Báo Đồng Nai điện tử
En

"Tam Sa" có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực

11:08, 08/08/2012

Mỹ cho rằng việc Trung Quốc nâng cấp hành chính thành phố Tam Sa và thiết lập một điểm đồn trú quân sự mới ở đó là "trái với các nỗ lực hợp tác ngoại giao nhằm giải quyết những sự khác biệt và có nguy cơ làm leo thang căng thẳng ở trong khu vực".

Mỹ cho rằng việc Trung Quốc nâng cấp hành chính thành phố Tam Sa và thiết lập một điểm đồn trú quân sự mới ở đó là "trái với các nỗ lực hợp tác ngoại giao nhằm giải quyết những sự khác biệt và có nguy cơ làm leo thang căng thẳng ở trong khu vực".

Văn phòng quan hệ báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây ra Tuyên bố báo chí về tình hình ở Biển Đông. Quyền phó phát ngôn viên Patrick Ventrell cho hay Mỹ quan ngại về sự gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và đang theo dõi tình hình chặt chẽ.

Mỹ cho rằng, những diễn biến mới đây bao gồm việc leo thang các tuyên bố có tính đối đầu, các bất đồng về khai thác tài nguyên, các hành động kinh tế có tính cưỡng ép, và các sự cố xung quanh Bãi cạn Scarborough, trong đó có việc sử dụng rào chắn để ngăn cản việc tiếp cận.

Mỹ thúc đẩy tất cả các bên làm rõ và theo đuổi đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải theo luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển. Ảnh: Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại họp báo sau Hội nghị cấp cao Đông Á (Reuters)

"Đặc biệt, việc Trung Quốc nâng cấp hành chính thành phố Tam Sa và thiết lập một điểm đồn trú quân sự mới ở đó có trách nhiệm bao trùm lên các khu vực tranh chấp ở Biển Đông là trái với các nỗ lực hợp tác ngoại giao nhằm giải quyết những sự khác biệt và có nguy cơ làm leo thang căng thẳng ở trong khu vực" - tuyên bố cho hay.

Là một quốc gia Thái Bình Dương và cường quốc nằm trong khu vực, Mỹ khẳng định "có lợi ích quốc gia" trong việc duy trì hoà bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, và thương mại hợp pháp không bị cản trở ở Biển Đông.

"Chúng tôi không đưa ra quan điểm về những tuyên bố chủ quyền tranh chấp với nhau về các bãi nổi và không có bất kỳ tham vọng lãnh thổ nào ở Biển Đông. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng các quốc gia của khu vực cần làm việc một cách cộng tác và thông qua ngoại giao để giải quyết các tranh chấp mà không có sự cưỡng ép, không có sự doạ nạt, không có sự đe doạ, và không sử dụng vũ lực" - phó phát ngôn viên Patrick Ventrell cho hay.

Mỹ thúc giục các bên tiến hành các bước để làm giảm căng thẳng phù hợp với tinh thần của Tuyên bố năm 1992 của ASEAN về Biển Đông và Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 ký giữa ASEAN-Trung Quốc .

"Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của ASEAN nhằm tạo dựng đồng thuận về một cơ chế dựa trên các nguyên tắc để quản lý và ngăn ngừa tranh chấp. Chúng tôi khuyến khích ASEAN và Trung Quốc đạt được tiến bộ có ý nghĩa hướng tới hoàn tất một Bộ Quy tắc ứng xử toàn diện nhằm thiết lập các quy định về các hoạt động và các quy trình rõ ràng cho việc giải quyết hoà bình các bất đồng. Trong bối cảnh như vậy, Mỹ tán thành bộ nguyên tắc 6 Điểm của ASEAN về Biển Đông".

Tuyên bố cho hay, Mỹ tiếp tục thúc đấy tất cả các bên làm rõ và theo đuổi đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải theo luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

"Chúng tôi tin rằng các bên đòi hỏi chủ quyền sẽ sử dụng con đường ngoại giao và hoà bình để tìm ra giải pháp, bao gồm sự phân xử của trọng tài cùng các cơ chế luật pháp quốc tế khác khi cần thiết. Chúng tôi cũng khuyến khích các bên liên quan tìm ra các thoả thuận hợp tác mới nhằm quản lý việc khai thác tài nguyên có trách nhiệm tại Biển Đông".

Mỹ cũng cho hay đang tích cực ủng hộ sự đoàn kết và vai trò lãnh đạo của ASEAN tại các diễn đàn khu vực, và đang thực hiện hàng loạt tham vấn với các thành viên ASEAN và các quốc gia khác ở khu vực để thúc đẩy giải pháp ngoại giao, giúp củng cố hệ thống quy định, trách nhiệm và quy tắc nhằm tạo dựng được sự ổn định, an ninh và năng động kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo VietNamNet

 

Tin xem nhiều