Quê hương cách mạng Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang qua 67 năm đã đổi thay nhiều, cuộc sống no ấm đang đến với từng hộ đồng bào các dân tộc nơi đây.
Quê hương cách mạng Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang qua 67 năm đã đổi thay nhiều, cuộc sống no ấm đang đến với từng hộ đồng bào các dân tộc nơi đây.
* Chuyện lịch sử
Từ trung tâm TP.Tuyên Quang, men theo con đường nhựa phẳng phiu để dẫn về Sơn Dương, về với vùng đất ghi đậm dấu ấn của những năm kháng chiến thần kỳ cùng các sự kiện lịch sử của những ngày đầu thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Dù đã 67 năm trôi qua nhưng trong ký ức của người dân vùng ATK, những câu chuyện về Bác Hồ, về cách mạng vẫn còn sống mãi.
Du khách đến tham quan các hiện vật tại Bảo tàng Tân Trào. Ảnh: Đào Thanh |
Ở Tân Trào, nơi Bác Hồ đã từng sống và làm việc trong thời gian khi Người mới trở về từ Pác Bó (Cao Bằng) hình ảnh và những việc làm của “ông Ké cách mạng” vẫn in sâu trong tâm trí những người dân nơi đây. Ngày ấy, ở thôn Lũng Búng và cả xã Tân Trào, mọi người không biết Bác Hồ là ai mà chỉ biết đó là ông Ké do để đảm bảo giữ bí mật thông tin liên lạc. Mãi sau này, khi kháng chiến thắng lợi người dân mới biết đó là Bác Hồ.
Tại xã Trung Yên, nơi có 22 điểm di tích lịch sử cách mạng, trong đó có nhiều điểm di tích quan trọng, như: Khu di tích Chủ tịch Tôn Đức Thắng, di tích Ban thường trực Quốc hội, cơ quan Thông tấn xã, Bộ Nội vụ... Trung Yên hôm nay, đang không ngừng đổi thay, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa sạch đẹp; chợ trung tâm các xã lúc nào cũng tấp nập người mua, người bán; cánh đồng lúa bạt ngàn xanh ngút mắt...
Về các xã ATK: Tân Trào, Hợp Thành, Minh Thanh, Bình Yên, Lương Thiện, Trung Yên của huyện Sơn Dương, nghe những câu chuyện lịch sử qua lời kể của các cụ cao tuổi càng tin yêu, tự hào về vùng quê cách mạng Sơn Dương. Chính những người dân bình dị ấy đã góp sức làm nên mốc son chói lọi, bước ngoặt vĩ đại của lịch sử dân tộc - Cách mạng tháng Tám năm 1945.
* Khởi sắc
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chung sức đồng lòng của bà con nhân dân, những năm qua, đời sống vật chất văn hóa tinh thần của bà con nhân dân vùng chiến khu xưa đã không ngừng được nâng lên.
Bà Ma Thị Muộn, Bí thư Đảng ủy xã Trung Yên cho biết, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, bà con nhân dân cùng chung sức đồng lòng vượt qua đói nghèo, đến nay, xã không còn hộ đói. Đời sống kinh tế phát triển, nhận thức của bà con được nâng lên, vì vậy việc chăm lo học hành cho con cái họ cũng được cải thiện. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi học hết bậc tiểu học đạt 100%, hết bậc THCS đạt 97%. Cùng với chăm lo xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Trung Yên luôn chú ý đến việc giữ gìn, tôn tạo và bảo vệ các điểm di tích lịch sử.
Ở xã Bình Yên, chúng tôi thấy hiện hữu sức sống mới đang về với vùng quê cách mạng này. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đang tập trung quy hoạch những vùng sản xuất tập trung hàng hóa, ưu tiên đầu tư phát triển các loại cây thế mạnh gồm rừng, chè, mía. Vụ mùa năm nay, xã đang tích cực chăm sóc 103 hécta lúa, nỗ lực hoàn thành trồng mới 133 hécta rừng.
Với hơn 138 di tích và cụm di tích lịch sử văn hóa gắn với bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc, cùng nhiều cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Sơn Dương có tiềm năng to lớn cho ngành “công nghiệp không khói” phát triển. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các bộ, ban ngành, nhiều điểm di tích lịch sử của huyện Sơn Dương đã được đầu tư trùng tu xây dựng.
Ông Tô Hoàng Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho biết, từ đầu năm đến nay huyện đã đón trên 350 ngàn lượt khách đến tham quan du lịch, đạt hơn 75% kế hoạch năm. Doanh thu từ du lịch đạt trên 342 triệu đồng, bằng 68% kế hoạch năm.
Sự kiện đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với Khu Di tích lịch sử Tân Trào diễn ra ngày 16-8 là dấu ấn lịch sử, văn hóa quan trọng, là niềm tự hào đối với mảnh đất và con người xứ Tuyên.
Đào Thanh