Trong 2 ngày 21 và 22-8, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình và Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.
Trong 2 ngày 21 và 22-8, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình và Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.
Đại biểu bức xúc, bộ trưởng nói tốt
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn. Ảnh: T. Thúy |
2 vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu (ĐB) đưa ra chất vấn Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền là đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề lao động nông thôn chưa đạt được hiệu quả, và vấn đề quản lý lao động người nước ngoài. Thế nhưng, bộ trưởng khẳng định lĩnh vực dạy nghề của ngành vẫn được thực hiện tốt, có hiệu quả. Với đào tạo nghề lao động nông thôn, bộ trưởng cho rằng chủ yếu là đào tạo các nghề khuyến nông theo hướng bổ sung thêm kinh nghiệm sản xuất, đào tạo nghề làm dịch vụ, đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ gắn với làng nghề. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc chọn nghề để đào tạo phù hợp nhu cầu là trách nhiệm của địa phương, Bộ chỉ có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc.
[links(right)]Về quản lý lao động là người nước ngoài, Bộ trưởng cho rằng theo quy định, trách nhiệm quản lý là của địa phương, ngành chỉ thực hiện cấp phép theo yêu cầu và hướng dẫn, đôn đốc.
Trả lời thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, qua thống kê hiện trong hơn 78 ngàn lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, có 39,9% lao động chưa được cấp phép, trong đó phần lớn là lao động đến từ các nước châu Phi, Trung Quốc bằng đường du lịch. Việc xử lý các đối tượng này hiện nay rất khó khăn.
Nợ xấu vẫn ở mức an toàn
Giải trình tại phiên chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, việc số liệu về nợ xấu giữa báo cáo của các tổ chức tín dụng, kiểm tra của NHNN và kiểm toán của các tổ chức quốc tế có khác nhau là do tiêu chí đánh giá khác nhau, nhưng với số liệu công bố của NHNN, tỷ lệ nợ xấu (8,6%) của Việt Nam vẫn ở mức an toàn.
Về tình hình tái cấu trúc ngành ngân hàng, trong thời gian qua đã tái cơ cấu 6 ngân hàng, sáp nhập 3 ngân hàng, tất cả đều mang lại hiệu quả cao, tích cực. NHNN cũng đưa ra nhiều giải pháp để giảm tỷ lệ nợ xấu, trong đó có giải pháp tăng cường công tác thanh tra giám sát. Đến nay, tỷ lệ các khoản vay với lãi suất trên 15% đã giảm từ 65-70%. Việc giảm lãi suất cho vay phải thực hiện theo lộ trình, thời gian và tính toán trên khả năng của các tổ chức tín dụng.
Với mục tiêu kiềm chế lạm phát, Thống đốc đảm bảo tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong năm 2012 sẽ không vượt quá 8%. Ngành ngân hàng cũng sẽ mở rộng tín dụng đến vùng nông thôn, miền núi, giảm khoảng cách tín dụng giữa khu vực này với các thành phố, đô thị lớn. Riêng tín dụng cho hộ cận nghèo phải chờ các tiêu chí, quy định của Bộ Lao động - thương binh và xã hội.
Ngành thanh tra: hứa quá nhiều!
Các ĐB cho rằng, trong hơn 63 ngàn cuộc thanh tra trong cả nước đã phát hiện thất thoát hàng chục ngàn tỷ đồng, nhưng chỉ có 464 vụ được chuyển sang cơ quan điều tra, phải chăng đang có xu hướng “hành chính hóa” các vụ hình sự? Qua thanh tra cũng phát hiện được sai phạm trên 8 ngàn tỷ đồng nhưng chỉ thu hồi 15%, tỷ lệ đất sử dụng sai phạm cũng chỉ thu hồi được 8,28%, số người sai phạm chuyển sang cơ quan điều tra chiếm tỷ lệ 0,06%... là quá thấp, làm giảm hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng. Việc xử lý tham nhũng cũng thường kéo dài.
Đại biểu Trương Văn Vở (Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai) nêu chất vất. Ảnh: T. Thúy |
Giải trình chất vấn, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhận trách nhiệm là phát hiện sai phạm của ngành chưa tương xứng, nhất là sai phạm tại các tập đoàn kinh tế lớn, như: Vinashin, Vinalines. Nguyên nhân là do một số tập đoàn hoạt động ở quy mô rất lớn, ngành chỉ có thể thực hiện thanh tra ở một số nội dung, không thể bao quát hết tất cả các lĩnh vực. Nhiều vụ việc chậm công bố kết luận thanh tra là do trong một số vụ việc liên quan đến chuyên môn, ngành cần phải lấy ý kiến của các bộ, ngành khác nhưng chậm được trả lời. Ông Tranh hứa sẽ “truy” tới cùng các vi phạm, nếu có dấu hiệu sẽ chuyển sang cơ quan điều tra, không chờ kết luận thanh tra.
Trả lời chất vấn của ĐB Trương Văn Vở (Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai) về việc các đơn vị thực hiện kết luận, khắc phục sau thanh tra, ông Huỳnh Phong Tranh cũng thừa nhận chưa có chuyển biến. Trong 4 năm qua, tỷ lệ thực hiện sau thanh tra chỉ đạt khoảng 50%, trong đó tỷ lệ thực hiện trong lĩnh vực đất chỉ đạt 20%. Nguyên nhân là do chưa có các biện pháp chế tài cụ thể. Về giải pháp, ông Tranh cho biết sắp tới sẽ thành lập Vụ Giám sát thực hiện kết luận thanh tra và chế tài khi cần thiết. Về “điểm nóng” 528 vụ khiếu nại tố cáo, trong đó 70% là khiếu nại về đất đai, theo ông Tranh, ngành đã thành lập 25 tổ công tác ở 51 tỉnh, thành để phối hợp với địa phương nhằm giải quyết dứt điểm, đồng thời kiến nghị sớm sửa đổi Luật Đất đai. Ông Tranh nhận trách nhiệm trong việc ngành chậm xây dựng Luật Phòng chống tham nhũng cũng như chậm có hướng dẫn thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Với chất vấn trong ngành thanh tra còn hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, ông Tranh thừa nhận vẫn còn tình trạng trên.
Thanh Thúy
Về việc ngành đang thanh tra Vinalines và phát hiện dấu hiệu sai phạm, nhưng ông Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines) vẫn được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải (sau đó bỏ trốn, đang bị truy nã), ông Huỳnh Phong Tranh cho rằng không được cơ quan nào hỏi ý kiến trước khi bổ nhiệm.