩ. |
Theo thông tin mà ông Lâm Văn Âu, nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 (Quân khu 7) cung cấp cho các cơ quan chức năng khi phát hiện và khai quật được số hài cốt nói trên: Vào khoảng 23 giờ ngày 17-9-1969, đơn vị của ông được giao đánh trận Bình Sơn với quân Thái Lan (đây chính là khu vực đã phát hiện được hài cốt). Đơn vị của ông Âu khi đó có khoảng 400 chiến sĩ, khi kết thúc trận đánh đã hy sinh và bị thương khoảng 40 người. Bản thân ông Âu khi tham gia trận đánh đêm đó cũng bị thương nhưng may mắn được 6 đồng đội khác giải cứu và đưa về tuyến sau điều trị. Ngoài những người hy sinh, còn có các đồng đội khác bị thương nặng nhưng đồng đội không thể đột nhập để giải cứu nên đã bị quân Thái Lan giết hại dã man. Từ những gì mà ông Âu còn nhớ, ông nhận định rằng, rất có thể các hài cốt liệt sĩ mới được tìm thấy tại xã Bình Sơn chính là của đồng đội trong đơn vị cũ của ông đã hy sinh.
Để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho lớp trẻ, 19 chiếc quách đựng một phần cơ thể của các liệt sĩ đã được giao cho học sinh các trường THPT của huyện Long Thành, đoàn viên thanh niên khối công an, quân sự rước từ tượng đài Tổ quốc ghi công ra nơi an táng. Đỡ trên tay chiếc quách đựng hài cốt liệt sĩ, em Phạm Xuân Phương, học sinh lớp 12 Trường THPT Bình Sơn bùi ngùi xúc động: “Nếu như không có những chiến sĩ đã dũng cảm hy sinh thì chắc rằng chúng em không có cuộc sống ngày hôm nay”. |
Trong khi đó, ông Lê Quang Năng, nguyên là y tá của Đại đội 12, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 (Quân khu 7) cho biết, ông vẫn còn lưu lại trong nhật ký chiến đấu của mình từng trận đánh một, trong đó có 2 trận đánh tại khu vực xã Bình Sơn. Trong 2 trận đánh tại xã Bình Sơn có trận diễn ra vào ngày 21-9-1968, quân chủ lực của ta đối đầu với Tiểu đoàn Mãng Xà Vương của Thái Lan, trận thứ hai diễn ra vào ngày 12-5-1969 với Trung đoàn Thái Hắc Báo cũng của Thái Lan. Ông Năng cho rằng, rất có thể ngoài các chiến sĩ của Tiểu đoàn 1 hy sinh tại xã Bình Sơn, còn có các chiến sĩ của Tiểu đoàn 3 cũng đã hy sinh ở đây. Ông Năng cho biết, sau khi báo chí đưa tin tìm thấy nhiều hài cốt liệt sĩ và các di vật kèm theo tại khu vực Nông trường cao su Bình Sơn, nhiều đồng đội đã từng chiến đấu với ông đã gọi điện hỏi thăm tình hình tên tuổi, quê quán, đơn vị của các liệt sĩ.
* Mong tìm tên các anh
Chủ tịch UBND xã Bình Sơn Nguyễn Thanh Phụng cho hay, trong suốt hơn 1 tuần hài cốt của các liệt sĩ được tìm thấy trong Nông trường cao su Bình Sơn đưa về thờ tạm tại trụ sở UBND xã, đã có hàng ngàn lượt người dân trong xã đến viếng và thắp hương để tỏ lòng thành kính và biết ơn các liệt sĩ đã hy sinh trên mảnh đất Bình Sơn này. Nhiều người dân rất mong chờ thông tin của các liệt sĩ, như: tên tuổi, quê quán, đơn vị chiến đấu… được “giải mã” từ những di vật tìm kiếm được. Trước khi hài cốt các liệt sĩ được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Long Thành tổ chức lễ truy điệu và an táng, mẫu hài cốt của các liệt sĩ đã được gửi đi xét nghiệm ADN để tạo thuận lợi hơn cho việc tìm kiếm tên tuổi, quê quán, đơn vị của các liệt sĩ. Trung tá Đoàn Công Tâm cũng cho biết thêm, việc xử lý các hài cốt liệt sĩ được tìm thấy trước khi an táng được tiến hành tỉ mỉ, khoa học, tránh không để nhầm lẫn. Các cơ quan chức năng cũng đã thống nhất việc an táng 19 họp sọ và xương răng trong 19 chiếc quách ở 19 ngôi mộ, riêng số hài cốt là xương ống chân và ống tay, xương vụn được an táng trong một quách lớn trong một ngôi mộ tập thể nhằm đảm bảo tính trang trọng và mỹ thuật. Ông Tâm cho rằng, khoa học ngày càng tiến bộ, vì vậy khả năng tìm được các thông tin cá nhân của các liệt sĩ sẽ dễ dàng hơn.
Tổ chức lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Long Thành. |
Đoàn viên thanh niên bùi ngùi xúc động đưa các liệt sĩ về nghĩa trang an nghỉ sau lễ truy điệu. Ảnh: C.Nghĩa |
Công Nghĩa