Ấm ức câu hỏi của chị Tám Tía về hành vi và tâm đức mà Báo Đồng Nai đã nêu, tui đem chuyện kể cho anh Tư Bốn nghe, rồi hỏi:
Ấm ức câu hỏi của chị Tám Tía về hành vi và tâm đức mà Báo Đồng Nai đã nêu, tui đem chuyện kể cho anh Tư Bốn nghe, rồi hỏi:
- Theo anh, khi giữa hành vi và tâm đức trái ngược nhau, thì việc kiểm điểm phê bình phải như thế nào?
Tư Bốn kéo ghế cho tui ngồi, rót cho ly nước:
- Thì ngồi xuống đây, uống miếng nước đã. Tui có đọc báo rồi. Cái vụ bắt trộm bình điện và hành vi không nhận hối lộ chứ gì?. Việc này nhỏ như con thỏ, nhưng ứng xử khó lắm. Sự đời mà, thường khi “thấy vậy mà hổng phải vậy”. Cho nên, nếu chỉ căn cứ vào hành vi mà đánh giá thì không đúng với cái thực đang diễn ra. Như câu chuyện về quả bí và đứa trẻ vậy.
Đúng là Tư Bốn. Câu hỏi đơn giản thường giải thích thành phức tạp. Thiệt tình, tui “nghe như vịt nghe sấm”, chả hiểu gì, nhức cái đầu. Biết tui đang ù ù cạc cạc, Tư Bốn dẫn giải:
- Chuyện kể rằng, có lần thiền sư hỏi học trò: một người bỏ quả bí vào chảo dầu luộc, nghĩ rằng mình đang luộc một đứa trẻ. Một người khác đang bỏ đứa trẻ vào chảo dầu nghĩ mình đang luộc quả bí. Vậy thiện tính ở đâu? Học trò nhao nhao tranh cãi. Ý kiến trái nhau. Số đông thiên về lên án kẻ luộc đứa trẻ. Sau cùng, vị thiền sư giảng giải: Luộc đứa trẻ là hành vi ác, luật pháp sẽ trừng trị. Việc đó thấy bằng mắt, dễ thực hiện. Nhưng, chúng ta là người học đạo, cần nghĩ đến chữ tâm sâu thẳm bên trong. Việc này khó vì nó không hiển thị. Vậy, các con hãy ghi nhận thiện tâm của kẻ nghĩ rằng mình luộc quả bí và giáo hóa ác ý của kẻ luộc quả bí mà thực là đang luộc đứa trẻ trong lòng. Các con có hiểu không. Học trò đều thấu hiểu.
Nhưng tui vẫn chưa hiểu:
- Đang nói chuyện kiểm điểm phê bình và tự phê bình cần dựa vào hành vi hay tâm đức, anh lại dẫn câu chuyện triết lý học đạo, có liên quan gì ở đây?
Tư Bốn giải thích:
- Liên quan chứ sao không? Việc kiểm điểm phê bình và tự phê bình cũng là để nhận ra cái thực, cái thiện thuộc về tâm đức ẩn khuất bên trong những hào quang thành tích đã được tạo ra không thực chất. Anh có thấy không, những tội phạm có chức có quyền trước khi bị phát hiện, xử lý hoặc bỏ trốn khỏi vị trí thường cũng được phủ hào quang thành tích chói lòa, bằng giấy khen chói mắt. Tâm đức ở họ đâu rồi?
Nghe anh Tư Bốn nói, tui thấy sáng ra. Đúng rồi. Ở đời, cái tâm, cái đức là trọng. Cần phải gieo cấy, vun đắp nó trong mọi hành vi, nhất là hành vi của mọi “công bộc”của dân.
Ong Mật