(ĐN) - Tiếp tục phiên chất vấn của Quốc hội, chiều 21-8, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình về các vấn đề liên quan đến hoạt động ngân hàng...
(ĐN) - Tiếp tục phiên chất vấn của Quốc hội, chiều 21-8, 35 Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đặt ra 38 câu hỏi chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình về các vấn đề liên quan đến hoạt động ngân hàng như: lãi suất, nợ xấu của các tổ chức tín dụng cùng các giải pháp bình ổn thị trường tiền tệ, tài chính…
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn của ĐBQH |
Giải trình tại phiên chất vấn, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, việc số liệu về nợ xấu giữa báo cáo của các tổ chức tín dụng, kiểm tra của NHNN và kiểm toán của các tổ chức quốc tế có khác nhau là do tiêu chí đánh giá khác nhau, nhưng với số liệu công bố của NHNN, tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam vẫn ở mức an toàn. Về tình hình tái cấu trúc ngành ngân hàng, trong thời gian qua đã tái cơ cấu 6 ngân hàng, sát nhập 3 ngân hàng, tất cả đều mang lại hiệu quả cao, tích cực; hầu hết các ngân hàng sau tái cơ cấu, sát nhập, đã trả được một phần tiền hỗ trợ thanh khoản của Nhà nước. Các hỗ trợ thanh khoản đều được giám sát chặt chẽ để ngân hàng không sử dụng vào mục đích khác. NHNN cũng đưa ra nhiều giải pháp để giảm tỷ lệ nợ xấu, trong đó có giải pháp tăng cường công tác thanh tra giám sát.
Đến nay, theo Thống đốc, tỷ lệ các khoản vay với lãi suất trên 15% đã giảm từ 65-70%. Việc giảm lãi suất cho vay phải thực hiện theo lộ trình, thời gian và tính toán trên khả năng của các tổ chức tín dụng. Với mục tiêu kiềm chế lạm phát, Thống đốc đảm bảo tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong năm 2012 sẽ không vượt quá 8%. Ngành ngân hàng cũng sẽ mở rộng tín dụng đến vùng nông thôn, miền núi, giảm khoảng cách tín dụng giữa khu vực này với các thành phố, đô thị lớn. Riêng tín dụng cho hộ cận nghèo phải chờ tiêu chí, quy định của Bộ Lao động - thương binh và xã hội.
Kết luận sau buổi chất vấn, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ngành ngân hàng cần chú ý hơn nữa đến các giải pháp khắc phục khó khăn, giảm tỷ lệ nợ xấu, không để xảy ra tình trạng đổ bể tín dụng; đồng thời nhanh chóng thực hiện tái cấu trúc ngành, nâng cao năng lực tài chính và điều hành, nhằm góp phần kéo giảm lạm phát, chú trọng hơn đến tín dụng lãi suất thấp cho nông dân và doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Sáng mai, các ĐBQH sẽ có phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ.
T. Thuý